"Tôi chỉ sợ không được làm người dẫn cho "Vua Tiếng Việt" mùa 3, cho nên tôi hay trêu các bạn MC khác khi họ cũng đăng ký tham gia làm người chơi trong chương trình là chương trình này khó lắm, chương trình đấy không phù hợp với bạn đâu, chỉ phù hợp với tôi thôi đấy! Có thể tôi cạnh tranh quyết liệt nên đấy cũng là một trong những lý do khiến tôi được dẫn tiếp ở mùa 3 này.
Nói vui thế để thấy cái tình yêu của tôi đối với chương trình. Tôi hào hứng đối với chương trình và tôi thực sự là tôi mong muốn được gắn bó với chương trình. Bởi nó giống như là tinh thần nhiều người đến tham gia chương trình đã chia sẻ: "Đây không chỉ là chương trình đơn thuần mà đến đây chúng tôi còn bộc lộ cái tình yêu của mình đối với tiếng Việt. Chúng tôi gặp được các thành viên ban cố vấn gặp người chơi đến từ mọi miền và tôi được mở mang thêm". Tôi hay dùng cái từ gọi là kiện toàn thêm vốn từ cho mình.
Trong quá trình ghi hình sẽ không thể tránh được những sai sót và tôi mong nhận được ý kiến đóng góp một cách rất là nhiệt tình, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng để làm sao chương trình ngày một hay hơn, ít xảy ra lỗi và để mục tiêu chính của chúng ta vẫn là để tôn vinh tiếng Việt, để làm cho tiếng Việt của chúng ta được sử dụng một cách chính xác hơn, phong phú hơn, tình hơn và nhiều cảm xúc hơn", Xuân Bắc bày tỏ.
NSND Xuân Bắc cũng mách người chơi rằng: "Cứ hồn nhiên mà chơi thôi, lên đây không cần tinh thần thắng thua gì cả. Bởi vì càng với tinh thần thắng thua thì nó càng tạo sức ép chính mình. Hãy vui lên, hãy thoải mái coi như đây là một cuộc trao đổi, một cuộc nói chuyện, một cuộc thử sức về vốn tiếng Việt, về cách sử dụng tiếng Việt".
Chương trình "Vua Tiếng Việt" mùa 3 sẽ có một số sự thay đổi, không phải để tăng độ khó của câu hỏi, chỉ đơn giản là tạo thêm sự mới mẻ cho chương trình. Đó là ở vòng 4 - vòng cuối, sẽ là trò Giải Ô Chữ với bảng 3 câu hỏi tăng dần cấp độ phức tạp và tăng dần thời gian chơi.
Ban cố vấn chương trình - thành phần không thể thiếu của "Vua Tiếng Việt" gồm: PGS.TS Phạm Văn Tình, TS Văn học Đỗ Thanh Nga, Tiến sỹ khoa học Đoàn Hương, TS Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ, nhà Thơ Hữu Việt, nhà thơ Lữ Mai và nhà văn Trương Quý.
PGS.TS Phạm Văn Tình nói: "Chương trình "Vua Tiếng Việt" qua 3 mùa rồi là chúng ta có một cơ hội để thể hiện cảm nhận về tiếng Việt và đồng thời bộc lộ những năng lực, ngữ năng tiếng Việt trong một gameshow rất thú vị. Tôi phát hiện ra người chơi đã tiến bộ rất nhiều họ, họ đã khác hẳn và họ đã có những cách chơi rất nhanh và thông minh. Điều đó chứng tỏ là năng lực tiếng Việt và sự quan tâm của người chơi đối với tiếng Việt".
Khi được hỏi ấn tượng về người chơi của "Vua Tiếng Việt" trong mùa 3, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: "Khả năng phản xạ của người chơi, tức là bên cạnh kiến thức cơ bản của người chơi về tiếng Việt thì họ có một phản xạ nhanh nhạy, tinh tế, thông minh. Chúng ta đều thấy, các Quán quân khi đăng quang chương trình thì đều có một sự phản xạ rất tuyệt vời. Đôi khi chính những cố vấn cũng bất ngờ trước những phản xạ đó và chúng tôi cũng cảm thấy rằng chúng tôi nhận được rất nhiều bài học quý, cũng như về sự sự lan tỏa về tình yêu tiếng Việt.
Vốn liếng chương trình có được quan trọng nhất đó chính là khán giả. Chúng ta có một lượng khán giả không chỉ trong nước mà còn ngoài nước và tất cả những phản hồi đa chiều từ khán giả. Đó là một gia tài vô cùng quý giá mà chương trình đã mang lại. Điều đó cũng mang lại những bài học cho những người ngồi ghế cố vấn như chúng tôi rằng chúng tôi có thể có nhiều điều cần được bồi đắp thêm. Có nhiều điều mình cần phải lắng lại, cần phải suy nghĩ nhiều hơn, dài hơn và rộng hơn để cái vốn tiếng Việt của chính mình sẽ được giữ gìn sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa".
Người chơi Hạp Thị Như Nguyệt - Bắc Ninh bày tỏ rằng: "Tôi rất may mắn được trở thành người chơi số đầu tiên của chương trình "Vua Tiếng Việt". Mục đích của tôi khi đăng ký tham gia chương trình là tạo một tấm gương để con gái noi theo và có thể tự tin trước đám đông cũng như thể hiện tình yêu quê hương, yêu đất nước và yêu tiếng Việt. Sau khi xem và tham gia chương trình "Vua Tiếng Việt", tôi mới làm thơ lại. Khi được giới thiệu về tên, về quê hương của mình thì thơ của mình tràn đầy yêu thương. Mình có thêm động lực để yêu tiếng Việt và làm thơ nhiều hơn.
Những biểu cảm của người chơi trong "Vua Tiếng Việt". Ảnh: NSX
Theo Viện Dịch vụ đối ngoại của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì Tiếng Việt thuộc nhóm có độ khó trung bình thế giới, chỉ cần khoảng 1.110 giờ học là đã có thể thành thạo. Thế nhưng, nếu như bạn đã xem qua 2 mùa vừa rồi hẳn sẽ thấy sự đa dạng, phong phú của Tiếng Việt mà nếu chỉ 1.110 giờ học sẽ là không đủ. Thậm chí, với cả những người sử dụng tiếng Việt từ khi mới chào đời thì tiếng Việt vẫn hấp dẫn chúng ta, vẫn khiến chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Đúng như những gì giáo sư Marrini viết trong "Lịch sử chữ quốc ngữ": "Khi đọc, người Việt không cần phải thay đổi tiếng mà vẫn làm cho 1 tiếng ấy có nhiều nghĩa khác nhau, nhờ vào việc lên hoặc hạ giọng tùy theo cường độ và nhịp điệu".