Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu quả mít của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 36,3 triệu USD, tăng đột biến 101,5% so với tháng 12/2022. Đây là mức tăng lớn nhất trong tất cả các mặt hàng quả, cao hơn cả sầu riêng.
Lũy kế 12 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu trái mít đạt 236,8 triệu USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 5,9% tỷ trọng.
Đây là mặt hàng đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12/2023, sau sầu riêng, thanh long và chuối.
Trong số các thị trường, Trung Quốc là khách hàng hàng đầu của mít Việt Nam. Quốc gia tỷ dân chủ yếu nhập khẩu mít từ Thái Lan và Việt Nam.
Tuy mít từ Malaysia chất lượng cao hơn, nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn đứng sau Việt Nam và Thái Lan.
Mít nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc chủ yếu là giống mít Thái (mít Chanrai) ruột vàng và một số mít ruột đỏ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nhập khẩu phần lớn để sơ chế làm sản phẩm sấy khô, chế biến thành bột mít.
Nguyên nhân khiến giá mít ruột đỏ tăng vọt được các tiểu thương cho biết do Trung Quốc đẩy mạnh thu gom. Năm nay, ngoài mít Thái, nước này còn tăng cường mua mít ruột đỏ. Tuy nhiên, diện tích trồng loại này tại các tỉnh miền Tây còn thấp, tức nguồn cung ít khiến giá tăng cao.
Đáng chú ý, sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 11/2022, hàng loạt nghị định thư xuất khẩu rau quả được ký kết có lợi cho Việt Nam. Trong đó, sầu riêng và mít là nhóm được hưởng lợi sớm nhất. Điều đó giúp trái mít Việt Nam ngày càng tiến sâu vào trong chuỗi tiêu thụ rau quả của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, mít chủ yếu được trồng tại các tỉnh phía Nam. Hiện tại, nhà vườn các tỉnh ĐBSCL đã phát triển được khoảng 10.105 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch 6.396 ha, năng suất 17,9 tấn/ha.
Giá bán mít tại các tỉnh ĐBSCL dao động từ 15.000-30.000 đồng/kg tùy loại và tùy từng thời điểm. Có thời điểm giá lên tới 45.000-48.000 đồng/kg.