Nông dân Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả
Nông dân Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả
Thu Hà
Thứ năm, ngày 22/02/2024 20:18 PM (GMT+7)
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP, giúp gia tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.
Khởi nghiệp trồng hoa đồng tiền ứng dụng công nghệ cao
Anh Bùi Văn Khá – Giám đốc HTX hoa Đồng Tháp xã Đan Phượng, TP Hà Nội là điển hình nông dân khởi nghiệp thành công, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Hiện nay, HTX hoa Đồng Tháp do anh Bùi Văn Khá làm Giám đốc là một trong những vùng chuyên canh hoa đồng tiền lớn nhất Thủ đô.
Anh Khá phấn khởi cho biết: Đầu năm 2023, sản phẩm hoa đồng tiền của HTX Đồng Tháp đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hoa đồng tiền của HTX bước đầu xây dựng được thương hiệu nên toàn bộ sản phẩm hoa của HTX đều được thương lái bao tiêu, thu mua, các hộ dân không phải lo về đầu ra".
Là người đầu tiên đưa nghề trồng hoa về trồng trên đất lúa ở xã Đồng Tháp, anh Khá cho biết: Lấy vợ quê đất hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), năm 2000, nhận thấy nông dân trồng hoa ở đây có thu nhập cao, anh Khá bèn đưa cây hoa về trồng trên đất lúa ở xã Đồng Tháp. Ban đầu anh Khá trồng nhiều loại hoa khác nhau như hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền… Nhận thấy cây hoa đồng tiền đặc biệt phù hợp với đồng đất xã Đồng Tháp, được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao, từ năm 2003, anh Khá chuyển sang chuyên canh giống hoa này.
Sau 7 năm trồng hoa đồng tiền, tích lũy được chút vốn và kinh nghiệm, năm 2010, anh Khá cũng là người đầu tiên ở xã Đồng Tháp đầu tư hệ thống nhà màng vững chãi phủ nilon để trồng hoa đồng tiền. Nhờ đầu tư bài bản, mô hình hoa đồng tiền trong nhà màng của anh Khá cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Từ đó anh dần dần mở rộng mô hình.
Từ vài sào trồng hoa ban đầu đến nay anh Khá có 1,5ha hoa đồng tiền được trồng luân canh trong nhà màng. Nhờ đó, ngày nào anh Khá cũng có hoa được thu thu hoạch.
Anh Khá chia sẻ: Trong quá trình khởi nghiệp, tôi đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân về vốn vay ưu đãi, tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thành lập HTX cũng như xây dựng thương hiệu hoa đồng tiền.
Theo đó, năm 2020, được Hội Nông dân hỗ trợ, hướng dẫn, anh Khá đã liên kết các hộ nông dân khác thành lập HTX hoa Đồng Tháp ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội với diện tích canh tác hơn 20ha, hỗ trợ nhau cùng sản xuất, tiêu thụ.
"Thời gian tới, HTX hoa Đồng Tháp tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, đặt mục tiêu tiếp tục giữ chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao với hoa đồng tiền, đồng thời tiếp tục nâng cấp lên sản phẩm OCOP 4 sao" - Anh Bùi Văn Khá – Giám đốc HTX hoa Đồng Tháp nói.
Nhiều điển hình tỷ phú nông dân Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo
Cùng với Giám đốc HTX hoa Đồng Tháp Bùi Văn Khá, Hội Nông dân Hà Nội còn có nhiều hội viê nông dân khởi nghiệp sáng tạo, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng như nông dân Tạ Đình Huy tại xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ giải thưởng Nhà khoa học của nhà nông với sáng chế máy nông nghiệp thông minh "23 trong 1" không người lái.
Hay như gương nông dân Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức với nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen góp phần khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống. Còn chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một trong những điểm sáng nông nghiệp trong thời đại 4.0.
Hay như chị Nguyễn Thị Hồng xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai với mô hình trồng, sản xuất, chế biên nấm đông trùng hạ thảo sử dụng công nghệ nuôi cấy vi sinh kết hợp trang thiết bị máy móc hiện đại trong nông nghiệp doanh thu hơn 40 tỷ đồng mỗi năm.
Hỗ trợ hội viên tham gia chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP
Bà Phạm Hải Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: Đến tháng 12/2023, Thành phố Hà Nội đã có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (năm 2022) ước tính chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn Thành phố.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả nổi bật; đến nay Hà Nội có 2.167 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó hội viên nông dân là chủ thể của nhiều sản phẩm OCOP.
Đạt được những kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp, phương thức đẩy mạnh tuyên truyền thông về mục tiêu, ý nghĩa chương trình OCOP qua sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân, hội nghị, hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ TP đến cơ sở.
Hội đã chỉ đạo triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất an toàn gắn với sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Các cấp Hội Nông dân cũng tích cực vận động các hộ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại, gia trại; xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp và những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, hỗ trợ hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội để đầu tư phát triển sản xuất, hướng đến phát triển đa dạng sản phẩm OCOP theo lợi thế.
Bà Phạm Hải Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: 2 trong số 16 chỉ tiêu được Hội Nông dân TP Hà Nội đề ra trong năm 2024 phát triển sản phẩm OCOP, liên kết sản xuất và chuyển đổi số.
Cụ thể: Phấn đấu Mỗi huyện, thị Hội tuyên truyền, vận động nông dân đăng ký xây dựng ít nhất 1 sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; trực tiếp, phối hợp hướng dẫn thành lập ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Mỗi huyện, thị hội xây dựng và triển khai được ít nhất 1 mô hình sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số" hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân theo Quyết định số 4098 của UBND TP.Hà Nội phê duyệt Chương trình chuyển đổi số TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân Hà Nội, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, chuyển đổi số và xây dựng sản phẩm OCOP của hội viên nông dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa tạo thành phong trào, chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao, nguồn lực chưa được tập trung đầu tư.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: Tham gia Dự án "Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại địa phương" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất đã được Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu ký kết là cơ hội rất tốt để Hội Nông dân Hà Nội hỗ trợ hội viên nông dân cũng như thực hiện tốt các chỉ tiêu năm 2024 đề ra.
"Hội Nông dân TP Hà Nội tin tưởng cuốn cẩm nang "Nâng cao nhận thức về phát triển cộng đồng, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và vai trò của Hội Nông dân trong triển khai chương trình OCOP" sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ là kho tài liệu rất quý báu và thiết thực đối với cán bộ, hội viên nông dân TP.Hà Nội nói riêng và cán bộ, hội viên nông dân cả nước nói chung" - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết.
Dự án "Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại địa phương" do T.Ư Hội NDVN đề xuất đã được Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu ký kết (thực hiện 18 tháng từ tháng 5/2022). Dự án gồm 10 nhóm nội dung hoạt động và triển khai ở 10 tỉnh thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.