Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã vùng cao An Toàn được ví như "cổng trời", huyện phía Tây Bắc tỉnh Bình Định.
Ngoài khí hậu quanh năm mát mẻ và nhiều cảnh quan đẹp, đây cũng là nơi duy nhất ở Bình Định có khu bảo tồn thiên nhiên, hiện do Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn quản lý.
Nơi đây có chè "tiến vua", nguồn tài nguyên thiên nhiên rất quý cần bảo tồn. Các cây chè đang trong quá trình bảo tồn nên được bảo vệ rất nghiêm ngặt, không ai được vào chặt phá.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở NNPTNT, Sở Tài chính và UBND huyện An Lão đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển sản phẩm chè "tiến vua" tại xã An Toàn, huyện An Lão.
Huyện sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án, tổ chức sản xuất thử nghiệm sản phẩm chè "tiến vua" xã An Toàn trong năm 2023.
Sở NNPTNT tỉnh chủ trì, tổ chức kiểm tra, đánh giá phân bố, số lượng cây chè "tiến vua" tại rừng An Toàn để UBND huyện An Lão làm cơ sở lập Đề án phát triển sản phẩm chè "tiến vua" gắn với phát triển văn hoá du lịch trong thời gian tới.
Từ bìa rừng An Toàn, chúng tôi đi vào khoảnh 11a, Tiểu khu 37, xã An Toàn, huyện An Lão chừng 200m, một cây chè cổ thụ (người dân địa phương quen gọi là chè "tiến vua") có đường kính 44cm, cao hơn 13m, tán rộng 7m mọc sừng sững.
Cây chè này vừa được Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn (Sở NNPTNT tỉnh Bình Định) bấm tọa độ, đánh số 242 để bảo vệ.
Theo Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, đây là cây chè cổ thụ lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện ở cánh rừng này.
Ngoài cây chè cổ thụ 242, trên diện tích 2.059ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch sản xuất, Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn đã điều tra, xác định có 493 cây chè có đường kính gốc nhỏ nhất là 10cm, chiều cao từ 3,5m đến hơn 9m, tán 0,4-7m. Trong số đó, có đến 366 cây có đường kính trên 15cm, chiều cao trên 9m, tán rộng từ 5-7m.
Anh Võ Thanh Long, nhân viên Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn cho hay, trong quá trình điều tra, khảo sát, mọi người khá bất ngờ khi phát hiện nhiều cây chè to như vậy.
"Các cây này có tuổi đời hàng trăm năm, hoàn toàn mọc tự nhiên. Chè cổ thụ tập trung ở nhiều vùng, mật độ cũng tương đối dày, đang mùa mưa nên chủ yếu lá già, cành xum xuê, tán rộng", anh Long nói.
Điều lạ, ngay cả nhân viên của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn và những người tham gia khảo sát, tìm kiếm những cây chè cổ thụ trong rừng tự nhiên này cũng không biết chính xác nguồn gốc và thời gian hình thành của cây.
Người dân địa phương cũng chỉ nghe cha ông kể lại, từ khi có mặt ở vùng đất này thì những cây chè đã có rồi.
Để bảo vệ những cây chè cổ thụ ở khu rừng, Ban quản lý đã điều tra, thống kê, tiến hành bấm số, gắn tọa độ mỗi cây để đưa vào bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không chặt phá, xâm hại cây và thường xuyên tuần tra, bảo vệ để giữ cây.
Để phát triển tiềm năng của vùng chè, UBND huyện An Lão đã xây dựng đề án khôi phục và phát triển rừng chè, từng bước xây dựng thương hiệu chè đặc sản "tiến vua". Từ đó, phát triển chè "tiến vua" An Toàn theo hướng sản phẩm đặc trưng địa phương, làm quà tặng chất lượng cao phục vụ du lịch.
Ông Đỗ Tùng Lâm - Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) cho biết, huyện này đang tổ chức sản xuất thử nghiệm chè tiến vua từ vườn chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Theo ông Lâm, hiện nay chè tiến vua ở An Lão có tổng cộng 6.117 cây, phân bố tại các khu rừng tự nhiên quy hoạch chức năng sản xuất và trong nương rẫy, vườn rừng của nhân dân tại xã An Toàn.
"Muốn hái được chè này, người dân phải bắt giàn và leo lên hái từng búp nhỏ mang về. Đây là công đoạn rất quan trọng để sản xuất chè tiến vua", ông Lâm cho hay.
Bước đầu, UBND huyện An Lão, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Q-Link và Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã tổ chức tập huấn cho 30 hộ dân kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè; thực nghiệm cắt tỉa, thu hái trên 300 cây chè và triển khai sản xuất thử nghiệm.
"Trong thời gian tới, dự kiến sẽ sản xuất 1.500 hộp trà túi lọc, trà dưỡng sinh. Sau khi thử nghiệm xong, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất các loại trà từ cây chè tiến vua: bạch trà, hồng trà, thanh trà và trà dưỡng sinh", ông Lâm chia sẻ.
Nói về việc sản xuất chè tiến vua ở An Lão, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, mô hình sản xuất này rất ý nghĩa vì sẽ giúp cho địa phương phát triển du lịch văn hoá, gắn kết phát triển sản phẩm chè, tạo ra sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách đến với vùng đất An Toàn; tạo công việc ổn định cho người dân, từng bước thoát nghèo.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, với dự án chè tiến vua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và sẽ có các hướng hỗ trợ thiết thực nhất cho nhà đầu tư trong việc phát triển dự án tại xã An Toàn.
Ông Hồ Quốc Dũng đề nghị, UBND huyện thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về ứng dụng chè tiến vua. Tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn môi trường, cảnh quan và tăng cường bảo vệ rừng. Ngoài ra, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn 2 cần kiểm đếm đầy đủ về số lượng cây chè hiện có trên địa bàn rừng quản lý, để có nguồn nguyên liệu ổn định…
Được biết, rừng chè tiến vua hay còn gọi là chè Ô Long, chè Gia Long mọc tự nhiên ở vùng đất có độ cao hơn 900m so với mặt nước biển. Đây là nơi có danh xưng là Bãi cỏ Gia Long, nơi chăn thả gia súc của vua Gia Long, nằm trên địa bàn thôn 2, xã An Toàn.
Lá chè xanh tiến vua vo nấu nước có màu vàng sánh rất đẹp. Khi uống có vị đắng ở đầu lưỡi, ngọt hậu, thơm ngon và có mùi đặc trưng.
Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho hay, sở dĩ có tên là chè tiến vua, vì đây là một loại chè "quý hiếm".
Theo lời kể, do loại chè này mọc trong rừng tự nhiên, khó tiếp cận, thu hái nên ngày xưa chỉ có vua và quan lại triều đình mới được thưởng thức. Hằng năm, người dân dâng tặng chè lên cho vua để biểu thị lòng tôn kính.