Dân Việt

Đinh Bạt Tụy là ai mà được cả “vua Lê, chúa Trịnh” trọng vọng?

N.N 07/02/2024 19:39 GMT+7
Một bề tôi trung thành không thờ hai vua, Đinh Bạt Tụy đã bỏ Thăng Long về Nghệ An mong tìm cách giúp vua dẹp loạn. Chính nhờ vậy mà tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ còn sống mãi với non sông đất Việt.

Theo Đinh gia thế phả thì Đinh Bạt Tụy sinh năm Bính Tý - 1516 tại thôn Bùi Ngõa, xã Bùi Khổng, tổng Hải Đô, nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông thi đậu Đình nguyên, Đệ nhất giáp đệ nhất danh chế khoa Giáp Dần, năm Thuận Bình thứ 6, triều vua Lê Trung Tông.

Trong khoảng thời gian từ năm 1570 - 1583, quân nhà Mạc đã 13 lần tấn công vào Thanh Hóa - Nghệ An khiến nhiều nơi ruộng đồng bỏ hoang, nhân dân chịu cảnh đói khổ, dịch bệnh lan tràn, nhiều vùng nông thôn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Trước tình hình đó, Đinh Bạt Tụy cùng Thái phó quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (Trịnh Mô), Lại Quận công Phạm Công Tích, Lai Quốc Khanh, Lê Cập Đệ, Hoàng Đình Ái... ngày đêm bàn mưu tính kế diệt quân Mạc trên đất Thanh - Nghệ chuẩn bị cho việc tiến quân ra Bắc.

Đinh Bạt Tụy là ai mà được cả “vua Lê, chúa Trịnh” trọng vọng?- Ảnh 1.

Đền thờ Đinh Bạt Tuỵ tại Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An.

Thời gian đầu Đinh Bạt Tụy lo huy động tân binh, chỉnh đốn quân sĩ, chiêu tập số dân phiêu tán từ các nơi, động viên họ trở về quê cũ dựng lại nhà cửa, chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông còn cho xây các đồn binh để phòng thủ các cửa ải và lập kho trại, rèn đúc khí giới, tích trữ lương thực chuẩn bị cuộc đánh Mạc lâu dài. Đinh Bạt Tụy còn bày mưu tính kế giúp vua thảo văn từ giao tiếp với các tướng giặc và chính ông cũng đích thân cầm quân ra trận.

Tháng 7 năm Bính Tý - 1576, trong một trận giao chiến lớn với quân Mạc, tướng Trịnh Mô (Nguyễn Cảnh Hoan) bị giặc bắt, sau đó tướng Phạm Công Tích cũng tử trận. Trong hoàn cảnh đó, Đinh Bạt Tụy không hoang mang, lo sợ mà biến đau thương thành hành động. Ông kêu gọi binh sĩ hãy noi gương các tướng lĩnh đã dũng cảm hy sinh mà chiến đấu. Giải phóng đến đâu, Đinh Bạt Tụy giúp dân hàn gắn vết thương chiến tranh, sửa lại đường sá, cầu cống, ổn định cuộc sống mới đến đó.

Triều đình xét thấy Đinh Bạt Tụy không chỉ là người giỏi chiến đấu bằng ngòi bút trên mặt trận ngoại giao mà còn là một người rất tài giỏi trong trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Vì vậy, năm Quang Hưng thứ 8 (1588), triều đình thăng ông chức Binh bộ Thượng thư.

Từ năm 1588, thế lực nhà Mạc yếu dần, không đủ sức mở các cuộc tấn công cướp phá vùng Thanh - Nghệ nữa mà chỉ lo đốc thúc quân sĩ bảo vệ thành Thăng Long và gây cơ sở ở một số châu bản miền núi phía Bắc như Cao Bằng phòng khi bị thất thủ. Trong lúc đó, quan quân nhà Lê - Trịnh thế lực ngày càng phát triển, lại được sự ủng hộ của nhân dân nên ra sức xây dựng cơ sở hậu phương ở Nghệ An - Thanh Hóa, Tân Bình - Thuận Hóa làm bàn đạp vững chắc tiến công ra giải phóng đất Bắc.

Đầu năm 1590, vua Lê Thế Tông cùng với Thiết chế Trịnh Tùng mở cuộc hành binh lớn đánh trận quyết định ở Đông Kinh bắt được Mạc Mậu Hợp, lấy lại kinh thành. Trong cuộc hành quân đó, Đinh Bạt Tụy được giao hộ giá, nhưng do nhiều năm tháng vất vả lo toan việc nước, ông lâm trọng bệnh. Các lương y ra sức cứu chữa nhưng bệnh tình không suy giảm và ông đã tạ thế ngày 17/4/1590, hưởng thọ 74 tuổi.

Mặc dầu vừa mới trở lại kinh đô, công việc triều chính còn bề bộn, cuộc chiến với quân Mạc chưa kết thúc, nhưng nhà vua vẫn cho triều đình tổ chức đưa linh cữu Đinh Bạt Tụy về an táng tại quê nhà. Nhân dân làng Bùi Ngõa, xã Bùi Khổng vô cùng thương tiếc ông và coi ông như một vị anh hùng.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, Đinh Bạt Tụy từ một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, thất học và phải đi làm thuê kiếm sống, nhưng đã vươn lên thành một trí thức khoa bảng, một người hiểu biết sâu rộng không những về chính trị, quân sự mà cả ngoại giao của nhà Lê. Không những giỏi việc quân mà Đinh Bạt Tụy còn chăm lo đời sống của dân. Sau khi thắng trận, ông cùng quân sĩ đến những vùng bị thiệt hại trong chiến tranh để hướng dẫn nhân dân phục hồi sản xuất, khuyến khích học hành. Ông giúp dân mở chợ, xây dựng chùa, mở đường giao thông, làm thủy lợi, đắp đập khai mương để phát triển sản xuất nông nghiệp. Vâng, một con người như vậy quả là hiếm vì không phải thời nào và ở đâu cũng có.

Song, điều đáng để cho hậu thế tôn vinh ông không phải những gì đã nói ở trên, mà vào thời bấy giờ tình hình chính trị trong nước vô cùng rối ren: Vận nước đã suy, lòng người đã lìa, tài vua lại vào hạng kém. Trong bối cảnh đó, Mạc Đăng Dung vào kinh bắt vua phải nhường ngôi, giáng vua Lê xuống làm Cung hoàng, bắt giam vua cùng hoàng thái hậu, sau đó buộc thái hậu và vua phải tự tử. Sau đó, trong triều đã xảy ra cuộc xung đột giữa các phe phái phong kiến làm đất nước bị chia cắt. Nhưng là một bề tôi trung thành không thờ hai vua, Đinh Bạt Tụy đã bỏ Thăng Long về Nghệ An mong tìm cách giúp vua dẹp loạn. Chính nhờ vậy mà tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ còn sống mãi với non sông đất Việt.