Dân Việt

Khi thanh toán qua QR Code trở thành công nghệ thiết yếu với người dân

Khải Phạm - Nguyễn Thịnh 09/03/2024 14:10 GMT+7
Từ những giao dịch nhỏ nhất như mớ rau, cốc trà đá vỉa hè, đến đi siêu thị, nhà hàng, đa số người dân đều chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua QR Code hay chuyển khoản ngân hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt qua QR Code, chuyển khoản ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ

"Giờ mỗi người một chiếc điện thoại thông minh có sẵn mạng nên mua cái gì dù là nhỏ nhất tôi cũng chuyển khoản khi chẳng mất một đồng phí nào. Tiện lợi, không mang theo tiền mặt, chẳng lo mất ví, trộm cướp nên nó trở thành xu hướng cũng là điều tất yếu", anh Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Khi thanh toán qua QR Code trở thành công nghệ thiết yếu với người dân- Ảnh 1.

Thanh toán mã QR Code ngày càng phổ biến. Ảnh Khải Phạm.

Thực tế cho thấy, kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 năm 2020 nên việc thanh toán hàng hoá không dùng tiền mặt đã trở nên phố biến. Điều đó được duy trì từ đó đến nay và đã "in hằn" vào nếp sống của phần lớn người dân Việt Nam thay thế cho thói quen sử dụng tiền mặt.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cung cấp số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng.

Cụ thể, giao dịch thanh toán qua kênh Internet chiếm 76% về số lượng và 1,79% về giá trị, tương ứng thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng lần lượt là 65% và 77% và thanh toán qua QR Code tăng tương ứng là 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022. 

Ở chiều ngược lại, số lượng giao dịch thực hiện qua phương thức rút tiền ATM giảm 4% và giảm 6% về giá trị. 

Cũng theo ông Hùng, hiện nay có 96 ngân hàng và tổ chức tín dụng Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, có 92% ngân hàng đã phát triển các dịch vụ ứng dụng trên internet và mobile.

Theo báo cáo của NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Hà Nội và Sở Công Thương cho thấy, người dân hiện nay đang sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt rất phổ biến. Tỷ lệ này bắt đầu gia tăng mạnh từ năm 2020 và đạt đỉnh ở thời điểm hiện tại.

Số liệu của NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Hà Nội cho thấy, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 97%. Đặc biệt, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt lên tới 99,9%...

Có thể thấy, người dân sống ở khu vực thành thị đang có tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cao hơn so với những khu vực khác như nông thôn hay vùng núi, vùng sâu/xa

"Vài năm trở lại đây, tôi thấy chuyển khoản đi chợ vài nghìn đồng cũng không còn là chuyện hiếm, thậm chí quá phổ biến ở Việt Nam. Không chỉ ở thành phố, mà khi về quê, cửa hàng nào cũng có sẵn mã QR để quét thanh toán. Chuyển khoản nhiều quá đến mức giờ tôi còn không có thể rút tiền, bởi thực tế không tiêu tiền mặt thì rút cũng không làm gì", chị Phạm Huế (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đã giúp chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân thay vì phải mang nhiều loại tiền, ví, thẻ thì giờ đây chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, mọi việc đã được giải quyết.

Bùng nổ thanh toán QR Code, chuyển khoản ngân hàng... cũng kéo theo hệ luỵ

Phóng viên Dân Việt Ghi nhận tại một quán trà đá vỉa hè, trong 15 phút có đến 3 khách hàng toán bằng hình thức quét mã QR code để chuyển khoản ngân hàng dù giao dịch chỉ cốc trà đá 5 nghìn đồng hay thanh kẹo lạc 3 nghìn đồng ở trung tâm Hà Nội.

"Giờ chẳng mấy ai trả tiền mặt, trừ một số người lớn tuổi chứ người trẻ phần lớn là chuyển khoản. Lúc đầu, tôi cũng không có tài khoản, nhưng ngày càng nhiều trả tiền chuyển khoản nên phải làm tài khoản, in mã QR để khách thanh toán", bà Lương, chủ quán nước chia sẻ.

Phóng viên ghi nhận các chợ dân sinh, sạp hàng tạp hoá, quán trà đá vỉa hè, siêu thị, nhà hàng... giờ đây đều chấp nhận thanh toán mã QR Code để chuyển khoản thanh toán.

"Khách bây giờ mua mớ rau 5 nghìn đồng cũng chuyển khoản rồi, thậm chí nhiều người 1-2 nghìn cũng chuyển vì họ không dùng tiền mặt. Theo tôi, thời gian đầu thấy bất tiện, nhưng lâu dần cũng quen và cảm thấy tiện lợi vì không phải chuẩn bị tiền lẻ nhiều như trước", chị Quyên (chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Khi thanh toán qua QR Code trở thành công nghệ thiết yếu với người dân- Ảnh 2.

Đa số người dân đều thanh toán chuyển khoản. Ảnh Khải Phạm.

Các nhà hàng, quán ăn giờ đây cũng ghi nhận lượng khách thanh toán không dùng tiền mặt tăng kỷ lục so với trước đây.

"Thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, quét mã QR Code đã quá phổ biến. Ở nhà hàng chúng tôi, có đến 90-95% khách hàng chuyển khoản để thanh toán qua ngân hàng, hiếm lắm mới có 1 người trả tiền mặt. Chuyển khoản rất tiện, kiểm soát thu/chi dễ hơn chứ không phải kiểm soát ghi bằng tay như trước", anh Quân, chủ nhà hàng gà Mạnh Hoạch tại Xuân Đỉnh, Hà Nội nói.

Không thể phủ nhận lợi ích, tiện dụng của thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, quyét mã QR Code, nhưng bên cạnh đó cũng nhiều hệ luỵ.

Điển hình nhất là việc các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, khiến nhiều chủ nhà hàng/quán bị mất tiền oan với các thủ đoạn tinh vi.

Theo đó, nhiều đối tượng khi mua hàng, thanh toán đã lợi dụng chủ quán không để ý đã dán đè mã QR Code hoặc đánh tráo nhằm chiếm đoạt số tiền mà khách hàng chuyển khoản khi giao dịch mua bán.

"Thông thường, khách hàng quét mã QR chuyển khoản thành công là xong tôi cũng không kiểm tra vì chỉ báo số dư trong ứng dụng. Đồng thời, bán hàng bận quá không có thời gian kiểm tra ngay, giữa buổi kiểm tra thì không thấy cộng tiền nên mới ngớ người. Sau đó 1 ngày mới phát hiện bị đánh tráo mã QR Code mới biết mất tiền", chị Huyền, chủ quán nước chia sẻ.

Khi thanh toán qua QR Code trở thành công nghệ thiết yếu với người dân- Ảnh 3.

Người dân cần nâng cao cảnh giác vì có thể sẽ bị dán đè mã QR Code. Ảnh Khải Phạm.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, đánh tráo mã QR Code đang nở rộ ở Việt Nam.

"Cách này (đánh tráo mã QR code) chỉ cần giả làm người mua, hoặc lẻn vào để dán trong lúc đông khách thế là xong chuyện", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm: "Đối với chủ cửa hàng có thể kiểm tra lại camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR. Và luôn rà soát những mã QR có liên quan đến việc chuyển tiền ở trong cửa hàng của mình, xem cái nào không phải của mình thì bỏ ngay đi và báo lên cơ quan chức năng sớm nhất".

Thanh toán quét QR Code, chuyển khoản ngân hàng đang bùng nổ, nhưng bên cạnh sự tiện ích sẽ gia tăng lừa đảo. Đo đó, người dân cũng phải tự nâng cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.