Thận trọng với xét tuyển sớm

Thứ tư, ngày 24/01/2024 06:28 AM (GMT+7)
Khoảng 6 tháng nữa mới diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhưng hiện nhiều trường đại học tại TPHCM đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ. Dù phương thức này không mới nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyên thí sinh cần cẩn trọng để tránh trượt oan vì chủ quan trúng tuyển sớm.
Bình luận 0

Từ ngày 2/1 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ. Thí sinh cần đạt được một trong các tiêu chí: điểm trung bình 3 học kỳ THPT (được chọn môn học có điểm cao nhất), hoặc điểm tổ hợp ba môn xét tuyển ở lớp 12 đạt từ 18 trở lên, hoặc điểm trung bình cả năm lớp 12 tối thiểu 6/10.

Sau đó ít ngày (5/1), Trường ĐH Gia Định cũng tiếp nhận hồ sơ học bạ, tổng điểm trung bình ba học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 trở lên. TS.Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Gia Định cho hay, xét tuyển bằng học bạ là phương thức chính của trường vì được thí sinh quan tâm, giảm áp lực thi cử và đa dạng cơ hội chọn ngành, nghề.

Thận trọng với xét tuyển sớm- Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu về các ngành học, phương thức xét tuyển tại một trường đại học ở TPHCM ảnh: Nguyễn Dũng

Tương tự, nhiều trường khác như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM; Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn… cũng tổ chức tiếp nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ hơn 1 tuần nay.

ThS.Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho hay, trường còn xét tuyển 7 đợt khác, kéo dài đến giữa tháng 9. Kết quả xét tuyển đợt một dự kiến được công bố vào cuối tháng 3.

“Hiện tại, chủ yếu học sinh nộp hồ sơ tại trường THPT khi tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh, hoặc đăng ký trực tuyến trên website của trường là chính. Sau Tết nguyên đán, số hồ sơ xét tuyển nộp về trường mới tăng lên do thời gian này các em có thời gian tham khảo ý kiến gia đình…”, bà Dung nói.

Nguy cơ sập “bẫy” xét tuyển sớm

Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký tham gia dự tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ, ngay cả khi đã được công bố trúng tuyển. Do không hiểu rõ thực chất của việc xét tuyển bằng học bạ, nhiều thí sinh nảy sinh tâm lý chủ quan, vì nghĩ mình đã đậu đại học nên không tiếp tục cố gắng học dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp THPT không tốt, thậm chí rớt, và đó là một cái bẫy.

Theo TS.Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM khuyến cáo: “Lúc này, thí sinh không nên quá quan tâm đến việc xét tuyển sớm, bởi quan trọng nhất vẫn phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, thậm chí là phải có kết quả tốt để có thêm cơ hội lựa chọn”. Mặt khác, theo ông Nhân, việc trúng tuyển sớm cũng không mang nhiều ý nghĩa bởi theo khảo sát, có nhiều thí sinh cùng lúc xét tuyển nhiều trường và cũng có thí sinh xét tuyển nhiều đợt dẫn đến trúng tuyển một lúc nhiều lần, mang tâm lý phân vân….

Mới đây, Trường ĐH Công Thương TPHCM vừa công bố tỉ lệ xếp loại tốt nghiệp đại học trong giai đoạn 2019 - 2023, trong đó so sánh giữa 2 nhóm trúng tuyển bằng học bạ và thi tốt nghiệp THPT. Kết quả, với những trường hợp trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT, khi ra trường, số sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc chiếm 0,24%; tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi là 5,44%; loại khá là 65,12% và loại trung bình là 29,2%. Với những sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, đến khi ra trường, số bạn tốt nghiệp loại xuất sắc chiếm 0,21% và tốt nghiệp loại giỏi đạt 6,56%. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá chiếm 69,24% và loại trung bình chiếm 23,99%.

ThS.Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM, cho hay, dựa trên những số liệu này có thể thấy nếu xét về chất lượng đầu ra, thì không có sự khác biệt nhiều giữa các sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo ThS.Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM, với phương thức xét tuyển sớm , thí sinh ảo rất nhiều. “Ở phương thức này, học sinh không mất gì nên để có thêm cơ hội, các em thường đăng ký nhiều trường, nhiều ngành cùng lúc gây ra hiện tượng ảo”, bà Dung nói và cho hay, ảo nhiều sẽ gây khó cho các trường nhưng có lợi cho thí sinh nên các trường vẫn thực hiện.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD-ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, xét tuyển sớm là hoàn toàn phù hợp với quy chế tuyển sinh, song điều mong mỏi là làm sao các trường có được nguồn thí sinh tốt, chất lượng và đảm bảo công bằng giữa các thí sinh.

“Với phương thức tuyển sinh sớm, nếu các trường dành quá nhiều chỉ tiêu thì có thể bỏ lỡ những thí sinh chất lượng ở các phương thức khác”, bà Thủy nói, đồng thời khuyên thí sinh cần phải tập trung học tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi phải đỗ kỳ thi này thí sinh mới có thể tiếp tục học tập ở các bậc cao hơn.

Nguyễn Dũng (tienphong.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem