Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp đà hồi phục. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 26 USD, lên 3.231 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 33 USD, lên 3.141 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 1,55 cent, lên 190,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng thêm 1,55 cent, lên 186,70 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng cao nhất 1.500 đồng/kg. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 79.500 - 80.600 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 79.500 đồng/kg, tiếp đến là tỉnh Gia Lai và với giá 80.100 đồng/kg, lần lượt tăng 1.500 đồng/kg và 1.400 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk có giá là 80.200 đồng/kg và tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 80.600 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương, cùng tăng 1.400 đồng/kg.
Áp lực của ngày thông báo đầu tiên (FND) đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ tiếp tục mua thanh lý để cân đối vị thế ròng hiện đang nắm giữ. Ngày thông báo đầu tiên (FND) là ngày nhà đầu tư đưa ra quyết định sẽ giao nhận hàng vật chất hay không, và cũng có thể được chỉ định phải thanh lý Hợp đồng bằng việc giao nhận thật (phụ thuộc tình hình cung cầu thị trường thực tế khi đó).
DXY suy yếu trở lại do tính thanh khoản thấp vì kỳ nghỉ Tết Cổ truyền ở châu Á và lễ hội Carnival ở Brazil, đã đưa tỷ giá đồng Reais tăng 0,04% lên ở mức 1USD = 4,9661 R$, trong khi báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng nhẹ tại Mỹ xác định lập trường cứng rắn của Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay.
Trong tuần DXY đã tăng 0,11% khiến hầu hết hàng hóa trao đổi bằng “đồng bạc xanh” đã trở nên đắt đỏ. Giá cà phê kỳ hạn thế giới tăng theo giá cả hàng hóa nói chung.
Giá cà phê Arabica được hưởng lợi nhờ nguồn cung Robusta tiếp tục bị hạn chế, sau báo cáo tồn kho ICE – Europe cuối tuần giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 623 triệu USD, tăng 61,6% về khối lượng và tăng 100,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Theo ghi nhận, Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Việt Nam hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng tăng 4,6% về giá trị lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỉ USD. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6-1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022-2023.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên thị trường trong bối cảnh căng thẳng Biển Đỏ leo thang là một trong những yếu tố then chốt đẩy giá cà phê tăng vọt. Trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giới chuyên gia nhận định lượng cà phê xuất khẩu trong quý I/2024 từ châu Á sang hai thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ và châu Âu có thể giảm 36% so với cùng kỳ.