Clip: Cận cảnh người dân xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sắt bắt cua đá đặc sản.
Ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, vợ chồng ông Phan Văn Sồi được xem là "bậc thầy" của nghề săn cua đá. Chỉ với 100 cái rập đặt cua, hàng ngày vợ chồng ông Sồi có thể bắt được trên dưới 5kg cua đá – một việc mà không phải tay săn lành nghề nào cũng làm được.
Ông Sồi cho biết, vào khoảng 15h chiều mỗi ngày, vợ chồng ông chất 100 cái rập cua đã móc sẵn mồi xuống vỏ lãi, rồi chạy dọc theo tuyến kè đê biển Tây, hay các hốc đá ngoài mé biển để thả rập.
"Công việc này không mấy vất vả như các nghề khác, chỉ cần chịu khó đi tìm những nơi loài cua đá ẩn náu là được", ông Sồi nói và cho biết, cá tạp là loại thức ăn mà loài cua đá thích nhất.
Sau khi thả xong rập, vợ chồng ông Sồi có thể về nhà nghỉ ngơi chờ đến khi trời tờ mờ sáng thì đi thăm rập. "Có hôm ngẫu hứng, tôi và nhiều bạn nghề không về nhà mà tấp vào các căn chòi hoan ven bìa rừng nhâm nhi rượu đế chờ trời sáng thu hoạch cua cũng vui lắm", ông Sồi chia sẻ cái thú vị của nghề.
Bà Huỳnh Thu Hà – vợ ông Sồi cho biết, trước khi thả rập xuống biển, thợ săn phải buộc thêm cục gạch vào rập để giữ cố định không cho sóng biển cuốn trôi rập đặt ra khỏi vị trí có cua đá trú ngụ. Đồng thời, buộc thêm cộng dây có gắn miếng xốp để dễ dàng nhận biết địa điểm khi thăm.
Cua đá có trọng lượng trung bình từ 150 – 200 gram nhưng lại có thịt rất ngọt và ngon nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Quân bình cua đá được bán cho thương lái với giá từ 80.000 – 100.000 đồng/kg (tùy loại).
"Sau một đêm thả rập, tôi thu về trên dưới hơn 5 kg cua đá, "bỏ túi" 500.000 đồng mỗi ngày", ông Sồi nói.