Theo đó, Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 28/2/2024 tại Sea Links City - TP. Phan Thiết( Bình Thuận).
Tại sự kiện này, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ trao giấy trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 doanh nghiệp tiêu biểu và trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 8 doanh nghiệp khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đông Sài Gòn để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 giai đoạn 1 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Dự án này có diện tích sử dụng đất 468,35 ha và tổng vốn đầu tư là 1.717 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần ARCS để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất giày dép ARCS tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm II - Bita’s, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Dự án này có diện tích sử dụng đất 8,9 ha và tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần Khải Doanh để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất nhựa Khải Doanh tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm II - Bita’s, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, với diện tích sử dụng đất 8,91 ha và tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận còn trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp, gồm:
Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Kiến Phát thực hiện dự án Khu đô thị du lịch, nghệ thuật, văn hóa và thể thao, diện tích sử dụng đất 45 ha và tổng vốn đầu tư 1.850 tỷ đồng.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp.) thực hiện dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hàm Tân - La Gi, diện tích sử dụng đất 5.000 ha và tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Sản xuất Công nghiệp Tấn Phát thực hiện dự án Tổ hợp chế biến sâu Titan - Zircon và các kim loại quý hiếm khác, diện tích sử dụng đất 200 ha và tổng vốn đầu tư 4.990 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Kết cấu thép ATAD thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất kết cấu thép công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận, diện tích sử dụng đất 100 ha và tổng vốn đầu tư 4.855 tỷ đồng.
Liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận với Công ty TNHH Hào Hưng thực hiện dự án Nhà máy sản xuất chế biến gỗ chuyên sâu các nội thất, ngoại thất xuất khẩu, diện tích sử dụng đất 20 ha và tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH Hào Hưng thực hiện dự án Nhà máy sản xuất bột giấy, giấy và bìa, diện tích sử dụng đất 40 ha và tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Công ty Tư vấn ECOTECH thực hiện dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nhờ các đoạn, tuyến cao tốc đường bộ đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tạo thuận lợi nhiều cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Tỉnh Bình Thuận cũng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, trong năm 2023 ngành công nghiệp trên địa bàn tình vẫn duy trì tăng trưởng với mức tăng 3,8% so với năm 2022 (theo giá so sánh 2010).
Nổi bậc là nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 11,66% so với năm trước. Với con số này, đã vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu ngành công nghiệp cũng như đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh Bình Thuận.
Trong khi lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung mời gọi đầu tư các nhà máy: Chế biến lương thực, chế biến thịt, trái cây; Chế biến các sản phẩm từ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; Chế biến sản phẩm từ muối và sản phẩm sau sản xuất muối; Chế biến thực phẩm đóng hộp, nước giải khát; Chế biến, sản xuất nguyên, phụ liệu ngành thức ăn chăn nuôi…
Bình Thuận phát triển 3 trụ cột
Ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1701 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch đối với phần lãnh thổ đất liền bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bình Thuận, quy mô 7.943,93 km2, gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện.
Việc quy hoạch này nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời coi lợi thế tự nhiên và các giá trị văn hóa là nguồn lực phát triển quan trọng của tỉnh…
Quy hoạch có mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển ba trụ cột.
Về công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành.
Dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics.
Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.
Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế, một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5-8,0%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 36-38% so với GRDP giai đoạn 2021-2030...