Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục hiệu chỉnh. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 40 USD, xuống 3.284 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 29 USD, còn 3.163 USD/tấn, các mức giảm khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp tục hiệu chỉnh. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 2,60 cent, xuống 193,00 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 3,10 cent, còn 188,05 cent/lb, các mức giảm khá. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm 400 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 78.100 - 79.200 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Gia Lai lần lượt đạt mức 78.100 đồng/kg và 78.800 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông lần lượt ghi nhận mức giá là 78.900 đồng/kg và 79.200 đồng/kg.
Các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ tăng trưởng hết sức lạc quan, khiến DXY hồi phục mạnh lên mức cao 3 tháng đã đè hầu hết giá cả các sàn hàng hóa chìm trong sắc đỏ.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục hiệu chỉnh sau báo cáo Brazil xuất khẩu cà phê tháng 1 tăng rất mạnh.
Bất chấp dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE – Europe hôm qua thứ ba ngày 13/2 tiếp tục giảm thêm 220 tấn, tức giảm 0,89% so với một ngày trước đó, xuống ở mức 24.390 tấn (khoảng 406.500 bao, bao 60 kg), vẫn chưa có dấu hiệu bổ sung.
Trong khi Brazil còn đang trong kỳ nghỉ lễ hội Carnival đến hết sáng nay và các quốc gia châu Á nghỉ Tết Cổ truyền năm Giáp Thìn đến hết tuần này.
Góp thêm phần gây sức ép lên các sàn giao dịch cà phê kỳ hạn thế giới là dự báo thời tiết mưa thuận lợi ở miền nam Brazil cho dù lượng mưa trong hai tuần tới có thể giảm thấp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 623 triệu USD, tăng 61,6% về khối lượng và tăng 100,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, khối lượng cà phê xuất khẩu chiếm 80-85% tổng sản lượng cà phê cả nước.
Đến năm 2030, tổng diện tích cà phê cả nước đạt khoảng 640.000-660.000ha; trong đó vùng Tây Nguyên khoảng 600.000ha, còn lại 40.000-60.000ha được trồng tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Quảng Trị, Bình Thuận...
Cơ cấu diện tích cà phê vối khoảng 90-92%, cà phê khoảng 8-10%; cà phê được trồng tại một số tỉnh: Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng, Kon Tum... Phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan; những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ...
Đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng càphê cả nước. Khối lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80-85% tổng sản lượng cà phê cả nước; trong đó cà phê rang xay chiếm khoảng 5-6%, cà phê hòa tan từ 19-20%.