Những nông sản chủ lực nào của Đắk Lắk kỳ vọng bứt phá về xuất khẩu?

Thiên Thư Thứ tư, ngày 21/02/2024 07:09 AM (GMT+7)
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mặt hàng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk là cà phê đã nhanh chóng trở lại bắt nhịp công việc với khí thế nhộn nhịp.
Bình luận 0

Những ngày đầu xuân, nhiều đơn hàng lớn nhỏ đã được các doanh nghiệp đưa ra thị trường trong và ngoài nước với nhiều kỳ vọng trong năm 2024.

Nhộn nhịp xuất hàng đầu năm

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngày mùng 6/1 âm lịch (nhằm ngày 15/2/2024) tất cả công nhân tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái đã trở lại công việc thường ngày với khí thế hào hứng. 

Những nông sản chủ lực nào của Đắk Lắk kỳ vọng bứt phá về xuất khẩu?- Ảnh 1.

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái kiểm tra nguyên liệu.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái chia sẻ, trước, trong và sau Tết Nguyên đán công ty đều giải quyết chế độ lương, thưởng phù hợp, kịp thời cho lực lượng công, nhân viên, đảm bảo năm sau luôn cao hơn năm trước. 

Hơn nữa, nhân viên còn được nghỉ Tết 7 ngày theo lịch của Nhà nước nên ngay sau kỳ nghỉ, tất cả nhân viên, công nhân của công ty đều quay trở lại công việc theo đúng thời gian quy định và thực hiện bảm đảo theo kế hoạch đã được giao. Ngay ngày mùng 6 Tết, 300 lao động tại 3 nhà máy của Công ty, trong đó mảng cà phê có khoảng 150 lao động đã đồng loạt ra quân để cố gắng bắt nhịp sản xuất, bảo đảm tiến độ các đơn hàng đã ký kết.

Những nông sản chủ lực nào của Đắk Lắk kỳ vọng bứt phá về xuất khẩu?- Ảnh 2.

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái vận hành dây chuyền sản xuất.

Theo kế hoạch, năm 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái sẽ sản xuất và xuất khẩu trên 3.000 tấn cà phê chế biến. Theo đó, hằng tháng Công ty sản xuất và xuất khẩu bình quân 300 tấn cà phê. Công ty cũng phấn đấu năm 2024 năng suất tăng khoảng 20% so với năm trước. Vì vậy ngay từ đầu năm các đơn hàng xuất khẩu đã liên tục được triển khai.

Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái Nguyễn Xuân Lợi, hiện tại các vấn đề về giá nguyên liệu tăng cao, căng thẳng ở Biển Đỏ đã và đang ảnh hưởng đến cước phí và thời gian giao hàng. Tuy nhiên doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả nên hoạt động xuất khẩu cà phê vẫn diễn ra thuận lợi.

Những nông sản chủ lực nào của Đắk Lắk kỳ vọng bứt phá về xuất khẩu?- Ảnh 3.

Toàn bộ công nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái đã bắt tay vào công việc từ ngày mùng 6 Tết.

Còn tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, tại các nhà máy của công ty đã hoạt động nhộn nhịp, công nhân đang tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu.

Toàn công ty đang nỗ lực phấn đấu trong 14 ngày ra quân Tết với 500 container hàng xuất khẩu, trong đó chủ yếu là đơn hàng xuất khẩu cà phê đi thị trường các nước. Công ty cũng kỳ vọng, việc xuất khẩu cà phê đầu năm thuận lợi sẽ tạo tiền đề giúp doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 125.000 tấn cà phê trong năm 2024.

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 chia sẻ, sau kỳ nghỉ Tết, ngày làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Thìn, Công ty đã xuất 572 tấn cà phê ra thị trường nước ngoài. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 2/2024 Công ty sẽ xuất khẩu 11.000 tấn cà phê và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 125.000 tấn cà phê trong năm 2024.

Giá trị xuất khẩu của mặt hàng cà phê tăng mạnh

Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt tới 210.000 tấn, tăng 48% về lượng với kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD, tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023. 

Những nông sản chủ lực nào của Đắk Lắk kỳ vọng bứt phá về xuất khẩu?- Ảnh 4.

Công nhân Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 chuẩn bị cà phê xuất khẩu cho những đơn hàng đầu năm.

Trong đó, Đắk Lắk chiếm 2/3 sản lượng và giá trị cà phê xuất khẩu của cả nước. Việc xuất khẩu cà phê tăng cả lượng và giá trị trong những ngày đầu năm mới đã kéo giá cà phê nội địa lên mức cao. Hiện giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lắk dao động khoảng 80.000 đồng/kg. Mức giá này cao gần gấp đôi so với giá cà phê cùng kỳ. 

Với những diễn biến trên, dự báo năm 2024 tiếp tục là năm thuận lợi cho xuất khẩu cà phê. Vicofa cũng nhận định, mặc dù sản lượng có thể giảm song kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng và dự kiến có thể đạt khoảng 4,5 - 5 tỷ USD. Còn các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu cà phê thế giới đang tăng cao và nguồn cung hạn chế nên xu hướng giá vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. 

Những nông sản chủ lực nào của Đắk Lắk kỳ vọng bứt phá về xuất khẩu?- Ảnh 5.

Những nông sản chủ lực nào của Đắk Lắk kỳ vọng bứt phá về xuất khẩu?- Ảnh 6.

Trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt tới 210.000 tấn, tăng 48% về lượng với kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD, tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc xuất khẩu cà phê trong những ngày đầu năm mới thuận lợi là tín hiệu vui để các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng đặt kỳ vọng lớn về một năm nhiều thành công trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng chủ lực này của tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem