Cá nhân tôi đồng ý với nhiều người, rằng việc lái xe không an toàn chính là nguyên nhân của vụ tai nạn ấy (và nhiều vụ tai nạn khác). Nhưng tôi cũng muốn nhìn ở một góc khác, mà nếu không được đánh giá đầy đủ, nghiêm túc và khắc phục kịp thời hay thay đổi, sẽ còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn đáng tiếc nữa trong tương lai: Đó là cách tổ chức giao thông kém an toàn và thiếu khoa học trên các đường cao tốc, đặc biệt là các tuyến mới gần đây, được xây dựng theo phân kỳ, chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách, hoặc chỉ có 4 làn xe hạn chế, không có dải dừng xe khẩn cấp.
Cho đến nay, chúng ta không có bản quy chuẩn quốc gia về việc tổ chức giao thông trên các cao tốc. Việc tổ chức giao thông và vận hành các tuyến cao tốc ở nước ta không theo quy chuẩn nào cả, cho dù đoạn cao tốc đầu tiên (Pháp Vân - Cầu Giẽ) đã được đưa vào khai thác cả 20 năm nay. Và vì thế, các cao tốc của chúng ta không chỉ đang tổ chức giao thông không giống nước nào, mà cũng chẳng giống nhau.
Sự bất hợp lý không chỉ nằm ở hệ thống biển báo được cắm khá tuỳ tiện, vừa thừa vừa thiếu, cả về vị trí, nội dung biển báo và mật độ biển báo, mà còn ở cách tổ chức giao thông, từ các quy định về tốc độ đến phân chia làn lưu thông, từ chỉ dẫn địa danh cho đến các lối ra, vào cao tốc rối rắm và thiếu khoa học, nguy hiểm cho người lái xe.
Các đoạn "cao tốc hạn chế" với chỉ hai làn đường và không có dải phân cách cứng, như đoạn Cam Lộ - La Sơn nơi vừa xảy ra tai nạn, hay đoạn Yên Bái – Lào Cai, có quy mô mặt đường tương đương với các đường bộ đồng bằng hai làn không có dải phân cách, cùng cho phép xe ô tô chạy với tốc độ tối đa giống nhau (80km/h), và điều kiện giao thông an toàn hơn, vì là đường dành riêng cho ô tô, không có xe máy tham gia giao thông.
Điểm khác nhau ở đây chỉ là đường bộ bình thường thì kẻ vạch đứt trung tâm, còn đường "cao tốc hạn chế" thì kẻ vạch đôi liền màu vàng ở trung tâm. Với cách tổ chức như vậy, nên chỉ cần một cái xe tải đi vào "cao tốc hạn chế", là cả đoàn rồng rắn chạy với tốc độ rùa bò, đôi khi chỉ vài chục kilomet một giờ, khiến những người lái cực kỳ ức chế, và rất nguy hiểm khi vội vàng vượt khi đến những đoạn kẻ vạch đích, cho phép vượt.
Việc kẻ vạch liền, cấm vượt ở những đoạn tuyến này có lẽ chỉ có thể giải thích được ở việc: Nếu kẻ vạch đứt và cho phép lưu thông hỗn hợp ở cả hai chiều như đường thông thường, đoạn đường đó sẽ không còn được coi là "cao tốc" vì không còn đúng với định nghĩa đường cao tốc trong Luật đường bộ, quy định "Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt…".
Trong trường hợp các tuyến đường này, có lẽ chỉ cần tổ chức giao thông theo kiểu đường bộ hỗn hợp bình thường, sẽ an toàn hơn, hiệu quả hơn. Một trong những ví dụ so sánh là đoạn đường "cao tốc" mới từ Hoà Lạc đi Hoà Bình, có ít tai nạn hơn nhiều, dù trên đó có cả xe máy lưu thông, và cho phép lái xe ở tốc độ tối đa tương đương (80km/h).
Ngoài ra, cũng có thể và nên tham khảo kinh nghiệm ở rất nhiều quốc gia tổ chức các con đường có chiều rộng mặt đường tương tự, khi họ tổ chức các con đường 3 làn xe, cứ mỗi một vài kilomet lại đổi bên. Từng lái trên những con đường như thế ở Pháp, Na Uy..., tôi thấy cách tổ chức như vậy hiệu quả và an toàn hơn hẳn, người lái xe thoải mái nên phản ứng cũng sẽ tốt hơn, an toàn hơn.
Nhưng quan trọng hơn cả, một vấn đề nên được đánh giá cẩn thận, tham vấn chính là cách thức tổ chức giao thông ở các quốc gia khác và tập hợp thành một bản quy chuẩn quốc gia về tổ chức giao thông trên cao tốc, bao gồm các nguyên tắc cơ bản và hướng dẫn, quy định cụ thể về phân làn, biển báo, tốc độ…
Và công việc ấy, các cơ quan quản lý đường bộ và an toàn giao thông nên coi là việc hết sức cấp bách, bởi vì chính nó sẽ tiếp tục là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn đáng tiếc khác trong tương lai.