Thông tin này đi kèm với các cảnh báo về sương mù, gió giật và bão cát, làm gián đoạn việc quay trở lại học tập và làm việc sau kỳ nghỉ lễ hội mùa xuân, khi hàng triệu người Trung Quốc tiếp tục các công việc thường ngày của họ.
Các nhà chức trách tuyên bố rằng đợt lạnh sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến các khu vực phía bắc của đất nước, trong khi một số khu vực ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây bắc đã có tuyết rơi dày và nhiệt độ giảm đáng kể. Nhiệt độ giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 1960 là âm 52 độ C.
Trong 4 ngày tới, dự báo đợt không khí lạnh sẽ tiến về phía Nam, khiến nhiệt độ trung bình giảm mạnh 8-12 độ C/ngày ở miền Trung và miền Bắc Trung Quốc. Một số khu vực ở miền trung Trung Quốc, bao gồm Hồ Bắc, Hồ Nam và tỉnh Quý Châu phía tây nam có thể có nhiệt độ giảm tổng cộng hơn 20 độ C.
Zhang Fanghua, nhà dự báo trưởng tại Cục Khí tượng Trung Quốc, cho rằng nhiệt độ giảm mạnh là do hai yếu tố chính: thứ nhất, khối không khí lạnh từ Siberia và thứ hai, nhiệt độ tăng đáng kể trước đợt lạnh trên khắp miền trung và miền đông Trung Quốc.
Ông nói: "Vì vậy, khi đợt lạnh ập đến, nó sẽ khiến nhiệt độ giảm mạnh, biến động nhiệt độ trước và sau khi đến cũng sẽ rất đáng kể".
Trong khi đó, gió mạnh và tuyết rơi dày đặc đã khiến các tuyến đường cao tốc từ Cam Túc đến Tân Cương phải tạm thời đóng cửa. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, tính đến sáng Chủ nhật tuần vừa qua, 54 đoạn đường và 71 trạm thu phí ở Cam Túc và Tân Cương đã bị đóng cửa, khiến hơn 42.929 hành khách mắc kẹt. Truyền thông trong nước đưa tin những hành khách bị ảnh hưởng đã được đưa vào khách sạn, phòng tập thể dục và trường học.
Bắt đầu từ 20/2, đợt lạnh, mưa và tuyết rơi dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm ở hầu hết các khu vực của Trung Quốc. Theo Li Xiaozhu, kỹ sư cao cấp tại Trung tâm Dịch vụ Khí tượng Công cộng, nhiệt độ giảm mạnh cùng với tuyết và mưa đóng băng ở một số vùng có thể sẽ ảnh hưởng đến đường bộ, đường sắt, hàng không và vận tải đường thủy.
Đáp lại, thành phố trung tâm Vũ Hán đã thông báo hoãn một tuần việc mở cửa lại trường học đối với học sinh tiểu học và trung học cho đến ngày 26/2.
Li Rui, 37 tuổi, cha của một học sinh lớp 4, nhớ lại những cơn mưa lạnh giá trước Tết: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy cảnh tượng băng tuyết khắp nơi như vậy", Li nói và cho biết thêm rằng, thời tiết khắc nghiệt tiềm ẩn những nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. "Việc lùi ngày khai giảng là cần thiết vì một khi mưa đóng băng có thể làm gãy cây, có thể hình thành băng trên mái hiên nhà. Nếu xảy ra rủi ro thì khá nguy hiểm", anh nói.