Trước đây, nông dân xã Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình) chủ yếu nuôi giống tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh. Tôm được nuôi trong môi trường tự nhiên với mật độ thấp nên các hộ sẽ phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khó kiểm soát dịch bệnh và mỗi năm chỉ có thể sản xuất 2 vụ.
Không muốn chứng kiến cảnh đầm tôm bỏ trống vào mùa đông, năm 2015, anh Phạm Đức Bảng cùng nhiều hộ nuôi tôm trong xã đã mạnh dạn học hỏi và chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao từ Nha Trang.
Tận dụng diện tích đầm tự nhiên, anh Bảng đã đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng 4 bể nuôi tôm trong nhà bạt và khu xử lý nước với tổng diện tích 5.000m2. Cùng với đó, anh còn lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất như: máy sục, máy đo nhiệt độ, máy cho ăn tự động, camera giám sát...
Anh Bảng chia sẻ: Từ khi bắt tay vào nuôi tôm công nghệ cao, tôi có thể duy trì sản xuất 4 mùa nhờ có thể kiểm soát được nhiệt độ, môi trường và thức ăn của tôm. Hiện tại, mỗi năm tôi sản xuất được 4 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn tôm.
Tôm được nuôi trong môi trường nước sạch và theo quy trình đạt chuẩn nên có kích cỡ lớn khoảng 40 con/kg. Thu nhập trung bình hàng năm khoảng 4 - 5 tỷ đồng, hiệu quả cao gấp 20 lần so với hình thức nuôi truyền thống. Việc nuôi và thu hoạch tôm cũng rất thuận tiện, chỉ với 2 lao động đã có thể quản lý mô hình.
Ông Bùi Bá Thán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thượng cho biết: Toàn xã hiện có 35 hộ đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích là 10ha.
Mô hình của gia đình anh Phạm Đức Bảng là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương nhờ được đầu tư bài bản và khoa học.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; đồng thời tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân học tập anh Bảng để làm giàu.
Nông dân đam mê sáng chế
Xuất thân là nông dân chính hiệu và đã quen với công việc thái bèo, băm cỏ để chăn nuôi nhưng ông Nguyễn Như Lĩnh, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) luôn trăn trở làm thế nào để những công việc này thuận tiện hơn. Với niềm đam mê với cơ khí, ông Lĩnh bắt đầu mày mò, nghiên cứu và bắt tay vào chế tạo máy thái bèo.
Ông Lĩnh tâm sự: Nông dân thuần khiết đi học nghề cơ khí là thử thách rất lớn. Để hoàn thiện chiếc máy, tôi tốn không ít thời gian và công sức. Tôi cứ lắp vào lại tháo ra, chỉnh sửa liên tục rồi dần đam mê với công việc này lúc nào không hay.
Sự nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng khi máy thái bèo hoàn thiện và được nhiều người tìm đến đặt mua. Đó cũng là động lực thôi thúc ông chuyển hướng sang sản xuất các loại máy nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Năm 2004, với số vốn vay mượn khoảng 200 triệu đồng, ông Lĩnh xây dựng nhà xưởng và phát triển thêm nhiều loại máy nông nghiệp nhỏ như: máy băm rơm, máy tuốt lạc, máy thái củ... Nhờ sự kiên trì, không ngừng học hỏi, ông Lĩnh thành lập Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận với nhà xưởng rộng 5.000m2.
Theo ông Lĩnh, doanh nghiệp đã đầu tư cánh tay rô bốt hàn, máy cắt laser và tự động hóa các quy trình sản xuất. Doanh nghiệp còn tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương với mức lương ổn định.
Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Vô Hối Đông chia sẻ: Tôi đã làm tại xưởng 7 năm nay và thực hiện các công việc liên quan đến quản lý, vận hành các loại máy. Nhờ có máy móc hiện đại hỗ trợ nên chúng tôi không quá vất vả, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng mà không phải đi làm ăn xa.
Ông Lĩnh cho biết thêm: Hiện tại, mỗi năm doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước và các nước Lào, Campuchia khoảng 20 vạn máy nông nghiệp nhỏ.
Doanh thu năm 2023 ước tính đạt 20 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2024, tôi sẽ mở rộng nhà máy sản xuất lên 19.000m2, nâng doanh thu lên khoảng 70 tỷ đồng.
Làm giàu từ nuôi trồng đông trùng hạ thảo
Anh Nguyễn Hữu Hiện, xã Phú Lương (Đông Hưng) khiến nhiều người bất ngờ khi mang kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo từ Lai Châu về quê để sản xuất. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất, anh Hiện vừa hào hứng chia sẻ: Với số vốn tích lũy khoảng 600 triệu đồng, năm 2022, tôi bắt tay vào đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng hơn 70m2 và mua máy sấy công nghệ hiện đại.
Quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo hoàn toàn theo quy trình khép kín. Cùng với đó, tôi đã tìm mua phôi giống trực tiếp từ Nhật Bản và Hàn Quốc để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
Theo anh Hiện, mỗi lứa anh nuôi khoảng 5.000 hộp tươi, khoảng 60 - 65 ngày có thể thu hoạch đông trùng hạ thảo. Nhờ có máy sấy công nghệ hiện đại, mỗi tháng gia đình anh thu được khoảng 15kg đông trùng hạ thảo khô. Ngoài ra, anh còn cung cấp phôi giống cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX DVNN xã Phú Lương đánh giá: Anh Hiện là nông dân có tư duy hiện đại, biết ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất và mang lại hiệu quả tốt, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Hiện còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động địa phương với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ anh Hiện mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Những tấm gương nông dân hiện đại không chỉ tạo động lực giúp nhiều hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, hội nông dân các cấp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong đó chú trọng xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, người nông dân văn minh, hiện đại, có kiến thức, trình độ, kỹ năng sản xuất.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tập thể… góp phần nhân rộng các điển hình nông dân tiêu biểu, nông dân hiện đại trên địa bàn tỉnh.