Sáng ngày 21/2, tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - chùa Tháp, các cụ cao niên và nhân dân làng Tức Mặc (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã thực hiện nghi lễ "rước nước, tế cá" một cách trang trọng và thành kính.
CLIP: Đoàn rước kiệu nước, kiệu rồng từ giếng Rồng về Đền Thiên Trường để làm lễ "rước nước, tế cá" là nghi lễ quan trọng trong lễ hội khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Thực hiện: Mai Chiến.
Phục dựng thành công nghi lễ quan trọng
Được phục dựng lại từ năm 2014, lễ "rước nước, tế cá" đã trở thành nghi lễ quan trọng trong lễ hội khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) vào những ngày đầu xuân.
Theo tư liệu, nghi lễ "rước nước, tế cá" là một lễ nghi truyền thống đặc sắc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc tri ân công lao của tổ tiên triều đại nhà Trần - một Vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn bó với sông nước.
Đặc biệt, nghi lễ cũng gợi nhớ về nghề nuôi cá giống, cá thịt nổi tiếng từ xa xưa ở làng Tức Mạc (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), nơi được coi là điểm phát tích của nhà Trần tại Nam Định.
Khoảng hơn 100 năm trước, trong lễ hội Đền Thượng (Đền Thiên Trường thuộc Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - chùa Tháp) bao giờ cũng có nghi thức rước nước và tế cá. Việc chuẩn bị cho nghi lễ được tiến hành cẩn trọng từ sớm.
Tiêu chuẩn chọn người lấy nước được kiểm duyệt chặt chẽ. Cụ thể, chọn người cao niên khỏe mạnh, đạo đức phẩm hạnh tốt, con cháu đầy đủ, trong năm gia đình không có chuyện buồn.
Nghi lễ "rước nước, tế cá" bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng với các nghi thức dâng hương, dâng sớ, thỉnh chân nhang Đức Thánh Trần tại Đền Cố Trạch, sau đó tổ chức rước kiệu chóe (kiệu nước - PV), kiệu rồng ra giếng Rồng, cách đó khoảng 500m để tiến hành nghi lễ lấy nước.
Kiệu rước nước được thiết kế theo hình bông hoa sen ôm chóe nước (còn gọi là bình gốm sứ giữ nước - PV), trên chóe nước có phủ lớp vải đỏ, thể hiện sự tinh khiết, hài hòa. Kiệu chóe nước có 4 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh khênh.
Kiệu rồng được sơn son thếp vàng, có trang trí hoa văn, được phủ tấm vải đỏ ở giữa kiệu. Kiệu rồng do 8 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh khênh trên vai.
Đoàn rước nghi lễ "rước nước, tế cá" có khoảng 200 người. Đi đầu đoàn rước là đội cờ hội, cờ thần, cờ Trần triều; tiếp theo là đội múa lân - sư - rồng, phường bát âm, kiếm ngựa.
Theo sau là kiệu rước rước, kiệu rước cá và đội đánh bắt cá với trang phục truyền thống mang theo nhiều vật dụng đánh bắt cá như vó, lưới, dậm, nơm…
Tiếp đến là đoàn chấp kích, bát bửu đi cùng kiệu Thánh và đội tế nam quan, đội tế nữ quan, dân làng Tức Mặc, con cháu nhà Trần và đông đảo người dân địa phương, du khách thập phương.
Dâng cúng nước giếng Rồng, cá ao Đền
Sau khoảng 15 phút di chuyển từ Đền Cố Trạch ra giếng Rồng, đoàn rước sẽ đi một vòng quanh giếng Rồng và dừng kiệu ở giữa sân khu vực giếng Rồng. Trước khi thực hiện nghi lễ xin nước tại giếng Rồng và nghi lễ đánh bắt cá ở ao đền, các cao niên làng Tức Mặc và con cháu nhà Trần thắp hướng xin phép làm lễ.
Hoàn tất thủ tục, một cụ cao niên trong đoàn thực hiện nghi lễ lấy nước ở giếng Rồng theo tiếng trống giục. Quá trình lấy nước kết thúc sau 3 hồi trống và miệng chóe được buộc lại.
Sau lễ xin nước là lễ đánh bắt cá tại ao đền bên cạnh giếng Rồng. Cá được đánh bắt gồm 2 loại, gồm cá quả (Triều đẩu) và cá chép (Long ngư), mỗi con nặng vài kg. Thời gian đánh bắt cá phụ thuộc vào đội đánh bắt cá. Số lượng cá đánh bắt được nếu đã đủ thì đội đánh bắt cá dừng.
Cá sau khi kéo lưới đánh bắt được đem lên bờ để lựa chọn những con to, khỏe, thả trong những chiếc thúng được sơn đỏ chót để chuyển lên kiệu thiết kế hình thuyền rồng rồi rước trở về Đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ "dâng nước, tế cá".
Tại Đền Thiên Trường, các cao niên làng Tức Mặc trong trang phục "áo the, khăn xếp" thực hiện nghi lễ tế. Tế cá xong, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng tại khu vực đò Hữu Bị (xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).
Còn nước trong chóe được chia đều sang 3 chiếc bình nhỏ và đưa vào 3 đền: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch và Đền Trùng Hoa, sau đó các cụ cao niên tiếp tục làm lễ rước về đền để thờ trong năm.
Là một trong những người có mấy chục năm phụng sự tại nhà Đền, cụ Trần Huy Chiến – Trưởng từ Đền Trần chia sẻ, sau một thời gian bị mai một, nghi lễ "rước nước, tế cá" đã được phục dựng lại từ năm 2014 và tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm.
Lễ "rước nước, tế cá" được tổ chức với các nghi thức trang trọng, ý nghĩa được dựa trên việc nghiên cứu các thư tịch cổ, tìm hiểu trong dân gian và qua những ý kiến đóng góp của các bô lão của địa phương về những nghi lễ có trong lễ hội khai ấn Đền Trần trước đây.
Theo cụ Trần Huy Chiến, lễ "rước nước, tế cá" được nhà đền, ban tổ chức lễ hội chuẩn bị từ trước đó hàng tháng và được phục dựng, gìn giữ, bảo tồn, đã đáp ứng ước nguyện sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương, ước mong giữ mãi hào khí Đông A để trao truyền cho các thế hệ con cháu.
"Nghi lễ rước nước, tế cá cho thấy tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu…", cụ Trần Huy Chiến - Trưởng từ Đền Trần thổ lộ.