Có thể cấm xuất cảnh với người bán hàng online nợ thuế

An Linh Thứ hai, ngày 26/02/2024 10:18 AM (GMT+7)
Tổng cục Thuế có thể đề xuất cơ quan chức năng tạm hoãn, cấm xuất cảnh đối với người bán hàng qua thương mại điện tử nếu nợ thuế hoặc chưa hoàn thành đúng quy định các nghĩa vụ thuế theo luật định.
Bình luận 0

Tổng cục Thuế vừa đưa ra các giải pháp để chống thất thu thuế từ thương mại điện tử, theo quy định, người bán hàng online với tổng doanh số 100 triệu đồng/ năm sẽ phải đóng thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính quy định người bán hàng online có doanh thu 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế đã rõ, song cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền.

Có thể cấm xuất cảnh với người bán hàng online nợ thuế- Ảnh 1.

Tổng cục Thuế cho biết có thể cấm xuất cảnh đối với người bán hàng online nợ thuế

Chính vì vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử, trong đó có các biện pháp như công khai danh sách những người bán hàng online nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, cưỡng chế hoặc có biện pháp cấm xuất cảnh với người nộp thuế nếu vi phạm các quy định của Nhà nước.

Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế có quyền quyết định tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Theo ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thời gian tới cơ quan thuế sẽ nghiên cứu cách quản lý, thu thập dữ liệu về hộ, người kinh doanh online thông qua chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán... để áp dụng các biện pháp thu thuế.

Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng phải cung cấp thông tin, hồ sơ về các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online của người tham gia sàn thương mại điện tử về cơ quan thuế để phối hợp thu thuế.

Hiện, cơ chế liên thông giữa cơ quan thuế với các cơ quan khác như ngân hàng, sở KH&ĐT, trung gian thanh toán, trung tâm thẻ, Bộ TT&TT, Bộ Công Thương về chia sẻ thông tin giao dịch, ròng tiền... Vì vậy, việc kiểm soát thuế đối với các đối tượng sẽ dễ dàng hơn, các đối tượng không hoàn thành nghĩa vụ thuế sẽ bị truy thu, xử phạt.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, năm 2023 số thuế thu từ thương mại điện tử bao gồm cả trong nước và ngoài nước đạt trên 8.632 tỷ đồng. Sau 1 năm buộc các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin, năm 2023, đã có 357 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Từ đó, số thuế kê khai của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động thương mại điện tử cũng tăng.

Trong năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Luật thuế và các văn bản dưới Luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, trung gian thanh toán…

Ước tính của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, TMĐT Việt Nam tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt 25% và nằm trong top đầu của thế giới. Năm 2023 tổng doanh thu thị trường TMĐT Việt Nam đạt 498.868 tỷ đồng, trong đó doanh thu trên 5 sàn TMĐT tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo đạt 232.134 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem