Ký ức cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979: Gian khổ cứu thương binh, tìm tử sĩ

Gia Bình Thứ sáu, ngày 17/02/2023 07:02 AM (GMT+7)
Trong đêm, những người lính tìm kiếm đồng đội giữa rừng nhưng không biết cái bẫy đã giăng ra. Thi thể được bế lên, quả mìn K58 được gài khéo léo bên dưới phát nổ và lại có thêm sự hy sinh.
Bình luận 0

Giữ kỷ vật 44 năm trước

Chuyện xảy ra trong đêm 17 – 18/2/1979, sau những trận đánh ác liệt ở khu vực Pa Nậm Cúm và Đồn 33 Công an Vũ trang, nay là cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc Phong Thổ, Lai Châu.

Ông Nguyễn Giang Lam (SN 1938), đại úy, nguyên Chính trị viên Đồn 33 nhớ lại, cùng với tiếng súng Pôn Pốt phía Tây Nam, biên giới phía Bắc bắt đầu nóng dần và đơn vị ông được trang bị "hiện đại nhất" với xuồng máy, xe cộ, vũ khí hạng nặng cùng những bãi mìn dày đặc vòng ngoài.

Kỷ niệm 44 năm chiến tranh Biên giới: Gian khổ cứu thương binh, tìm tử sĩ - Ảnh 1.

Bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: TTXVN.

Họ được yêu cầu đào hầm, hào giả làm mục tiêu cho địch, còn nơi trú ẩn, chiến đấu thật phải được xây dựng hết sức bí mật. Từ đầu tháng 2/1979, cấp trên cho biết phía Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công vào các huyện biên giới nên mọi người phải sinh hoạt dưới hầm, bên trên đồn ban đêm vẫn bật đèn "ai xuất hiện đều là thám báo, sẽ bị bắn".

Chính những căn hầm giả đã giúp Đồn 33 đánh lạc hướng làn mưa đạn pháo và hỏa tiễn trong sáng 17/2/1979 nhưng vẫn có những hy sinh. "Họ bắn liên hồi, cậu xạ thủ đại liên tử trận tại chỗ, sức ép từ vụ nổ khiến mắt lồi ra", ông Lam nói.

Kỷ niệm 44 năm chiến tranh Biên giới: Gian khổ cứu thương binh, tìm tử sĩ - Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo bộ đội biên phòng Lai Châu năm 1977. Người đứng cùng là trung úy Nguyễn Giang Lam. Ảnh: NVCC.

Cấp dưới của ông, binh nhất Tạ Quang Lượng (SN 1960) cho hay, khi đó rất sợ nhưng may mắn có động viên từ những chỉ huy dày dặn kinh nghiệm, từng trải qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

"Pháo địch vừa chuyển làn bắn ra xa hơn, chỉ huy bảo chắc chắn nó tiến công, các đồng chí vào vị trí chiến đấu. Tôi ra khỏi hầm, thấy bên họ tràn ra suối, lên đồi như cảnh buổi tan chiếu phim, cả xe tăng lẫn người cùng tiến sa vào các bãi mìn của phía ta, liên tiếp những tiếng nổ rền trời", ông Lượng nhớ lại và cho biết, quân ta chỉ có thể trong hào bắn, ném lựu đạn ra ngoài để cản bước tiến.

"Có mấy anh lính mới, kỹ năng chiến đấu chưa tốt nên thập thò đầu lên và bị bắn. Đáng ra thò đầu lên phải di chuyển chỗ khác mới ngẩng đầu nhìn tiếp nhưng lại đứng đúng chỗ đó nên đã trúng đạn của linh bắn tỉa Trung Quốc", ông nói.

Ông Lượng quê Vĩnh Phúc, là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em nên khi đi bộ đội, gia đình "ai cũng lo" nhưng ông xin đi với mong muốn "bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc". Ông được kết nạp Đảng ngay trong cuối tháng 2/1979 và sau cuộc chiến, ông nhận quyết định thăng quân hàm vượt cấp lên thượng sĩ.

Ông Lượng nói thêm, vẫn giữ chiếc áo mặc cách đây 44 năm, với vết thủng do đạn bắn qua bên sườn khi vung tay ném lựu đạn. Cái chết bỏ qua ông nhưng nhiều đồng đội khác ở Ma Lù Thàng không được như vậy.

"Đánh nhau, cứ một lát lại có người bên cạnh mình ngã xuống. Chỉ nghe tiếp "bụp", thấy trán đồng đội thủng một lỗ, phía sau vỡ ra nên ban đầu rất sợ. Chỉ huy còn bảo tôi đưa anh em vào hầm, để đây mọi người nhìn thấy lại mất tinh thần. Cũng may có các chỉ huy động viên, đưa từng ca nước, từng nhu yếu phẩm và bảo có lực lượng đến cứu nên mình yên tâm hơn", người cựu chiến binh kể.

Kỷ niệm 44 năm chiến tranh Biên giới: Gian khổ cứu thương binh, tìm tử sĩ - Ảnh 3.

Trong nhiều năm, ông Tạ Quang Lượng đã tìm kiếm, lập danh sách những đồng đội từng chiến đấu ở Lai Châu năm 1979.

Bị tấn công từ sáng sớm ngày 17/2/1979 và đến 9h được lệnh cho rút quân nhưng Đồn 33 vẫn kiên trì trụ vững đến 18h cùng ngày. Trong trận đánh này, trung úy Nguyễn Văn Hiền, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân đã 3 lần bị thương ở chân, tay nhưng kiên quyết ở lại, chặn đường địch cho đồng đội rút lui.

Ông Lượng kể: "Anh Hiền bị thương nhưng khi nhận lệnh rút, anh đã bảo mọi người đi trước còn mình đi sau. Anh ấy bảo đồng đội còn súng bỏ đây mấy khẩu rồi anh ở lại cố thủ, kìm chân cho anh em rút".

Đại úy Nguyễn Giang Lam nói thêm, trước đó ít hôm, vợ Nguyễn Văn Hiền sinh con nên được phép về thăm nhưng anh từ chối, ở lại đồn cùng mọi người. Trong ngày 17/2/1979, nếu anh Hiền nhận lệnh rút ra từ 9h sáng thì "chắc chắn vẫn được phong tặng danh hiệu Anh hùng vì thành tích chiến đấu trước đó" nhưng anh vẫn ở lại, dũng cảm chỉ huy chiến đấu tới cùng.

"Bị thương một tay, anh đã dùng tay còn lại kẹp súng vào sườn, tiếp tục bắn", ông Nam nói. Điều đáng tiếc với những người lính Đồn 33 là sau trận đánh đã không thấy được thi thể Anh hùng Nguyễn Văn Hiền.

Thêm sự hy sinh khi tìm thi thể đồng đội

Theo ông Nguyễn Văn Lượng, sau khi địch chiếm đồn, ông và một nhóm được yêu cầu quay lại tìm thương binh, tử sĩ. Họ lần mò trong rừng, phải tránh né ánh đèn pha công xuất lớn và những quả đạn pháo, những tràng súng máy từ phía bên kia.

"Ban đầu, chúng tôi không biết quân địch đặt mìn K58 dưới lưng liệt sĩ. Anh Sơn người Thanh Hóa, thấy tử thi liền bế lên khiến và mìn nổ, anh hy sinh. Sau, mọi người phải lấy dây dù buộc vào chân các liệt sĩ rồi kéo ra xa. Chúng tôi lúc đó chỉ có xẻng bộ binh lại phải làm việc khẩn trương dưới làn đạn pháo nên cũng chỉ đào sơ sài, chôn vội đồng đội để sau vào tìm", ông nhớ lại.

Sau việc tìm thi thể, ông Lượng và đồng đội được lệnh rút vào sâu nội địa đêm 18/2 và trên đường ra, ông cùng đồng đội phát hiện một ngọn đèn leo lét trong căn hầm ven suối Nậm Na. Mọi người tiến vào, nghe bên trong có tiếng lên đạn và giọng nữ hỏi "ai đấy?" mới biết quân mình.

Người này là hạ sĩ Phạm Thị Hà, thuộc đơn vị vận tải của Trung đoàn 741, hiện sống tại Hà Nội. Nhớ lại hôm đó, nữ chiến sĩ cho hay nhận lệnh tải đạn lên chốt của đại đội 5 gần Ma Lù Thàng. Tới nơi, mọi người thông báo đại đội nhiều người bị thương, yêu cầu cô lên đồi mang thương binh về.

"Tôi lên, định tìm thương binh nhưng chưa tới nơi đã bị mảnh pháo chém qua đùi, chính mình cũng bị thương. Ở đó mới thấy sống và chết rất mong manh. Mấy anh em dìu nhau về căn hầm, cũng là kho của mình rồi tôi nằm đó chờ đợi, không biết làm thế nào. Lúc đó thực sự rất sợ, tay cầm chặt súng và nghĩ nếu quân địch vào đây mình sẽ chiến đấu tới cùng, không để bị bắt", bà Hà chia sẻ.

Rất may, bà được các chiến sĩ Công an vũ trang phát hiện, đưa về hậu cứ. Ông Tạ Quang Lượng kể lại, họ may mắn tìm thấy 2 can rỗng nên chặt cây chuối, ghép vào làm bè, để nữ thương binh lên trên. "Đến giữa dòng, địch phát hiện, bắn xối xả khiến trong đoàn hy sinh thêm 2 người", ông kể.

Kỷ niệm 44 năm chiến tranh Biên giới: Gian khổ cứu thương binh, tìm tử sĩ - Ảnh 4.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ở khu vực Ma Lù Thàng, Phong Thổ, Lai Châu.

Hạ sĩ Phạm Thị Hà sau đó được đưa đi điều trị còn những người cứu bà trong vòng lửa đạn vẫn tiếp tục chiến đấu, họ đã không gặp nhau. Mãi 2009, đúng 30 năm sau trận đánh, ông Lượng tham gia buổi gặp mặt của cựu chiến binh ở Sóc Sơn (Hà Nội) mới biết bà Hà hiện ở Hà Nội, họ gặp nhau trong xúc động.

Những năm gần đây, những người lính của Đồn 33 cũ tìm gặp nhau, cùng góp tiền xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất này. Đài tưởng niệm nhìn xuống dòng Nậm Na và cách Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng khoảng 5km. Khói lửa đã tan từ lâu, những công sự nhường chỗ cho cửa hàng, kho bãi; những vết xích xe tăng được thay bởi vệt bánh xe chở hàng nối nhau qua cửa khẩu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem