Vào thời Càn Long, lãnh thổ Trung Quốc được mở rộng tối đa, khoảng 14.000.000 km², so với 9.600.000 km² hiện tại (theo Wikipedia). Đế vương này cũng thường xuyên đi viễn chinh và thu nạp nhiều phi tần cũng như quan thần, trong đó có cả quan tốt và xấu, tiêu biểu là lộng thần tham ô Hòa Thân. Có thể nói, chuyện đời của Càn Long đế không chỉ nổi tiếng trong sách sử mà còn truyền cảm hứng cho điện ảnh.
Được ông nội là Khang Hy hết mực yêu thương từ nhỏ, lại được 2 phi tần của ông nội chăm bẵm nên Càn Long bị ảnh hưởng khá nhiều từ Khang Hy đế, đặc biệt là cách cai trị đất nước.
Thời Càn Long đế, kinh tế, xã hội và chính trị của Trung Hoa ở vào thời kỳ hưng thịnh nhất của vương triều nhà Thanh. Cũng giống như ông nội, Càn Long hay đi vi hành. Nhưng mục đích vi hành của ông tập trung vào việc hưởng thụ là chính, còn chiêu mộ nhân tài hay tìm hiểu đời sống nhân dân chỉ là phụ. Trong những lần đi vi hành, vua Càn Long cũng tuyển vào cung không ít mỹ nhân để hầu hạ mình. Bởi lẽ đó, Càn Long đế cũng được mệnh danh là một vị vua phong lưu, đa tình bậc nhất Trung Hoa. Ông có khoảng 40 thê thiếp, chưa kể những người đã được phong sắc.
Là người thông minh từ nhỏ, lại ham học hỏi nên Càn Long đế rất chú trọng việc phát triển văn hóa dân tộc. Ông là vị vua có nhiều đóng góp cho nền văn chương cổ của Trung Hoa. Chính Càn Long là người tổ chức biên soạn bộ sách đồ sộ nhất lịch sử Trung Quốc có nhan đề "Tứ khố toàn thư". Đây là bộ bách khoa toàn thư lớn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Nó được hoàng đế Càn Long nhà Thanh giao cho 361 học giả, đứng đầu là Kỉ Quân và Lục Tích Hùng, biên soạn trong khoảng thời gian từ 1773 đến 1782. Với 4 phần lớn là Kinh, Sử, Tử, Tập, Tứ khố toàn thư đã tập hợp trên 10.000 bản thảo từ các bộ sưu tập của những triều đại phong kiến Trung Quốc (kể cả 3.000 bản thảo bị đốt vì nghi có tư tưởng chống Thanh) thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, triết học và văn học nghệ thuật. Tổng cộng bộ sách này có 79.000 phần nằm trong 36.381 quyển, 2.300.000 trang sách và khoảng 800.000.000 chữ. Để bảo tồn kho kinh điển văn hiến do Hoàng đế "Ngự phê giám chế", triều đình đã trưng tập hơn 3.800 văn nhân học sĩ trong cả nước tập trung tại Kinh thành, làm việc trong 10 năm, chỉnh lý, sao chép thành 7 bản, theo kiểu chữ Khải (chân phương) cùng với bản gốc thành 8 bản, rồi làm gác cất chứa kỹ, khiến người đời khó được nhìn thấy.
Xét về độ ăn chơi, Càn Long khó có đối thủ trong lịch sử Trung Quốc. Không chỉ thường xuyên tổ chức đại tiệc trong hoàng cung, ông cũng ra ngoài Tử Cấm Thành tìm thú vui. Năm ông mừng thọ 60 tuổi, Càn Long gọi quan lại và sứ thần nước ngoài tới tổ chức đại yến tiệc. Toàn bộ cung thành đều treo đèn kết hoa, bên đường tổ chức ca hát ngày đêm. Năm Càn Long 80 tuổi, ông tổ chức yến tiệc cho hơn 6.000 người và ngốn tới 10.000.000 lạng bạc.
Điều làm nên "danh tiếng" của vua Càn Long chính là nhu cầu "tình cảm" rất lớn khi ông có tới hơn 40 phi tần. Mỗi buổi tối sau khi dùng bữa xong, vua Càn Long sẽ quyết định phi tần nào hầu hạ mình. Ông chọn người đẹp ngủ cùng bằng cách… rút thẻ bài. Tên tuổi của những mỹ nhân được viết trên tấm thẻ gọi là thiện bài này. Sau đó, thái giám cầm thẻ bài ứng với tên mỹ nữ rồi yêu cầu họ tắm rửa sạch sẽ. Tiếp đó, thái giám quấn chăn quanh người mỹ nữ hoặc một cái áo rộng để vác phi tần vào cung vua. Thông thường, mỹ nữ phải chui vào chăn từ phía chân hoàng để với ý nghĩa "được vua ban phước". Thái giám sẽ đứng bên ngoài đợi và sau một khoảng thời gian nhất định sẽ hô to "Tới giờ rồi". Nếu vua Càn Long im lặng thì thái giám tiếp tục đợi. Khi nhà vua có tín hiệu, mỹ nữ được vác khỏi phòng vua và về phòng mình.
Dù vua Càn Long có rất nhiều mỹ nữ và nổi tiếng đa tình nhưng ông rất biết cách sắp xếp hậu cung. Do vậy, dù số lượng phi tần rất đông đảo nhưng không bao giờ có chuyện tranh giành để nhận được sự sủng ái của vua như các triều đại khác.
Vua Càn Long cũng có chế độ sinh hoạt rất điều độ với "4 điều đừng", bao gồm "ăn đừng nói, nằm đừng nói, uống đừng say, sắc đừng đắm". Ông thường dậy sớm từ 5 giờ sáng để tập thể dục, tập hít thở và trong bữa ăn thường chọn đậu phụ làm món chính.