Trồng tía tô, trồng cây thìa canh, dân một thôn ở Quảng Trị nhanh thu tiền, nhà nào cũng khá giả lên
Những cây trồng "mới toanh" này đang mang nhiều tiền hơn cho nông dân một thôn ở Quảng Trị
Chủ nhật, ngày 04/02/2024 06:14 AM (GMT+7)
Năm 2023 là năm đầu tiên nông dân thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) liên kết với doanh nghiệp để trồng một số cây dược liệu như trồng tía tô, trồng cây thìa canh...
Dù diện tích trồng cây dược liệu chưa nhiều nhưng bước đầu mô hình đã tác động tích cực đến nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).
Mô hình trồng cây dược liệu kỳ vọng sẽ mở ra hướng sản xuất mới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tranh thủ thời tiết tạnh ráo sau những ngày mưa dầm dề, chị Hồ Thị Hiền, thôn Bản Chùa dành thời gian chăm sóc, sửa sang lại những luống cây thìa canh của gia đình.
Xuống giống từ tháng 3, đến nay, 2 sào thìa canh của gia đình chị đã có thể thu hoạch được nhưng do thời tiết không thuận lợi nên doanh nghiệp chưa thể vào bản thu mua được.
“Tôi nghe cán bộ nông nghiệp hướng dẫn lứa đầu tiên thì nên để cây già hơn một tí rồi hái. Thời gian có thể từ 8 tháng - 1 năm, còn những lứa sau thì từ 6-8 tháng là đã thu hoạch được.
Đặc biệt, thời điểm thu hái lá thìa canh cần nắng ráo để đảm bảo thu được các tinh chất quý của cây. Cũng vì thời gian lứa này kéo dài nên vừa rồi doanh nghiệp đã hỗ trợ cho gia đình thêm 2 triệu đồng để làm cỏ, tiếp tục chăm sóc cây, đợi đến thời điểm thuận lợi sẽ thu hoạch.
Thìa canh là cây trồng mới, gia đình tiên phong trồng nên chúng tôi rất háo hức, mong đến ngày thu hái thành quả”, chị Hiền chia sẻ.
Nông dân thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) phấn khởi với mô hình trồng cây dược liệu, bà con đang thu hoạch cây tía tô -Ảnh: M.L
Vườn cây thìa canh của gia đình chị Hiền mô hình đầu tiên được trồng trên địa bàn xã Cam Tuyền. Đây là cây thảo dược dùng để làm trà hoặc nấu cao, có tác dụng hỗ trợ phòng và chữa bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu.
Loại cây này là cây lưu gốc nên trồng một lần cho thu hoạch từ 8 -10 năm. Mỗi năm thu hoạch bằng cách hái lá khoảng 2 lứa; năng suất từ 1-1,5 tạ/ sào/năm; lá tươi được thu mua với giá từ 8.000 -10.000 đồng/kg.
Trong khi đó, gia đình chị Hồ Thị Liên đã thu hoạch xong 2 sào tía tô được trồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Quá trình thực hiện mô hình, doanh nghiệp đã hỗ trợ một phần giống, phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm được công ty cam kết thu mua ngay tại ruộng với giá cao hơn giá thị trường.
Chị Liên cho biết: “Làm thí điểm nên diện tích không lớn lắm nhưng chúng tôi rất vui vì vườn tía tô phát triển rất nhanh, đến khi thu hoạch cây đều cao trên 1 m, cành lá sum suê.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết đến phương thức canh tác hữu cơ. Trước đây, tôi thường chăm sóc cây trồng bằng bón phân hóa học hoặc phân trâu, bò tươi nhưng lần này thì chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bằng men vi sinh; việc tưới nước, làm cỏ cũng theo một quy trình cụ thể của cán bộ nông nghiệp chứ không làm tùy tiện như trước”.
Hai mô hình sản xuất trên đều nằm trong khuôn khổ chương trình thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân với nông dân Bản Chùa về hợp tác trồng và thu mua cây dược liệu.
Với sự hợp tác này, năm 2023, công ty hỗ trợ người dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu. Ngoài cây thìa canh, tía tô, hiện người dân Bản Chùa đang chuẩn bị đất, vật tư để trồng cà gai leo. Có 23 hộ dân đăng ký tham gia mô hình.
Để chuẩn bị cho sự hợp tác này, trong thời gian qua, xã Cam Tuyền đã tranh thủ nguồn hỗ trợ của dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng và sơ chế dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu” (GACP - WHO) cho trên 40 hộ dân thôn Bản Chùa.
Dự án đã giới thiệu tầm quan trọng của việc xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt dược liệu và cách thu hái cây dược liệu.
Với mỗi quy trình có nhiều công đoạn và mỗi công đoạn lại có những tiêu chuẩn riêng cho từng cây thuốc, phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, điều kiện sinh thái, nguồn giống, đất trồng, các biện pháp canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, vận chuyển, xử lý sau thu hoạch, đóng gói và bảo quản.
Theo ông Hồ Văn Mường, Trưởng thôn Bản Chùa, vào năm 2018, người dân Bản Chùa đã từng trồng gần 5 ha cây cây chè vằng để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất cao dược liệu trên địa bàn.
Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm mà đưa vào sản xuất một lần với diện tích tương đối lớn nên thất bại. Thời điểm đó, do chưa biết cách trồng, chăm sóc cây dược liệu, đến khi thu hoạch thì đầu ra sản phẩm không ổn định, phụ thuộc thị trường nên người dân chán nản, không đầu tư nữa.
Đến năm 2020, toàn bộ diện tích cây chè vằng ở đây đều bị người dân phá bỏ để quay trở lại trồng các cây trồng truyền thống như lạc, sắn.
“Khác với lần trước, lần này thì thôn làm thí điểm một số vườn trước để rút kinh nghiệm, hướng dẫn người dân thực hành vì so với vùng đồng bằng, trình độ nhận thức, thói quen sản xuất của người dân ở đây vẫn còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, các mô hình trồng cây dược liệu lần này đều được doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm tận ruộng cao hơn giá thị trường nên người dân rất yên tâm”, ông Mường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.