Xét học bạ là một phương thức tuyển sinh phổ biến được nhiều trường cao đẳng, đại học sử dụng nhằm đánh giá năng lực học thuật của thí sinh dựa trên thành tích học tập trong quá trình học phổ thông. Đây là phương thức chủ chốt của nhiều trường, song song với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Khác với nhiều năm trước, năm 2024, một số trường đại học đặt thêm điều kiện khi xét tuyển học bạ.
Theo thông tin từ Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, đơn vị này sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức cùng với 4.329 chỉ tiêu cho 12 ngành với 34 chương trình đào tạo. Trong 5 phương thức xét tuyển, phương thức xét tuyển học bạ sẽ kết hợp với thành tích bậc THPT.
Cụ thể, phương thức này áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp năm 2023, 2024 và thỏa các điều kiện: Điểm trung bình học tập học kỳ I, học kỳ II lớp 11 và học kỳ I lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên; Điểm quy đổi xét tuyển theo trung bình tổ hợp môn đăng ký học kỳ I lớp 11, học kỳ II lớp 11 và học kỳ I lớp 12 đạt từ 72 trở lên (không bao gồm bao gồm điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và điểm quy đổi theo tiêu chí khác).
Điểm xét tuyển = Điểm quy đổi theo tổ hợp môn + Điểm quy đổi theo tiêu chí khác (nếu có) + tổng điểm ưu tiên quy đổi (nếu có).
Điểm quy đổi theo tổ hợp môn = Điểm quy đổi (Điểm trung bình theo tổ hợp học kỳ I lớp 11) + Điểm quy đổi (Điểm trung bình theo tổ hợp học kỳ II lớp 11) + Điểm quy đổi (Điểm trung bình theo tổ hợp học kỳ I lớp 12).
Điểm quy đổi theo tiêu chí khác = Điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế + Điểm quy đổi kỳ thi chọn học sinh giỏi + Điểm quy đổi trường chuyên/năng khiếu + Điểm quy đổi xếp loại học sinh giỏi.
Bảng điểm quy đổi các tiêu chí của phương thức xét tuyển tổng hợp như sau:
Ngoài ra, trường còn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn, áp dụng cho chương trình đại học chính quy quốc tế do đối tác cấp bằng, học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, phương thức xét học bạ được thực hiện 2 đợt. Đợt đầu tiên (dự kiến đăng ký xét tuyển từ tháng 4/2024) chỉ dành cho học sinh đang học tại các trường THPT đã ký kết hợp tác với trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đợt này trường sẽ xét tuyển theo kết quả học tập 5 học kỳ (HK), gồm HK1,2 lớp 10; HK1,2 lớp 11; HK1 lớp 12.
Ở đợt 2, nhà trường xét tuyển theo kết quả học tập 6HK, gồm HK1,2 lớp 10; HK1,2 lớp 11; HK1,2 lớp 12. Đợt xét tuyển này dành cho học sinh đang học tại các trường THPT chưa ký kết hợp tác với nhà trường. Dự kiến, thí sinh đăng ký xét tuyển từ 20/5/2024.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện phương án xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí trong năm 2024.
Theo đó, thí sinh được đánh giá kết hợp bao gồm ba thành tố và trọng số tương ứng được dùng để xét tuyển. Trong đó, thành tố học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.
Cụ thể: Tiêu chí học lực (90%), bao gồm 3 thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (bao gồm 6 học kì ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (bao gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi ĐGNL năm 2023;
Tiêu chí thành tích cá nhân (5%): Học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác.
Cuối cùng là tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%): văn thể mỹ, các thành tích hoạt động xã hội khác.
Thành tố học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập ba năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi ĐGNL. Thành tố học lực được tính được vào công thức như sau:
Trong đó:
Năng lực | Kí hiệu | Trọng số |
---|---|---|
Điểm thi ĐGNL | ĐGNL | mĐGNL = 50 - 75% |
Điểm thi THPT | ĐTTHPT | mDTTHPT = 20 - 30% |
Học lực THPT | HLTHPT | mHLTHPT = 0 - 5% |
Hội đồng tuyển sinh trường sẽ quyết định cách quy đổi điểm giữa điểm học THPT, điểm thi THPT, điểm thi ĐGNL và quyết định trọng số dựa vào phổ điểm thi các năm.