Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng Hội Nông dân tỉnh Lào Cai trao bò giống cho người dân vào năm 2022. (Ảnh: Thanh Ngân)
Các chuyên gia thường nhận xét: Lý luận, nghị quyết thường đến từ ruộng đồng. Và bài học thành công từ HTX Cây Trôm có thể coi là một trong những cơ sở thực tiễn để Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 ban hành Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" với những chính sách cụ thể, nguồn lực mạnh và nhiều đột phá để các cấp Hội Nông dân trực tiếp tham gia giải bài toán về liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Quay trở lại với câu chuyện từ HTX Cây Trôm, trò chuyện với tôi khi ngồi ăn cơm sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023 hồi cuối năm ngoái, Tuấn kể: HTX của chúng em được hình thành vào năm 2017 trên nền tảng, cơ sở từ 7 hộ sản xuất thấy hợp thì hùn nhau vào làm. Ngay từ những ngày đầu tiên, em đã bàn với các cô, chú lớn tuổi hơn trong HTX, đó là phải thay đổi cách thức sản xuất, thay vì trồng những giống lúa đại trà, chuyển sang hẳn làm lúa chất lượng cao, có giá bán tốt hơn. Ban đầu, nhiều cô, chú không nghe, bảo làm thế bán cho ai và có bán được giá cao hơn hay không. Đúng như lo ngại, những vụ đầu tiên, HTX Cây Trôm trồng lúa chất lượng cao nhưng lại phải bán với giá thấp và có giai đoạn khó khăn vào các năm 2020-2021, tưởng như HTX sắp "vỡ" đến nơi.
Song, bằng bản lĩnh và sự kiên trì, sang đến năm 2022 khi giá lúa bật tăng và quy trình sản xuất đi vào guồng, mọi sự đã đổi thay. Năm đó, HTX Cây Trôm thu 17 tỷ đồng từ riêng tiền bán lúa và đến năm 2023, khi hạt gạo được coi là "vua", giá lúa có lúc lên trên 10.000 đồng/kg, thu nhập của HTX Cây Trôm ở con số… không phải nghĩ.
Theo Tuấn, việc liên kết làm ăn với nhau có lợi trong cả đầu vào, lẫn đầu ra. Theo đó, đầu vào thì được lợi nhờ tiết giảm chi phí từ giá mua phân bón, chất lượng đảm bảo, bởi không đại lý nào dám bán phân bón rởm cho cả 100 hộ cả, lại thêm được ưu đãi, chiết khấu về giá, rồi giảm chi phí bằng việc kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ. Còn đầu ra, như lời Tuấn kể, ở đồng bằng sông Cửu Long giá cả nông sản lâu nay đều quyết định bởi thương lái, họ có chiêu "đánh tỉa" khá hiệu quả, đó là áp giá với từng hộ, nhưng với sự liên kết của hơn 100 hộ như HTX Cây Trôm, câu chuyện đó đã không còn xảy ra. Bởi mỗi khi đến vụ thu hoạch, cả 100 hộ đều nhất trí một mức giá bán theo từng ngày, từng thời điểm, thương lái thay vì áp đặt như trước đây đến từng hộ, thì nay phải chịu sự "áp đặt" từ chính các HTX.
Sự thành công của HTX Cây Trôm đến từ một trong những chủ trương đúng đắn của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đó là tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo hướng chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức "5 tự", "5 cùng", từ đó làm nền tảng, cơ sở để hình thành và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thành lập.
Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới đã xác định rõ vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg nói như ông Nguyễn Tiến Cường- Q. Trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) chính là cơ sở, hành lang pháp lý quan trọng để Hội Nông dân ngoài chức năng tuyên truyền, vận động, mà sẽ trực tiếp tham gia phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Quyết định này cũng nhằm để cụ thể hóa Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Mục tiêu cao nhất của Đề án này là đến năm 2030, các cấp Hội Nông dân sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 750 HTX, 4.000 THT trong nông nghiệp; Thu hút thêm 10% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp. Tại một số diễn đàn, hội thảo gần đây, nhiều lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã bày tỏ quan điểm, Hội Nông dân có đủ năng lực để trực tiếp tham gia, phát triển các mô hình liên kết là tổ hợp tác, hợp tác xã và nhiều địa phương cũng sẵn sàng dành nguồn lực để ưu tiên cho lĩnh vực này, nhưng cái "vướng" chính là cơ sở, hành lang pháp lý để thực hiện. Vì thế, có thể nói Quyết định 182 đã giúp tháo gỡ nút thắt hay nói đúng hơn là cởi trói trong quan hệ sản xuất hiện nay, đó là liên kết làm kinh tế tập thể.
Với 10,2 triệu hội viên, Hội Nông dân Việt Nam được tổ chức đến cấp Chi hội cơ sở, gần đây đã thêm các Chi, tổ hội nghề nghiệp, trong những năm qua các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có 2.398 hợp tác xã nông nghiệp và 19.976 tổ hợp tác nông nghiệp. Vì thế, như ông Đặng Văn Thanh- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) khẳng định: Chúng tôi hy vọng với đề án này khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sẽ là bản lề tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung phát triển, sao cho xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Cũng theo ông Thanh, sau khi có quyết định của Thủ tướng, các địa phương cũng phải xây dựng đề án của địa phương mình căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương và tinh thần Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như vậy sẽ có hệ thống giải pháp đồng bộ, đúng và trúng vấn đề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể của người dân.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là cái khung, còn mỗi địa phương cũng cần có những đề án, quyết định riêng để triển khai, giúp Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ sớm đi vào cuộc sống.