Nhật Chiêu hay còn gọi là làng Rau, trước đây thuộc tổng Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Xã gồm bốn thôn: Ái Vũ, Thượng, Trung và thôn Đông - là một trong những làng khoa bảng được sử sách ghi nhận.
Sản sinh Tiến sĩ, Sinh đồ
Năm Nhâm Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882), Quan Viên tử Kiều Văn Tuấn người thôn Thượng đã dụng công sưu tầm tư liệu, tìm hiểu từ các dòng họ trong làng, lại đối chiếu với sử sách để biên soạn thành sách "Nhật Chiêu hương hiền tính tự phả" gồm 13 tờ khổ lớn, chữ viết chân phương, hiện được lưu giữ tại đình Nhật Chiêu. Sách gồm 2 phần là "Văn phả" ghi chép các vị hương hiền xuất thân khoa bảng, và "Vũ phả" ghi chép các vị hương hiền lập võ công.
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, "Nhật Chiêu hương hiền tính tự phả" cho biết Nhật Chiêu có ba vị Tiến sĩ. Thứ nhất là Đào Sùng Nhạc người thôn Cát Vũ (sau đổi là Ái Vũ) đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490). Tên tự, tên hiệu và chức quan không rõ. Theo sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam", ông được bổ làm quan trải thăng đến chức Đô cấp sự trung, sau có tham gia phục Lê diệt Mạc và tử trận.
Người thứ hai là Văn Vĩ người thôn Cát Vũ, thi đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), tên tự, tên hiệu và chức quan không rõ. Sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam" cho biết, ông làm quan đến Đô cấp sự trung ở Hình khoa.
Người thứ ba là Ngô Văn Độ, tự Tỉnh Quát, sinh năm 1818, người thôn Thượng, thi đỗ Cử nhân năm 1848, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856), làm quan đến Án sát sứ Nghệ An, Lạng Bằng quân thứ Tán lý, hàm Trung nghị đại phu, sau bị ốm mất trong quân ngũ, được truy tặng Quang Lộc tự khanh.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856) cho biết, Ngô Văn Độ xếp thứ 3 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân sau Đặng Xuân Bảng và Trần Huy Đan, trên Phan Hiển Đạo và Phan Đình Bình.
Ngô Văn Độ là cháu nội của Hương cống Ngô Quý Thực (thi đỗ khoa Ất Mão đời Lê Cảnh Hưng). Thân phụ là Ngô Văn Thưởng, tuy không đỗ đạt, song do có công nuôi dưỡng con thi đỗ đại khoa nên đến đời Tự Đức cũng được truy tặng chức Thị giảng ở Hàn lâm viện, hàm Phụng nghị đại phu.
Sách "Nhật Chiêu hương hiền tính tự phả" cũng cho biết vào thời Lê, Nhật Chiêu có 30 vị đỗ Hương cống, 11 vị thi đỗ Sinh đồ.
Trong đó có 2 vị Sinh đồ do xuất thân là Quan Viên tử nên được đặc cách cấp cho bằng Nho sinh, đó là Sinh đồ Phùng Hữu Danh người thôn Thượng, do có thân phụ là Phó Sở sứ sở Đồn điền Vĩnh Hưng nên được xếp hạng Nho sinh.
Người thứ hai là Sinh đồ Phùng Thời Vọng thi đỗ tam trường đời Cảnh Hưng do có thân phụ là Hoằng Tín đại phu Phùng Công Chẩn nên cũng được xếp hạng Nho sinh.
Làm quan trải khắp trong triều ngoài cõi
Thời nhà Nguyễn người Nhật Chiêu tham gia thi Hương đỗ tứ trường có 5 vị: Ngô Huy Khanh người thôn Thượng đỗ Hương cống khoa Quý Dậu (1813) đời Gia Long. Kiều Năng Thân người thôn Thượng đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831) đời Minh Mệnh.
Lỗ Đình Tuyển người thôn Trung đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi (1847) đời Thiệu Trị. Ngô Toại người thôn Thượng đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1852) đời Tự Đức. Ngô Khải người thôn Thượng đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868) đời Tự Đức.
Nhật Chiêu cũng có 12 vị thi Hương đỗ tam trường gồm: Nguyễn Côn người thôn Trung đỗ Sinh đồ khoa Đinh Mão (1807) đời Gia Long. Soạn giả Kiều Văn Tuấn xếp ông là vị khai khoa cho khoa cử làng Nhật Chiêu thời Nguyễn.
Sau ông còn hai vị được cấp bằng Sinh đồ là Lỗ Hồng Tiệm người thôn Trung và Kiều Văn Thuật người thôn Thượng cùng thi đỗ khoa Quý Dậu (1813) đời Gia Long.
Còn lại 9 vị được lấy đỗ Tú tài, trong đó có 3 vị đỗ Tú tài hai khoa là Kiều Đức Uông người thôn Thượng, đỗ khoa Tân Sửu (1841) và khoa Ất Tỵ (1845) đời Thiệu Trị. Lê Đình Tú người thôn Trung, đỗ khoa Đinh Mão (1847) đời Thiệu Trị và khoa Nhâm Tý (1852) đời Tự Đức. Tú tài Ngô Văn Chất người thôn Thượng, đỗ khoa Nhâm Tý (1852) và khoa Ất Mùi (1855) đời Tự Đức.
Ngoài ra còn có hai vị thi đỗ Tú tài ba khoa là Kiều Đức Uông người thôn Trung, đỗ khoa Quý Mão (1843), khoa Đinh Mùi (1847) thời Thiệu Trị và khoa Mậu Thân (1848) đời Tự Đức. Ngô Hữu Kỷ người thôn Thượng, đỗ khoa Giáp Tý (1864), khoa Đinh Mão (1867) và khoa Mậu Dần (1878) đời Tự Đức.
Các vị khoa bảng làng Nhật Chiêu, sau khi thi đỗ có người tiếp tục học thêm để dự thi Hội, trong đó có một số vị được sung vào làm Giám sinh Quốc Tử Giám, như Phùng Đôn người thôn Đông, đỗ Hương cống khoa Quý Mão (1743) đời Cảnh Hưng.
Bạch Quang Tường người thôn Trung và Đoàn Lệnh Thúc cũng được sung làm Giám sinh. Ngoài ra, phần lớn các nhà khoa bảng sau khi thi đỗ đã tham gia chính sự, được triều đình bổ dụng làm quan ở trong triều hoặc ở ngoài địa phương.
Với thành tích học tập vượt trội nên nhiều người đỗ đạt ở Nhật Chiêu được bổ giữ các chức vụ quan trọng từ tri huyện đến tri phủ và trong triều. Trong số đó phải kể đến Ngô Hữu Đường người thôn Thượng làm Tri phủ phủ Thông Hóa, Lê Đình Tuyển người thôn Trung làm Tri phủ phủ Điện Biên, Kiều Năng Thân người thôn Thượng làm Án sát sứ Tuyên Quang, Ngô Văn Định người thôn Thượng làm Bố Chánh sứ Cao Bằng, Kiều Văn Xuyển người thôn Thượng làm Đốc binh Tuyên Quang quân thứ.
Nguyễn Thúc Giao người thôn Trung làm Hàn lâm viện Đông các Tả giảng, hàm Triều liệt đại phu, tước Hiển Trung hầu. Hương cống Nguyễn Bá Thiêm người thôn Trung làm Thiêm sự Viện Thiêm sự, hàm Hoằng tín đại phu. Hương cống Lê Nguyên Bá người thôn Thượng, được bổ chức Giảng dụ. Cử nhân Ngô Toại người thôn Thượng, được bổ chức Lang trung ở bộ Hộ.
Ông đỗ, cháu đỗ - cả nhà đỗ
Làng Nhật Chiêu từ xa xưa đã có truyền thống hiếu học, thi đỗ làm quan. Những tấm gương sáng của các nhà khoa bảng ấy đã khích lệ sĩ khí, trở thành một học phong rất đáng trân trọng. Các sĩ tử hăng hái rèn tập, trau dồi bản lĩnh và sẵn sàng ứng thí khi nhà nước mở khoa thi.
Có nhiều khoa ở làng Nhật Chiêu có hai vị cùng đỗ một khoa, như khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1774) đời Cảnh Hưng nhà Lê, ở Nhật Chiêu có hai người cùng đỗ Hương cống là Lỗ Cao Tiên và Kiều Công Đính. Khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1777) đời Cảnh Hưng có Lỗ Nguyên Bá và Ngô Hữu Thường.
Khoa thi Hương năm Kỷ Dậu có hai anh em ruột là Nguyễn Trọng Linh và Nguyễn Thúc Giao cùng thi đỗ. Người em là Nguyễn Thúc Giao còn được lấy đỗ Giải nguyên. Khoa thi năm Quý Dậu (1813) đời Gia Long nhà Nguyễn có Ngô Huy Khanh và Kiều Năng Thân cùng ở thôn Thượng.
Có khoa có ba vị cùng thi đỗ, như khoa năm Đinh Mùi (1847) đời Thiệu Trị nhà Nguyễn có Lỗ Đình Tuyển đỗ Cử nhân, Lỗ Đình Tá và Bạch Văn Lương đỗ Tú tài. Khoa thi năm Nhâm Tý (1852) đời Tự Đức có Ngô Toại đỗ Cử nhân, Ngô Văn Chất và Lỗ Đình Tá cùng đỗ Tú tài.
Truyền thống khoa bảng ở làng Nhật Chiêu được tạo lập bởi có nhiều dòng họ, nhiều gia đình có người đỗ đạt. Trong đó họ Kiều, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Phùng là những họ tộc có nhiều người đỗ đạt nhất. Tính chung cả Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài, ở làng Nhật Chiêu đến năm Tự Đức 32 (1882) có cả thảy 61 vị, phân chia ra các họ: Họ Kiều 15 vị, họ Nguyễn 14 vị, họ Ngô 11 vị, họ Phùng 6 vị, họ Lỗ 5 vị, họ Bạch 3 vị, họ Hoàng 2 vị, họ Đoàn 2 vị, họ Đào, họ Văn và họ Lễ mỗi họ có 1 vị.
Có nhiều gia đình có hai, ba người cùng đỗ, có trường hợp hai anh em trai cùng thi đỗ như Cử nhân Ngô Khải, Tú tài Ngô Hữu Kỷ; anh em Tiến sĩ Ngô Văn Độ và Tú tài Ngô Văn Chất; 5 anh em trai cùng thi đỗ Hương cống là Nguyễn Bá Can, Nguyễn Trọng Linh, Nguyễn Thúc Giao, Nguyễn Thúc Phiên và Nguyễn Thiếu Thường.
Cũng có trường hợp hai cha con cùng thi đỗ, như cha con Hương cống Phùng Hữu Vọng, Nho sinh Phùng Hữu Danh; cha con Tú tài Lỗ Hồng Tiệm và Cử nhân Lỗ Đình Tuyển. Lại có gia đình cả ba cha con cùng đỗ như gia đình Hương cống Kiều Thể và hai con là Kiều Nguyễn Thung và Kiều Phiên.
Ở làng khoa bảng Nhật Chiêu có đến bốn gia tộc có ông cha con cháu cùng thi đỗ như gia đình họ Ngô: Hương cống Ngô Quý Thực đỗ năm 1753, người con là Ngô Hữu Đường đỗ Cử nhân năm 1834, cháu là Ngô Khải đỗ Cử nhân năm 1868. Hoặc như Sinh đồ Kiều Danh Dương đỗ đời Cảnh Hưng, có con là Kiều Danh Thân đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831) đời Minh Mệnh, cháu là Kiều Đức Uông đỗ Tú tài khoa Canh Tý (1840) đời Minh Mệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.