Hôm nay tròn 45 năm ngày diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2024), nhân dịp này PV Dân Việt có trao đổi với Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng để cùng nhìn nhận câu chuyện lịch sử trong bối cảnh hiện nay.
Thưa Thiếu tướng, trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những cuộc chiến đầy đau thương, mất mát, từ Nhật, Pháp, Mỹ, rồi tới cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, kéo dài tới chục năm, nhưng điều rất đặc biệt là sau mốc lịch sử đau thương và anh dũng đó, bước vào kỷ nguyên mới, dân tộc Việt Nam lại xây dựng được mối quan hệ rất tốt đẹp với chính các quốc gia từng gây đau thương cho chúng ta, điều này càng khẳng định dân tộc Việt Nam luôn hòa hiếu, đại nghĩa, rất yêu chuộng hòa bình, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai?
- Nằm ở vị trí chiến lược về địa - chính trị, nên Việt Nam thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm hùng mạnh và hung hãn, thậm chí những đế quốc hàng đầu thế giới. Liên tục phải trải qua chiến tranh với biết bao hậu quả nặng nề, đau thương, hơn ai hết, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình. Chính nhờ truyền thống hòa hiếu, đại nghĩa, người Việt Nam luôn tìm cách gìn giữ hòa bình, tránh nạn binh đao.
Truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam không chỉ được biểu hiện trong các chính sách đối ngoại của Nhà nước, mà còn in đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người dân Việt Nam, thấm sâu vào trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt.
Khi đất nước có chiến tranh, hàng vạn nông dân, thanh niên, học sinh và ngay cả những nhà sư cũng cởi cà sa khoác chiến bào ra mặt trận tiêu diệt ngoại xâm. Khi đất nước sạch bóng thù, họ lại trở về tiếp tục công việc đồng áng, học hành, "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa".
Trong lịch sử, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, các triều đại phong kiến Việt Nam xưa không những ban hành những chính sách để ổn định, cố kết lòng dân, hòa hợp dân tộc mà còn thể hiện sự bao dung, hòa hiếu với cả kẻ thù: sau khi chiến thắng quân Minh, quân Thanh, nhân dân ta đã cung cấp lương thảo, phương tiện cho binh sĩ, ngựa của kẻ thù để họ trở lại cố hương, thậm chí còn cho chôn cất và lập đàn cúng tế những người bên phía đối thủ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều có những chính sách nhân đạo với tù binh, hàng binh, sẵn sàng trải thảm đỏ tiễn kẻ thù về nước.
Là một dân tộc phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, người Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, đó là bình yên và hạnh phúc cho mỗi con người, ổn định và phát triển cho mỗi quốc gia, dân tộc. Truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đã được tiếp nối và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, trở thành đường lối cơ bản của Đảng ta trong hoạt động đối ngoại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam luôn kiên định tư tưởng hòa bình, hữu nghị, trong mọi tình huống đều cố gắng tránh tối đa xung đột vũ trang gây tổn thất xương máu. Với dân tộc Việt Nam, hòa bình là mục tiêu nhất quán, lâu dài. Khi chiến tranh chấm dứt, chúng ta lại tìm cách kết nối dân tộc, xóa bỏ hận thù, với tuyên bố Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, mong muốn và thiện chí giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, đàm phán, thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi để xây dựng một thế giới tốt đẹp.
Là một dân tộc từng phải chịu ách đô hộ hàng ngàn năm của các thế lực phong kiến phương Bắc và hàng trăm năm chịu sự thống trị của thực dân, đế quốc phương Tây, để có được độc lập, tự do, dân tộc Việt Nam phải trải qua lịch sử dài lâu chiến đấu đầy hy sinh, mất mát với biết bao mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ. Đối với dân tộc ta, "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Chiến thắng ngoại xâm, giành và giữ cho được độc lập, tự do cũng là quyết tâm sắt đá của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến rất phức tạp và khó lường như hiện nay, mặc dù luôn phải đương đầu với những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, Đảng ta vẫn kiên định chính sách "không tham gia liên minh quân sự; không đi với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Bên cạnh đó, dân tộc Việt luôn ý thức cao độ việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Từng tấc đất nơi biên cương, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc luôn được canh giữ, bảo vệ nghiêm cẩn. Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vùng biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; kiên định lập trường và mềm dẻo trong sách lược, phương pháp để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng trời.
Chúng ta chủ trương "Khép lại quá khứ", nhưng không đoạn tuyệt với quá khứ. Quá khứ sống trong ký ức của dân tộc, trong tâm khảm của con người Việt Nam. Sau 45 năm chiến tranh biên giới phía Bắc lùi xa, quá khứ đang được nhìn nhận bình tĩnh hơn, chính xác hơn và toàn diện hơn. Quan điểm "Khép lại quá khứ hướng tới tương lai" của Việt Nam là một cách đối nhân xử thế nhân văn, để cuộc sống hoà bình được xây dựng trên những nguyên tắc, những khái niệm mới mẻ hơn, phù hợp hơn.
Thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh là thế hệ của hoà bình. Tuy nhiên, những khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh để lại thì họ cũng được chia một phần. Đây là thế hệ có điều kiện khá hơn so với cha anh, nhưng lại thiệt thòi so với các thế hệ sinh ra sau thời kỳ đổi mới. Dù hoàn cảnh nào, dân tộc ta cũng luôn hòa hiếu, đại nghĩa, rất yêu chuộng hòa bình, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Chúng ta nhìn lại cuộc chiến bảo vệ biên giới tháng 2 năm 1979, không phải là để khắc sâu hận thù mà là để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có một vết hằn như vậy và trong tương lai không bao giờ để nó tái diễn, cũng như để hiểu đúng lịch sử giúp cho việc xây dựng mối quan hệ giữa 2 quốc gia ngày càng tốt đẹp hơn, Thiếu tướng nghĩ sao?
- Sự kiện xảy ra tháng 2 năm 1979 đã lùi dần vào lịch sử. Những thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau quyết không để một lần nữa lặp lại câu chuyện 45 năm trước.
Hơn nữa, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, hai nước tương đồng về thể chế chính trị, con đường phát triển và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội tụ đầy đủ các ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc có quan hệ truyền thống, đã từng kề vai sát cánh trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ứng xử với Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược quan trọng, quyết định tới gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác, phát triển và thịnh vượng của đất nước cũng như giải quyết những tồn tại giữa hai nước.
Việt Nam là quốc gia biển, không có nhiều nước láng giềng nên mối quan hệ láng giềng trước đây cũng như hiện nay luôn được trân trọng, gìn giữ, bồi đắp, phát triển không ngừng. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đảm bảo lợi ích, môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Về phương diện quốc gia, Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới, "núi sông liền một dải", có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống đáng tự hào mà không phải quốc gia nào cũng có được. Mối quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc được hun đúc từ lịch sử, được tôi luyện, thử thách khắc nghiệt qua thời gian với nhiều biến cố, cho nên hết sức bền chặt. Vì thế, Việt Nam luôn coi trọng, chăm lo gìn giữ, bồi đắp, không ngừng phát triển và mong muốn quan hệ đó trở thành tài sản quý, sức mạnh nội sinh, động lực của mỗi nước để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước, Nhân dân và quân đội Việt Nam không bao giờ quên và hết sức biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trong đó có Trung Quốc, Liên Xô, các nước láng giềng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Việt Nam luôn trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai, ứng xử nhân văn, trước sau như một trong quan hệ hợp tác với các nước láng giềng.
Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, quan hệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nhạy cảm, đan xen lợi ích thì việc gìn giữ, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam – Trung Quốc, giữa Việt Nam với các nước láng giềng càng trở nên quan trọng, thực sự có vai trò then chốt trong tổng thể quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Đó là vấn đề chiến lược, để Việt Nam hướng tới tương lai, thực hiện thắng lợi mục tiêu: "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thời gian qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng được xây dựng và phát triển, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc cuối năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2023, cùng nhiều chuyến lãnh đạo cấp cao khác là minh chứng cho tình hữu nghị giữa 2 quốc gia láng giềng, Thiếu tướng có suy nghĩ gì?
- Các chuyến thăm trên đã tạo xung lực mạnh mẽ để hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, tạo nền tảng thuận lợi đưa quan hệ Việt Nam -Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững.
Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng. Các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra mật thiết, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, đưa ra những biện pháp lớn nhằm triển khai hiệu quả nhận thức chung quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.
Hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục là điểm sáng. Hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục... tiếp tục đạt nhiều tiến triển. Biên giới trên bộ Việt Nam –Trung Quốc duy trì hòa bình, ổn định. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền.
Trong vấn đề trên biển, hai bên đạt nhận thức chung về kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
Hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp hiện nay, các chuyến thăm cấp cao nói trên đang tạo thêm động lực làm sâu sắc và nâng tầm Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, tạo cơ sở để các cấp, các ngành hai bên tích cực đi sâu và mở rộng quan hệ hợp tác; việc xác lập định vị mới cho quan hệ hai Đảng, hai nước, xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" là dấu mốc lịch sử trọng đại, là định hướng quan trọng để đưa quan hệ hai Đảng, hai nước bước vào giai đoạn lịch sử mới, phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương, thời gian tới, chúng ta mong hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cũng như các thỏa thuận song phương, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị; cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Nhìn lại câu chuyện lịch sử về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 45 năm trước và các cuộc chiến, xung đột, bất ổn khác đang diễn ra trên thế giới cho chúng ta bài học kinh nghiệm quý báu nào để bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước thưa Thiếu tướng?
- Hiện nay cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước có độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế như Việt Nam.
Các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác. Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới. Khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng... đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia. Khu vực Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động nhưng sẽ trở thành trọng điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn.
Ở trong nước, trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ lớn luôn luôn có thể xảy ra. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động "diễn biến hoà bình", "phi chính trị hoá" lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.
Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hoá, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Các cơ quan cần tham mưu chiến lược, sách lược sâu sắc, phù hợp với tình hình mới, nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đưa đất nước phát triển bền vững, hùng cường. Cần triệt để phát huy các thuận lợi và cơ hội, vượt qua các khó khăn thách thức, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia; không để đất nước bị động, bất ngờ; giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định; tăng cường hiệu quả các giải pháp hòa bình; trong điều kiện thời bình, chủ động chuẩn bị đất nước về mọi mặt, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Cần phát huy vai trò hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Duy trì cơ chế giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị, tuần tra chung trên Vịnh Bắc bộ giữa hải quân hai nước, phối hợp tuần tra giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc; đẩy mạnh giao lưu, trao đổi các đoàn quân sự, học viên sĩ quan trẻ thăm lẫn nhau. Mở rộng hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc, thông qua các hình thức trao đổi, tiếp xúc, hợp tác trong đấu tranh phòng, chống ma túy, tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới...tiếp tục góp phần định hình diện mạo cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, với nhiều dấu ấn tích cực hơn.
Xuất phát từ đặc thù vai trò của quân đội Trung Quốc, cần chủ động tạo đột phá để giải quyết các phát sinh về quốc phòng. Đẩy mạnh hợp tác chống tội phạm xuyên biên giới và hợp tác bảo vệ môi trường, nguồn nước sông suối biên giới; xây dựng và làm sâu sắc hơn cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, kết nghĩa nhân dân vùng biên giới, phòng ngừa hoạt động xâm canh, duy trì và bảo vệ trật tự trị an khu vực biên giới; kịp thời đấu tranh đối với các vụ việc xâm phạm biên giới trên bộ. Thúc đẩy quan hệ giữa các quân khu biên giới, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển; sử dụng tốt đường dây thông tin bảo mật trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng hai nước; xây dựng các cơ chế bảo vệ an ninh trên biển và phòng ngừa xung đột. Trao đổi, làm việc với Hải cảnh và Tổng cục Ngư chính Trung Quốc về tình hình, các hoạt động vi phạm vùng biển Việt Nam và thực hiện nghiêm các nội dung trong Bản ghi nhớ hợp tác mà hai bên đã ký kết.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích chính đáng trên biển; quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa ở Biển Đông. Đồng thời, chúng ta chủ động kiềm chế, hạn chế thấp nhất, không để xảy ra xung đột vũ trang; luôn chủ động xây dựng các cơ chế bảo vệ an ninh trên biển và phòng ngừa xung đột.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!