Nghề làm khô cá biển ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã hình thành từ lâu và giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giàu.
Vào những ngày này, khi tết Nguyên đán đang đến gần cũng là lúc nghề sản xuất, kinh doanh khô biển tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề lại rộn ràng hơn hẳn, không khí người mua - bán khô cá, khô tôm, khô mực diễn ra sôi động…
Trong cái nắng hanh hanh của xứ biển vào những ngày cuối tháng 1/2024, chúng tôi có dịp về thị trấn Trần Đề và nhận thấy không khí tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh mua bán khô cá biển ở đây vô cùng náo nhiệt.
Mỗi người một việc, ai cũng khẩn trương, tất bật với mong muốn làm ra nhiều sản phẩm bán trong dịp Tết. Theo quan sát của chúng tôi, sản phẩm ở đây chủ yếu là khô cá lù đù, khô cá khoai, khô cá đuối, cá kèo, khô cá ngát, cá lưỡi trâu và cao cấp hơn đó là các sản phẩm: tôm khô, khô mực, khô đuối hắc cấy, ha dao, ó xanh…
Trao đổi với chúng tôi ngay tại vựa, chị Nguyễn Thị Vàng - chủ cơ sở Út Vàng chuyên kinh doanh các loại hải sản ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề xởi lởi: “Tôi sản xuất, mua bán khô hơn 6 năm nay. Do nhà có ghe biển nên đa số các sản phẩm đều làm tại nhà. Và điều đặc biệt đó là, để khô cá đạt chất lượng, có thương hiệu, những công đoạn làm khô từ thu mua nguyên liệu, đến xẻ, ướp, phơi nắng, đóng gói sản phẩm đều phải đảm bảo đúng quy trình.
Hiện cơ sở bán mạnh nhất là các mặt hàng: mực khô, tôm khô, mực tươi cấp đông, cá khô các loại… với giá dao động từ vài trăm ngàn đồng/kg cho đến hơn 1 triệu đồng/kg (tùy theo loại).
Trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất bảo quản. Ngoài bán cho người dân địa phương thì sản phẩm của cơ sở còn được bán sỉ cho các cơ sở ở thành phố Sóc Trăng; Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh”.
Nghề làm khô cá biển ở Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã hình thành từ lâu và giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giàu. Ảnh: QUANG BÌNH
Theo thông tin từ các chủ cơ sở khô ở thị trấn Trần Đề, những tháng trước, không khí mua bán khô ở đây khá trầm lắng và chỉ mới sôi động hẳn lên trong những ngày giáp tết Nguyên đán này.
Anh Bùi Minh Phú - đại diện cơ sở mua bán khô Quý Hiểu, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề thông tin: “Hiện tại, cơ sở có trên 30 mặt hàng khô các loại. Nào là khô cá lù đù, cá lạc, khô cá chỉ, cá ngát, cá khoai, cá thu, cá lưỡi trâu, cá đuối, tôm khô…
Thời điểm này không khí mua bán đã nhộn nhịp hơn. Về giá cả các loại cá khô năm nay không tăng bao nhiêu, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/kg và có sản phẩm hơn 1 triệu đồng/kg; còn nguồn cung thì tương đối đầy đủ”.
Đại diện sạp khô Thái Nguyễn, cũng ngụ tại ấp Cảng, thị trấn Trần Đề góp lời: “Gia đình tôi làm nghề mua bán cá khô được mấy năm nay. Quanh năm mua bán nhưng mùa Tết là mùa sôi động nhất nên doanh thu cũng tốt lên từng ngày.
Năm nay kinh tế khó khăn nên mặc dù giá nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng tôi vẫn giữ nguyên mức giá bán như những năm trước. Sản phẩm khô ở cơ sở tuy không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng hương vị thơm ngon đặc trưng nên được khách hàng ưa chuộng”.
Nghề làm cá khô, tôm khô ở thị trấn Trần Đề có từ khá lâu và được chia thành nhiều tầng nấc, từ những gia đình làm khô nhỏ lẻ kiểu truyền thống đến các cơ sở sản xuất quy mô.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Phúc - Trưởng Ban nhân dân ấp Cảng, thị trấn Trần Đề cho biết, trên địa bàn hiện có hơn chục cơ sở sản xuất, kinh doanh mua bán cá khô các loại. Trong những tháng cuối năm 2023, tranh thủ thời gian, các cơ sở sản xuất khô làm không kể ngày đêm để kịp cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với nguồn thu nhập khá ổn, tùy theo công đoạn.
Đồng chí Dương Thanh Ngân - Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Nghề làm khô cá biển có từ lâu đời, đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Địa phương đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu khô cá lù đù đạt sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, để nghề làm khô cá biển ở địa phương ngày càng phát triển thì UBND thị trấn tiếp tục vận động, tuyên truyền đến người dân cũng như các hộ kinh doanh, mua bán cá khô trong quá trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Địa phương cố gắng tăng thêm số hộ kinh doanh mua bán khô cá biển và phấn đấu sẽ có thêm nhiều sản phẩm của địa phương đạt sao OCOP, giúp cho địa phương ngày càng phát triển; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của thị trấn Trần Đề đến với du khách trong và ngoài tỉnh”.
Người dân xứ biển Trần Đề luôn tự hào về nghề làm khô của quê hương mình nên trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ngoài việc chú ý đến sản lượng thì còn hướng đến chất lượng cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì thế mà sản phẩm khô cá biển Trần Đề ngày càng thu hút lượng lớn khách hàng gần xa đến đây mua về sử dụng.