Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, đề nghị truy tố 51 bị can.
Đây là diễn biến sau hai tháng C01 điều tra bổ sung vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trịnh Văn Quyết (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng các đồng phạm.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1960, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội), nguyên giảng viên Đại học Thương mại Hà Nội, là Phó Chánh Văn phòng rồi là Chánh Văn phòng Công ty CP Tập đoàn FLC từ 2014 đến 2015. Sau đó, ông này được giao làm Trưởng ban kiểm soát Công ty Xây dựng Faros từ 4/2016 đến 6/2019.
Nhà chức trách kết luận, với vai trò là Trưởng Ban kiểm soát của Công ty CP Xây dựng Faros, mặc dù số vốn thực góp không đủ 4.300 tỷ đồng nhưng Thành cùng Đỗ Như Tuấn (Tổng Giám đốc), Đàm Mai Hương (Kế toán trưởng) ký bản Cáo bạch ngày 20/8/2016 công bố thông tin gian dối về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn điều lệ của các cổ đông thực góp 4.300 tỷ đồng, công bố trên cổng thông tin điện tử của UBCNNN và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để gian dối với các nhà đầu tư về số vốn đã góp là 4.300 tỷ đồng.
Dù không bỏ tiền mua cổ phần, góp vốn vào Công ty Faros nhưng theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết, ngày 19/5/2015, ông Thanh ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 675.000 cổ phần Công ty Faros của Nguyễn Văn Mạnh nhưng không thanh toán tiền để trở thành cổ động góp vốn.
Dù không có tiền, nhưng theo chỉ đạo của Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) ngày 27/5/2015 và 30/10/2015, ông Thanh ký khống 2 ủy nhiệm chi, đưa cho Huế sử dụng nộp 27 tỷ đồng của Huế vào tài khoản cá nhân của Thanh. Sau đó, sử dụng 2 ủy nhiệm chi do Thanh ký khống chuyển 27 tỷ đồng từ tài khoản của Thanh để góp vốn vào tài khoản của Faros.
Ngoài ra, Huế còn sử dụng danh nghĩa của ông Thanh lập 4 giấy nộp 43,875 tỷ đồng tiền mặt góp vốn vào Công ty CP Xây dựng Faros, nâng giá trị góp vốn của ông Thanh từ 6.750.000.000 (tương đương 675.000 cổ phần) lên 77.625.000.000 đồng (tương đương 7.762.500 cổ phần). Trước khi niêm yết, theo yêu cầu của Huệ, ông Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng trả lại toàn bộ cổ phần trên do Thanh mang tên cho Trịnh Văn Quyết nhưng Thanh không được nhận tiền.
Dù thực tế, ông Thanh không góp vốn vào Công ty Faros nhưng vẫn đồng ý đứng tên 7.000 cổ phiếu và ký cam kết nắm giữ cổ phiếu ngày 11/7/2016 để Huế làm hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng Faros trên sàn giao dịch chứng khoán.
Hành vi của ôngThanh cùng những người liên quan giúp cho Trịnh Văn Quyết thực hiện nâng khống điều lệ, đưa ra thông tin với nội dung gian dối về số vốn đã góp, cùng ông Quyết nâng khống vốn điều lệ, hợp thức hồ sơ niêm yết, bán cổ phiếu chiếm đoạt 3.620.722.083.518 đồng của các nhà đầu tư.
Thực tế, ông Thanh không được sở hữu 7.000 cổ phiếu do Huế quản lý, mua bán. Tại cơ quan điều tra, ông Thanh khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; không được hưởng lợi ích từ hành vi vi phạm của mình, chỉ được hưởng lương 2.000 USD/ tháng.
Nhà chức trách xác định hành vi của ông Thanh đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết.