Dân Việt

Việt Nam nhận dồn dập đơn hàng, rau quả sẽ mang về 6-6,5 tỷ USD

Khánh Nguyên 22/02/2024 10:06 GMT+7
Với đà tăng trưởng ngay từ đầu năm, cùng với dồn dập đơn hàng, ngành chức năng dự kiến xuất khẩu rau quả năm 2024 của nước ta có thể đạt 6 - 6,5 tỷ USD.

Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam

Có thể thấy, Trung Quốc đang là một trong những thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2019 -2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng.

Năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về trị giá so với năm 2022; tăng 135,8% về lượng và tăng 318,5% về trị giá so với năm 2019. Giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 trung bình ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.

Việt Nam nhận dồn dập đơn hàng, rau quả sẽ mang về 6-6,5 tỷ USD- Ảnh 1.

Sơ chế, đóng gói cà rốt để xuất khẩu tại xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương). Ảnh: Trần Hiền

Tháng 1/2024, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 01/2023. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 đạt khoảng 6 - 6,5 tỷ USD.

Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc. Sang năm 2023, thị phần sầu riêng Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống còn 65,1%, đạt 929.000 tấn, trị giá 4,57 tỷ USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 18% về trị giá so với năm 2022. Giá sầu riêng nhập khẩu bình quân từ thị trường Thái Lan ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.

Trong khi đó, năm 2023, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, đạt 493.000 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107,0% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022.

Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh lên 34,6%. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn, giảm 5,9% so với năm 2022.

Sầu riêng tươi của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022. Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục khả quan.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc, khi có đến 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, để đón đầu cho các sản phẩm sẽ được ký Nghị định thư như chanh dây, dừa và sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng.

Mục tiêu xuất khẩu rau quả 6 tỷ USD

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2023, tháng 1/2024, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 1/2023. Cục Xuất nhập khẩu nhận định, kết quả tích cực trong tháng đầu năm là tín hiệu tốt cho ngành hàng rau quả trong năm 2024.

Năm 2023 là một năm thành công đối ngành hàng rau quả, trong bối cảnh thị trường đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu chậm bởi tác động của lạm phát cao, xung đột địa chính trị gia tăng tại nhiều thị trường lớn. Kết quả đạt được của ngành rau quả là nhờ sự đổi mới trong phương thức sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại…

Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu trong năm 2023, chủng loại quả đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, trong đó quả sầu riêng góp phần vào mức tăng trưởng mạnh này, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022. Ngoài ra, các loại quả xuất khẩu khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng tích cực như trái mít, xoài…

Ngoài chủng loại quả, xuất khẩu các sản phẩm chế biến cũng tăng trưởng đáng kể trong năm 2023, đây là xu hướng của thị trường và các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam cũng mang lại kết quả tăng trưởng tích cực, đạt 1,28 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2022.

Trái cây Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam, điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành rau quả.

Với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng rau quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 đạt khoảng 6 - 6,5 tỷ USD.

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này; Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc…

Người tiêu dùng trên toàn cầu ngày càng công nhận lợi ích tích cực của dinh dưỡng thực vật cũng như ảnh hưởng tích cực, bền vững đến môi trường, xu hướng tiêu thụ thực phẩm từ thực vật ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh sầu riêng, nhiều trái cây của Việt Nam cũng đã có những lô hàng xuất khẩu ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024. Trong đó, có thể kể đến như lô vú sữa ở ĐBSCL đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ; thanh long sang Trung Quốc... Chiều 15/2, tại Hải Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ xuất khẩu lô hàng cà rốt của Công ty CP Ameii Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.