Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh rằng, Bộ tiêu chí nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, BTC các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở.
Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội. Việc sử dụng bộ tiêu chí trên nhằm mục tiêu chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, đồng thời là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng cho rằng, việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, hợp lòng dân; bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Khi tổ chức các lễ hội cần ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; phát ấn cần đúng với nguồn gốc lịch sử của di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Các địa phương cần phải chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng kế hoạch kịch bản, phương án tổ chức lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng những tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý, tổ chức lễ hội và sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi công tác tổ chức triển khai bộ tiêu chí của các địa phương trong mùa lễ hội năm 2024.
"Chúng tôi mong muốn và tin tưởng công tác quản lý, tổ chức lễ hội ngày càng nề nếp, khoa học, hiệu quả, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hướng dẫn kịp thời, chủ động của các bộ, ngành Trung ương và sự nghiêm túc của các địa phương trong thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Năm 2024, các lễ hội cần được tổ chức trang trọng, thiết thực; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử-văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những tập tục, tập quán lạc hậu".
Chia sẻ với Dân Việt, GS Nguyễn Chí Bền – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia cho rằng, việc đưa ra Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống là cần thiết đối với thực tiễn hiện nay. Nhưng vì đây là Bộ tiêu chí bao trùm cho tất cả các lễ hội nên hơi rộng và hơi chung chung. Bộ tiêu chí này cũng chưa bám sát cấu trúc và không gian của một lễ hội truyền thống.
"Lễ hội gắn liền với văn hóa Bắc Bộ khác với lễ hội gắn với văn hóa Nam Bộ hoặc Tây Nguyên. Vì thế, Bộ tiêu chí này chỉ mang tính chất chung chung. Để có thể áp dụng được thì buộc các địa phương phải đưa ra các tiêu chí cụ thể của địa phương mình. Ngoài ra, Bộ tiêu chí này chưa bám được cấu trúc và không gian của lễ hội truyền thống đó là không gian thiêng và không gian thế tục. Có những thứ diễn ra ở không gian thế tục nhưng lại không liên quan đến lễ hội. Ví dụ, vệ sinh - an toàn thực phẩm… những thứ này không liên quan gì đến lễ hội cả, nó là một câu chuyện khác, nên chúng ta không nên đưa vào Bộ tiêu chí để nhìn nhận và đánh giá về lễ hội.
Thêm nữa, trong không gian thiêng thì cái cần quan tâm nhất là hệ thống đi theo, cụ thể là vàng mã. Vàng mã bao giờ cũng gắn với nhân vật được thờ phụng trong không gian thiêng và lễ hội là cơ hội để người ta dâng lên thánh/thần những lễ vật đó. Vì thế, dịp lễ hội người ta hóa vàng mã rất nhiều. Nếu cấm đoán quá cũng sẽ rất khó cho BTC lễ hội và cả những người tham gia lễ hội.
Cấu trúc lễ hội bao gồm nhân vật được thờ phụng, nghi thức thờ cúng… nên việc quảng bá nhân vật được thờ phụng qua các loa thông tin tuyên truyền cổ động cũng chưa được đồng bộ và khoa học. Việc tuyên truyền các thông tin về lễ hội trên nền tảng công nghệ số cũng chưa được các cơ quan quản lý kiểm soát đúng mực. Tôi thấy Bộ tiêu chí này mới chỉ giải quyết được ở không gian thực chứ chưa giải quyết được các tình huống phát sinh trên không gian ảo", GS Nguyễn Chí Bền bày tỏ.
Theo GS Nguyễn Chí Bền, để Bộ tiêu chí này thực sự bám sát vào đúng trọng tâm của các lễ hội truyền thống thì đơn vị đề ra Bộ tiêu chí nên tham khảo thật kỹ ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lễ hội cổ truyền.
"Trong bối cảnh xã hội hiện nay có 3 nhà rất quan trọng, đó là nhà quản lý xã hội, nhà nghiên cứu và cộng đồng. Bộ tiêu chí này được đưa ra chủ yếu trên góc độ quản lý xã hội chứ chưa thực sự bao quát được những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, lễ hội cổ truyền. Thêm nữa là cũng cần phải lắng nghe ý kiến của cộng đồng – chủ thể của các lễ hội.
Trong Bộ tiêu chí này, vai trò của cộng đồng thể hiện hơi nhẹ nhàng. Vai trò của cộng động trong một lễ hội cổ truyền thể hiện ở cả không gian thiêng và không gian thế tục. Trong không gian thiêng, họ chính là những người trực tiếp hành lễ, thực hiện các nghi thức cúng tế… thì họ phải hiểu được các tiêu chí của Bộ tiêu chí.
Trong không gian thế tục, họ chính là những người tham gia lễ hội, họ cũng phải hiểu được các tiêu chí để có cách hành xử sao cho phù hợp. Tất cả những cái đó phải được nêu ra để các địa phương căn cứ vào đó mà đưa ra những tiêu chí cụ thể, phù hợp với bối cảnh của địa phương mình. Có như thế, việc quản lý lễ hội mới hiệu quả, mới tạo ra được môi trường văn hóa lễ hội đúng nghĩa", GS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh thêm.