Đoàn chúng tôi đặt chân đến xã Cốc Mỳ sau gần 2 tiếng di chuyển, vừa đúng lúc trời đã sẩm tối. Trước mặt vẫn còn một đoạn đường dài 1 tiếng phải di chuyển bằng xe máy, qua những cung đường dốc, sỏi đá cheo leo. Khi ấy, cả đoàn đứng trước hai lựa chọn: Một là ở lại để đảm bảo an toàn, nhưng sẽ không kịp giờ tổ chức chương trình cho bà con vào ngày hôm sau; hai là chấp nhận vất vả di chuyển trong đêm mưa rét, để đảm bảo mọi công việc được diễn ra đúng tiến độ.
Đường di chuyển đến thôn Séo Phìn Than rất khó khăn với nhiều đoạn đường đất đá, gập ghềnh. Một bên đường là núi, bên còn lại là vực (Ảnh chụp lúc đoàn Từ thiện - Xã hội Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã tổ chức thành công chương trình).
Đứng trước hai sự lựa chọn tưởng như khó khăn đó, Nhà báo Tống Hương - Trưởng đoàn dứt khoát: “Nhất định phải di chuyển vào thôn dù trời đã tối, phải thực hiện chương trình trọn vẹn như đã hứa với người dân".
Cả đoàn từ thiện gồm 10 thành viên, có những người đã từng di chuyển đường rừng vào buổi tối, nhưng với một vài thành viên, đây là lần đầu tiên. Bỏ qua lo sợ, ai cũng đồng lòng, quyết tâm phải đặt chân đến bản trong buổi tối cùng ngày.
Đã đồng hành cùng đoàn Từ thiện - Xã hội Báo NTNN/Điện tử Dân Việt trong nhiều chuyến công tác, chinh phục thành công nhiều cung đường hiểm trở, nhưng Bác sĩ Trương Cao Luận - Giám đốc Nha khoa Sài Gòn H.N không hề có một giây chủ quan: “Di chuyển vào lúc trời tối là một thử thách lớn. Đường không chỉ gồ ghề, sỏi đá mà còn rất khúc khuỷu, nhiều đoạn dốc cao. Quan trọng hơn nữa là đường không hề có điện, xung quanh chúng tôi chỉ le lói ánh trăng và điện của một vài hộ dân cách đó cả quả đồi”.
Ánh đèn từ những chiếc xe máy chở đoàn đã tạo thành một vệt sáng đẹp giữa biển núi rừng đen thẳm tại Cốc Mỳ. Với những thành viên lần đầu tiên trải nghiệm, đây là kỉ niệm cả đời không quên. Ông Phạm Tuấn Anh - Cty TNHH DVTM Vận tải và xây dựng Minh Phương trong khoảnh khắc vừa hoàn thành chặng đường dài chia sẻ: “Dù đã đi rất nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi một chặng đường nguy hiểm như vậy. Vì tình yêu và lời hứa của cả đoàn với người dân, chúng tôi quyết định gạt qua nỗi sợ của mình. Chia sẻ thật lòng, đặt chân xuống xe tôi mới biết mình còn sống”.
Hơn 7 giờ tối, đoàn an toàn đặt chân đến bản Séo Phìn Than. Với những trái tim rực lửa thiện nguyện, sự quyết tâm thực hiện lời hứa với người dân tại bản chính là sức mạnh để họ có thể vượt qua nỗi sợ của chính mình.
Từ 4 giờ sáng, đoàn chúng tôi đã nhanh chóng chuẩn bị cho chương trình “Phiên Chợ 0 đồng" - nơi bà con sẽ được mua những món đồ chỉ bằng cái bắt tay hay lời cảm ơn. Ai cũng tràn đầy năng lượng và niềm vui như chưa từng trải qua những khó khăn của ngày hôm qua.
Với sự hỗ trợ của các thầy cô tại Trường Tiểu học Cốc Mỳ, các công việc như mổ lợn, sắp xếp bàn ghế, các gian hàng được thực hiện nhanh chóng. Từng xâu thịt tươi ngon được bày biện đẹp đẽ, từng gian hàng với bánh chưng xanh, quầy gia vị, bánh kẹo chỉ đợi những vị khách đặc biệt đến mua. Không khí tại chương trình rộn ràng chuẩn một phiên chợ Tết.
Trở lại bản Séo Phìn Than lần thứ 2, Bác sĩ Trương Cao Luận không giấu được niềm hạnh phúc. Năm ngoái, ông đã một mình từ Hà Nội đến thôn Séo Phìn Than, cùng các thầy cô mổ lợn, chia thịt cho bà con dân bản. Quay trở lại với nhiều phần quà hơn, Bác sĩ thấy yên tâm vì bà con Séo Phìn Than sẽ có một cái Tết no ấm.
Bác sĩ Trương Cao Luận tâm sự: “Khoảnh khắc biết bà con nơi đây đón Tết bằng mèm mén và rau rừng, miếng thịt mỡ còn là ước mơ xa vời với họ, lòng tôi như thắt lại. Thật may mắn khi lần này, được phối hợp cùng Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và các nhà hảo tâm, chúng tôi đã mang đến một cái Tết no ấm hơn cho bà con".
Nhìn những niềm hạnh phúc của bà con khi cầm trên tay những xâu thịt lợn tươi ngon, những phần quà đủ đầy, trong lòng mỗi thành viên đều hạnh phúc. Vậy là hành trình vượt gần 300km, mang cái Tết đến gõ cửa từng hộ dân tại Séo Phìn Than đã hoàn thành, ai cũng yên tâm đón một cái Tết trọn vẹn cùng với gia đình của mình.
Khoảnh khắc các thành viên trong đoàn tận tay trao những phần quà đến người dân, nét mặt ai nấy đều vui mừng, hạnh phúc.
Người dân, các bạn nhỏ tươi cười, tay cầm nặng trĩu những phần quà sau khi đi "Phiên Chợ 0 đồng".
Chương Trình “Tết sum vầy - Giáp Thìn 2024” với hoạt động “Phiên Chợ 0 đồng” đã được tổ chức thành công tại thôn Séo Phìn Than (Cốc Mỳ, Bát Xát, Lào Cai). Các hộ dân tại bản Séo Phìn Than đã được tặng những phần quà ý nghĩa bao gồm: Thịt lợn, bánh chưng, mì chính, muối, đường, bánh kẹo, mỳ tôm… và áo ấm cho học sinh điểm trường.
Nhìn lại hành trình thiện nguyện đầy rực rỡ trong năm Quý Mão, các thành viên trong đoàn Từ thiện cảm thấy hạnh phúc vì đã dám nghĩ dám làm. Chương trình “Phiên Chợ 0 đồng” lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 21/9, tại thôn Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sau những thành công của chương trình đầu tiên, chỉ trong 6 tháng tiếp theo, đã có liên tiếp 5 Chương trình “Phiên Chợ 0 đồng” được mang đến bà con nghèo mọi miền tổ quốc.
Mỗi nơi chương trình đi qua, đều mang đến nụ cười hạnh phúc cho người dân nghèo. Khác với cảm giác được tặng quà, đến với “Phiên Chợ 0 đồng", người dân được trải nghiệm cảm giác mua đồ, giống như ở một phiên chợ đích thực. Điều khác biệt duy nhất ở chỗ nơi đây không giao dịch bằng tiền, mà bằng những nụ cười, những cái bắt tay và tình yêu thương.
Nhà báo Tống Hương bày tỏ: “Chúng tôi không chỉ nhận được tín hiệu tích cực từ người dân tham gia phiên chợ, mà còn nhận được lời cảm ơn của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trên cả nước. Ai cũng cảm nhận được những ý nghĩa tích cực và mong muốn nhân rộng mô hình này”.
Trong năm Giáp Thìn, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cùng các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa mang “Phiên Chợ 0 đồng" đến bản nghèo khắp các tỉnh thành, để ngày càng nhiều người dân nghèo được cảm nhận được tình yêu thương, giá trị của sự sẻ chia một cách trọn vẹn hơn.
Một số hình ảnh của các Chương trình “Phiên Chợ 0 đồng” trước đó.