Chặng đường từ trung tâm huyện Hoài Ân (Bình Định) đi về xã miền núi Bok Tới dài khoảng 30km. Xa xôi là vậy, nhưng trước đây, vào mùa mưa ai về Bok Tới cũng rất ngại đi xe máy. Bởi, chẳng mấy chốc chiếc xe máy sẽ "nằm ì" bất cứ lúc nào vì bánh xe, lốc máy dính quánh bùn đất.
Đi xe đạp mệt, chậm, nhưng qua những đoạn đường đặc quánh bùn có thể vác lên vai, đến đoạn đường phẳng thì bỏ xuống đi tiếp, chứ xe máy thì… "bó tay". Làng quê Bok Tới ngày ấy là những căn nhà sàn thấp lè tè, thưa thớt, khuất lấp trong cây cối dày đặc.
Mới cách đây 5 năm, con đường từ xã Ân Nghĩa về Bok Tới dài chỉ khoảng 10km tuy đã được bê tông hóa nhưng rất hẹp, xe máy không dám chạy tốc độ 30km/giờ vì lo ổ gà ổ voi quật ngã.
Giờ đây, đường đã được láng nhựa, rộng thênh thang. Bản làng vắng dần những căn nhà sàn ọp ẹp, thay vào đó là những căn nhà xây khang trang, bề thế.
Người dân ở xã miền núi Bok Tới, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định nhận heo đen đặc sản, heo đen bản địa. Ảnh: QN.
Thấy phía trước UBND xã Bok Tới có hàng chục người dân tụm năm tụm ba trò chuyện rất vui vẻ, gương mặt ai cũng phấn khởi như đang chờ một sự kiện gì đó, hỏi ra thì biết, sáng nay xã cấp con giống heo đen (heo bản địa) cho 14 hộ nghèo trong xã phát triển chăn nuôi để giảm nghèo, mỗi hộ được cấp 3 con giống.
42 con heo giống đều tăm tắp được Công ty TNHH Tổng hợp Việt Tiến ở thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) chọn mua của người dân địa phương toàn là heo cái, chen chúc trên thùng xe tải, chờ về với chuồng nuôi của các hộ dân.
Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Việt Tiến Nguyễn Văn Tiến cho biết, tiêu chuẩn chọn heo giống phải là heo cái để bà con phát triển đàn, heo có trọng lượng từ 12-15kg/con, có độ đồng đều cao, chuẩn heo đen bản địa.
"3 xã vùng cao của huyện Hoài Ân gồm Bok Tới, Đăk Mang và Ân Sơn có khoảng vài trăm hộ nuôi heo đen nên cũng dễ mua heo giống. Mua heo tại địa phương sau này người nuôi dễ chăm sóc, vì chúng đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng, mua heo nơi khác về heo dễ bị sốc nước, lại lo dịch bệnh. Heo chúng tôi mua về sau 21 ngày mới cấp cho dân, chúng đã được tiêm phòng đầy đủ 4 mũi vaccine", ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Heo đen bản địa-heo đặc sản được tiêm phòng đầy đủ 4 mũi vacxin, trước khi cấp cho dân. Ảnh: QN.
Lãnh đạo UBND xã Bok Tới cũng vui lây với sự phấn khởi của những hộ được nhận heo giống. Trước khi cấp heo, họ căn dặn những hộ dân được nhận heo là dù nuôi thả rông nhưng phải xây dựng chuồng để heo tránh mưa tránh nắng. Khi mới đưa heo về, ngày đầu tiên tuyệt đối không cho heo ăn, uống, qua ngày hôm sau mới cho ăn ít. Thời gian cho heo ăn uống "tiết chế" kéo dài khoảng 5 ngày, đến khi heo thuần mới cho ăn uống no nê.
Để công bằng, lãnh đạo UBND xã Bok Tới cho cột 3 bao tải đựng 3 con heo thành 1 chùm có gắn số, sau đó 3 hộ dân bốc thăm trúng số nào lấy heo số ấy. Mỗi việc cấp heo mà lãnh đạo xã đã tận tâm dường ấy thì hỏi sao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở xã miền núi này không khởi sắc.
Rời nơi cấp heo, chúng tôi lang thang để chứng kiến những đổi thay của Bok Tới. Ngang qua 1 căn nhà mới xây dựng nước sơn tường còn chưa vấy bẩn, cũng may hôm nay anh Đinh Văn Sử (36 tuổi) không lên rẫy, nên chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện.
Hộ anh Sử vừa được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu để xóa nhà đơn sơ, tuy nhiên nhìn căn nhà vừa xây dựng rất khang trang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với chỉ 50 triệu đồng tiền hỗ trợ mà sao anh Sử xây dựng được căn nhà bề đến vậy. Mạo muội, chúng tôi hỏi: "Căn nhà này anh xây dựng hết bao nhiêu tiền?".
Anh Sử cho biết: "Mình làm hết 400 triệu đó". "Chỉ được Nhà nước hỗ trợ có 50 triệu đồng, tiền đâu mà anh làm nhà to đến vậy?", chúng tôi lại tò mò. Anh Sử trả lời tỉnh rụi: "Tiền ở trên rừng chứ ở đâu".
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh Sử nói tiếp: "Là bán rừng keo, để dành, nay được Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng mình làm luôn cái nhà để con cái mừng năm mới".
Gia đình anh Sử có 5ha rừng keo. Năm 2019 anh Sử bán lứa keo đầu tiên, chỉ kiếm được có 80 triệu đồng, vì khi ấy keo còn non, không đạt năng suất.
Năm 2022 anh Sử bán lứa keo thứ 2, lúc này keo đúng tuổi khai thác, lại lúc gỗ rừng trồng tăng giá nên anh kiếm được 260 triệu đồng. Gạo ăn hàng ngày đã có mấy đám ruộng cho mỗi năm 700kg lúa.
Tiền đi chợ đã có thu nhập từ thu hái lâm sản phụ dưới tán rừng, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Tiền bán rừng trồng tích góp, bây giờ được Nhà nước hỗ trợ thêm 50 triệu đồng nữa nên vợ chồng anh Sử mạnh dạn xây dựng căn nhà khang trang để đến cả người miền xuôi cũng… "phát thèm".
Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Bok Tới Đinh Giang Sang, chàng thanh niên dân tộc Bana thế hệ 8X tiếp chúng tôi với phong thái trẻ trung, tự tin, nói về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương lưu loát, vanh vách không cần nhìn vào sổ.
Trong mắt chúng tôi, phong cách của người lãnh đạo xã Bok Tới đã "trẻ hóa" mảnh đất vùng sâu, vùng xa này.
Xã Bok Tới có 5 thôn, 531 hộ dân với 1.830 nhân khẩu. Thế nhưng trong đó chỉ có 1 hộ người Kinh với 3 nhân khẩu, còn lại chiếm phần lớn là dân tộc Bana, 1 số ít là đồng bào Hrê, Chăm.
Người Bok Tới là dân thuần nông, ấy vậy mà diện tích canh tác lúa nước hàng năm chỉ có 214ha. Cũng may, núi non hình thành nhiều con suối dẫn nước về sông Kim Sơn, ngành chức năng làm đập dâng chặn nước những dòng suối đưa về đồng ruộng. Cây lúa không phải ngóng nước trời, an nhiên hưởng nước tự chảy nên cho năng suất khá, phần nào giải quyết lương thực tại chỗ.
Chăn nuôi khá mờ nhạt, toàn xã có 531 hộ dân mà chỉ nuôi có khoảng 900 con bò và 700 con heo. Với tổng đàn vật nuôi ít là vậy, chắc chắn chăn nuôi không thể "dựng nhà, dựng cửa" cái nào cái nấy to đùng nhìn "mát con mắt" cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
"Đời sống của dân Bok Tới khởi sắc là nhờ kinh tế rừng, toàn xã hiện có 1.200 ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo. Ở Bok Tới, hầu như hộ nào cũng có rừng trồng. Ngoài ra, họ còn có thêm khoản thu nhập khác từ làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi, thu hái lâm sản phụ dưới tán rừng, nhận khoán bảo vệ rừng… khoản tiền kiếm được đủ sinh hoạt qua ngày. Đến chu kỳ khai thác rừng cầm tiền "1 cục", tích góp dăm ba năm là đủ tiền xây dựng nhà cửa khang trang", anh Sang nói.
Vẫn theo Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Bok Tới, những năm gần đây, tốc độ giảm hộ nghèo ở xã miền núi này vượt xa Nghị quyết HĐND huyện Hoài Ân đề ra.
Nếu như vào năm 2021 Bok Tới còn 181 hộ nghèo, thì đến năm 2022 số hộ nghèo giảm còn 151 hộ, bước sang năm 2023 số hộ nghèo tiếp tục giảm còn 110 hộ.
Theo chỉ tiêu huyện giao thì mỗi năm xã Bok Tới giảm từ 4-5% hộ nghèo trên địa bàn, nhưng thực tế mỗi năm Bok Tới giảm đến 8%. Ấy là nhờ các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
"Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bok Tới được hỗ trợ sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trang bị máy móc để cơ giới hóa sản xuất, cơ sở hạ tầng được đầu tư để phát triển kinh tế nên hộ nghèo ở Bok Tới giảm nhanh", anh Sang chia sẻ.
Cuộc sống người dân ở Bok Tới đã có nhiều đổi thay đến bất ngờ. Những con đường đất đầy bụi mùa nắng và nhão nhoét mùa mưa được thay thế bằng đường bê-tông sạch đẹp, những căn nhà sàn ọp ẹp trước đây cũng nhường chỗ cho những căn nhà gạch khang trang, bề thế.
Có được điều đó là nhờ chính sách phát triển kinh tế-xã hội đã đi vào đời sống một cách thiết thực, giúp người dân thôn bản vươn lên.
Mấy năm nay, hệ thống hạ tầng ở Bok Tới đã được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ, trong đó nhiều căn nhà sàn ọp ẹp đã được thay thế bằng nhà gạch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho hay, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã thực hiện trong hơn 15 năm qua.
Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông, điện, đường bê-tông đã phủ đến trung tâm các xã miền núi; hệ thống kênh mương, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng đã phủ kín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm tới, Hoài Ân sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi và đầu tư hệ thống nước sạch.
"Về hỗ trợ phát triển sản xuất, dựa vào đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện, chúng tôi sẽ đưa tiến bộ kỹ thuật về những vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phương thức canh tác lạc hậu, bên cạnh việc đầu tư các cây, con giống có hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả về các vùng đồng bào thiểu số để nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện", ông Nguyễn Xuân Phong nói.