Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thế hệ sau cần hiểu rõ bản chất cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (Bài cuối)

Quỳnh Nguyễn (thực hiện) Thứ năm, ngày 17/02/2022 10:29 AM (GMT+7)
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược - Bộ Công an, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, đưa vào sách giáo khoa để thế hệ sau hiểu rõ bản chất cuộc chiến là hoàn toàn cần thiết.
Bình luận 0

Để khép lại loạt bài 43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979-17/2/2022): Chuyện ít biết trong những ngày khói lửa, PV Dân Việt có trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an.

Thiếu tướng Cương cho rằng, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, đưa vào sách giáo khoa để thế hệ sau hiểu rõ bản chất cuộc chiến là hoàn toàn cần thiết.

Tướng Lê Văn Cương: Thế hệ sau cần hiểu rõ bản chất cuộc chiến biên giới 1979 - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược - Bộ Công an.

Thưa Thiếu tướng, khi nhìn lại toàn bộ diễn biến của cả một giai đoạn, có thể thấy hành động của Trung Quốc khi xâm lược Việt Nam năm 1979 hoàn toàn không phải là nhất thời mà là một âm mưu với sự chuẩn bị có hệ thống từ nhiều năm. Việt Nam có bị bất ngờ hay không trong cuộc chiến này?

-Xét về mặt chiến lược thì Việt Nam thì không bất ngờ vì Trung Quốc đã hỗ trợ Khmer đỏ tiến hành chiến tranh tại biên giới Tây Nam Việt Nam vào năm 1977-1978. Khmer đỏ được Trung Quốc trang bị vũ khí, lương thực, quân dụng… Từ cuộc chiến biên giới Tây Nam đã bộc lộ bản chất của Trung Quốc lúc đó nên chúng ta không bất ngờ.

Tướng Lê Văn Cương: Thế hệ sau cần hiểu rõ bản chất cuộc chiến biên giới 1979 - Ảnh 3.

Bộ Chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cùng chỉ huy Đoàn 327 bàn phương án tác chiến tại hang Chùa Tiên, thị xã Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Trong thời gian này, Trung Quốc thường xuyên gây hấn, xung đột quân sự ở biên giới, họ đã điều quân áp sát biên giới. Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhìn rõ bản chất vấn đề trước những hành động của Trung Quốc. Chúng ta đã họp Quân ủy Trung ương chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược của Trung Quốc. Như vậy, về mặt chiến lược chúng ta hoàn toàn không bị động. Tuy nhiên, theo tôi về mặt chiến thuật, thời điểm cụ thể có thể chúng ta chưa tiên lượng hết được.

Cuộc chiến đẩy quan hệ Việt - Trung rơi vào thời kỳ đen tối, tạo hố sâu ngăn cách suốt thời gian dài.

Kể từ sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ (năm 1991), trong vài chục năm sau đó cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Ông suy nghĩ sao về điều này?

- Sau năm 1979, có thể kéo dài đến năm 2014 tức là 35 năm chúng ta không kỷ niệm mít tinh, không hội thảo, truyền thông cũng không nói về cuộc chiến này. Người Việt Nam muốn khép lại quá khứ để mở ra một tương lai phát triển mới trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và tất cả các nước khác.

Tuy nhiên, trong khi chúng ta ít nhắc đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/2/1979, thì ở Trung Quốc hàng năm nhất là vào dịp các năm chẵn 1984, 1989, 1994, 1999... trung bình chúng tôi thống kê được từ 700-900 bài báo vu cáo Việt Nam xâm lược Trung Quốc với những tiêu đề như: "Chiến tranh oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc chống quân Việt Nam xâm lược", "Cuộc phản công tự vệ chống quân Việt Nam xâm lược", "Ngày 17/2/1979, quân đội Việt Nam vượt biên giới xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc", "Gương chiến đấu anh dũng của quân giải phóng Trung Quốc trong cuộc phản công chống quân xâm lược Việt Nam"...

Tính từ năm 1979 đến nay, có khoảng gần một triệu bài báo từ Trung Quốc vu cáo Việt Nam xâm lược Trung Quốc, Trung Quốc chỉ phản ứng tự vệ. Mãi đến năm 2010 vẫn còn rất nhiều người Trung Quốc tin rằng, ngày 17/2/1979, Quân đội nhân dân Việt Nam xâm lược Trung Quốc. Đấy là một sự lừa dối lố bịch, trắng trợn! Họ lừa dối một tỷ người Trung Quốc, lừa dối cả thế giới nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, không ai có thể lấy tay che được mặt trời.

Tướng Lê Văn Cương: Thế hệ sau cần hiểu rõ bản chất cuộc chiến biên giới 1979 - Ảnh 4.

Những chàng trai tuổi đời đôi mươi lên đường bảo vệ biên cương đất nước, chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979. Ảnh: TL

Theo Thiếu tướng, nhìn lại cuộc chiến này chúng ta có thể rút ra những điều gì và điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17/2/1979, theo tôi có mấy vấn đề mà người Việt Nam cần phải có nhận thức rõ ràng, mạch lạc, đúng đắn.

Thứ nhất, là nhận thức về Trung Quốc qua cuộc chiến. Chúng ta nên nhớ rằng, Mác-Ănghen và Lênin, trong toàn bộ di sản để lại cho hậu thế, không có một chữ nào nói về những người cộng sản giết nhau. Vì thế, hành động của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 17/2/1979, không phải là hành động của một nước XHCN, phản bội chủ nghĩa Mác – Lênin một cách trắng trợn, lố bịch và công khai... Đây là điều đầu tiên mà chúng ta cần phải nhận thức rõ. Vì thế trong chính sách đối với Trung Quốc, chúng ta cần phải đặt bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia là tối thượng, để có chính sách ứng xử đúng mực, không mơ hồ, ngộ nhận trong chuyện này.

Vấn đề thứ hai, qua cuộc chiến tranh này một lần nữa thể hiện sự đoàn kết, triệu người như một của người Việt Nam khi bị ngoại bang xâm lược. Nhân dân Việt Nam đánh thắng Pháp, đánh đuổi Mỹ, Trung Quốc… dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân Việt Nam nhất tề triệu người như một. Khi một triệu người đoàn kết chặt chẽ thì mạnh hơn mười triệu người không đoàn kết, khi mười triệu người đoàn kết thì mạnh hơn trăm triệu người không đoàn kết, khi một trăm triệu người đoàn kết thì mạnh hơn một tỷ người không đoàn kết.

Đây là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phải tập hợp lực lượng. Hiện nay, Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: "Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân". "Thế trận lòng dân" chính là xây dựng trạng thái tư tưởng, tinh thần, sẵn sàng xả thân cứu nước, xây dựng bảo vệ Tổ quốc của nhân dân. Hơn lúc nào hết, từ bài học này chúng ta phải rút ra bài học thế trận lòng dân, sẵn sàng tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước.

Vấn đề thứ ba là kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chính trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, chúng ta được cả thế giới ủng hộ, chính điều đó góp phần to lớn giúp chúng ta giành thắng lợi.

Bài học rút ra nữa là cần tỉnh táo, tuyệt đối không được bao giờ để đất nước rơi vào tình cảnh bị cô lập. Nếu bị cô lập về đối ngoại sẽ trở thành miếng "mồi ngon" cho các thế lực bên ngoài nhòm ngó và xâm lược. Chính vì thế những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng ta đã đề ra chủ trương Việt Nam là bạn của cộng đồng quốc tế, với chính sách "đa phương hóa, đa dạng hóa" các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam tham gia tất cả các định chế quốc tế, là thành viên của các tổ chức quốc tế như WTO, WB...

Chúng ta thiết kế quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với tất cả các cường quốc lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Anh, Pháp... đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khi đó chúng ta tạo ra sức mạnh không có kẻ nào dám xâm lược Việt Nam.

Tướng Lê Văn Cương: Thế hệ sau cần hiểu rõ bản chất cuộc chiến biên giới 1979 - Ảnh 5.

Mít tinh mừng chiến thắng trước Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Thomas Billhardt

Bài học tiếp theo, sau cuộc chiến này chúng ta vẫn tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Trung Quốc là láng giềng của Việt Nam, láng giềng là vĩnh cửu, dù bao nhiêu năm nữa vẫn là láng giềng, vì vậy chúng ta nên tìm cách hợp tác với họ.

Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển. Trung Quốc với dân số hàng tỷ người là thị trường khổng lồ, Việt Nam phải hợp tác làm ăn kinh tế với họ, bảo vệ mình và phát triển, nên quan điểm "thoát Trung" là quan điểm sai lầm, phản khoa học.

Vấn đề hợp tác với Trung Quốc phải giữ vững trên nguyên tắc bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Lịch sử là lịch sử, không có ai có thể lấy tay che được mặt trời.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an.

Vấn đề cuối cùng, tôi nghĩ chúng ta cần đưa cuộc chiến tranh quân chống xâm lược Trung Quốc năm 1979 vào sách giáo khoa các cấp học phổ thông, các hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng. Chúng ta không quay lưng, không quên ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Một nhà văn nổi tiếng thời La Mã cổ đại đã nói: "Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của ký ức, thầy giáo của cuộc sống....". Một nhà văn Nga cũng từng nói "Cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa, nếu thế hệ trẻ không biết đến công việc của những thế hệ đi trước". Vì thế chúng ta phải đưa cuộc chiến đấu chống quân xâm lược này vào sách giáo khoa.

Một số người nghĩ rằng làm như vậy ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung. Tôi cho rằng nói như vậy là ngụy biện.

Nên nhớ rằng, trong sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản có một chương nhấn mạnh tội ác của Mỹ, việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhật. Trong sách giáo khoa của Anh, của Pháp, có một chương nêu rõ tội ác của phát xít Đức. Nhưng bây giờ Mỹ-Nhật là đồng minh, Anh-Pháp-Đức vẫn là đồng minh của nhau.

Ai đấy nói rằng đưa vào sách giáo khoa về cuộc chiến năm 1979 là ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung là ngụy biện. Chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc, nhưng có trách nhiệm làm cho các thế hệ sau hiểu rõ về bản chất của cuộc chiến 1979. Nước nào cũng phải làm như vậy!

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dựng lại các bia, các bức tường phù điêu ghi nhận sự chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh dũng cảm, về các chiến công của đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Hàng năm, nhất là vào các năm chẵn khi đến dịp 17/2, cần có các hoạt động phù hợp để ôn lại về cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979, như các cuộc hội thảo khoa học, mít tinh, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, báo chí cũng cần có nhiều bài viết về vấn đề này...

Cần tổ chức nghiên cứu sâu, toàn diện về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 1979 để chủ động đối phó mọi bất trắc trong tương lai.

Chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo lịch sử, mới có thể có chiến lược đúng đắn, chủ động đối phó với mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra trong tương lai. Việc này hết sức cần thiết, chúng ta đã nghiên cứu cặn kẽ các chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong lịch sử từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh, Lê, Lý Trần... đến chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa  Xuân 1975, tất cả các cuộc chiến đấu nói trên đã được tổng kết, đánh giá, đưa vào sách giáo khoa, có hàng chục nghìn bài viết, công trình nghiên cứu chuyên khảo về các chiến công này. Do đó, tôi đề nghị cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm1979 cũng cần phải được nghiên cứu thấu đáo.

Xin cảm ơn Thiếu tướng(!)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem