Dân Việt

Hơn 50.000ha lúa ở ĐBSCL bị rầy phấn trắng, lãnh đạo Cục BVTV nói: "Không ảnh hưởng đến sản lượng lúa toàn vùng"

Minh Ngọc 29/02/2024 10:52 GMT+7
Hiện nay, ở ĐBSCL, 50.932ha lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 bị nhiễm rầy phấn trắng, tăng 46.333ha so với vụ Đông Xuân 2022-2023. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) khẳng định, diện tích bị rầy phấn trắng không ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng gạo của toàn vùng.

Hiện nay, tình trạng hàng chục nghìn ha lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị rầy phấn trắng hoành hành, nhiều nông dân tại khu vực đứng ngồi không yên. Sáng 29/2, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, vụ Đông Xuân 2023-2024 ở ĐBSCL diện tích nhiễm rầy phấn trắng 50.932 ha, tăng 46.333 ha so với vụ Đông Xuân 2022-2023.

Qua kiểm tra mật số rầy phấn trắng trên đồng phổ biến 2.000 – 5.000 con/m2, nơi cao > 6.000 con/m2 với diện tích 1.686 ha.

Các tỉnh có diện tích bị nhiễm rầy phấn trắng nặng nhất là Đồng Tháp 403 ha, Kiên Giang 857 ha, Bạc Liêu 300 ha, Cần Thơ 120 ha, còn lại nhiễm nhẹ và trung bình.

Theo ông Thiệt, diện tích nhiễm rầy phấn trắng trong tuần từ 16-22/2/2024 là 21.637 ha (tăng 3.559 ha so với tuần trước). Rầy phấn trắng xuất hiện phổ biến trên các giống lúa thơm như Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, RVT, ST25, ST 24...

"Vụ Đông Xuân 2023-2024 ĐBSCL gieo cấy 1,5 triệu ha, trong khi đó tỷ lệ nhiễm rầy phấn trắng là 1.686 ha, tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích toàn vùng thì rõ ràng sẽ không ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng gạo", ông Thiệt nói.

Hơn 50.000ha lúa ở ĐBSCL bị rầy phấn trắng, lãnh đạo Cục BVTV nói: "Không ảnh hưởng đến sản lượng lúa toàn vùng"- Ảnh 1.

Theo Cục BVTV, hiện nay, hơn 50.000 ha lúa ở ĐBSCL đang bị nhiễm rầy phấn trắng.

Ông Thiệt cho hay, rầy phấn trắng thường xuất hiện trong mùa khô. Chúng phát triển và gây hại nặng trong điều kiện nắng nóng, ẩm độ không khí thấp. Khi có mưa rào hoặc giông bão, mật số rầy phấn trắng giảm rõ rệt. Giai đoạn gây hại chủ yếu là ấu trùng ở giai đoạn đẻ nhánh – đòng trổ của cây lúa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rầy phấn trắng gây hại lúa ở ĐBSCL hiện nay theo ông Thiệt là do nắng nóng đến sớm, nhiệt độ cao 0,5 – 1 độ C so với TBNN (ảnh hưởng El Nino)

Bên cạnh đó, tập quán canh tác truyền thống của nông dân như: sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu không theo khuyến cáo. 

Để hạn chế rầy phấn trắng, ông Thiệt khuyến cáo nông dân cần gieo sạ tập trung, đồng loạt, không sạ dày và bón thừa đạm. Cần chú ý và thăm đồng thường xuyên giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng tránh lây lan sang vụ sau.

Bên cạnh đó, hạn chế phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa (40 ngày sau sạ) để bảo tồn các loài thiên địch như nhện, bọ rùa, bọ xít mù xanh và kiến ba khoang, giúp khống chế mật số rầy phấn trắng và cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng.

Hơn 50.000ha lúa ở ĐBSCL bị rầy phấn trắng, lãnh đạo Cục BVTV nói: "Không ảnh hưởng đến sản lượng lúa toàn vùng"- Ảnh 2.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang kiểm tra mật độ rầy phấn trắng trên ruộng. Ảnh: Báo Kiên Giang

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của El Nino, khu vực ĐBSCL hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt vào mùa khô năm 2024; nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với TBNN. 

Với điều kiện thời tiết thời tiết trên thuận lợi cho rầy phấn trắng phát sinh phát triển trên lúa vụ Hè Thu 2024, theo ông Thiệt, các địa phương chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch gieo sạ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Kiểm tra, rà soát và thống kê diện tích lúa nhiễm rầy phấn trắng trên các trà lúa để có biện pháp xử lý thích hợp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và mở rộng ứng tiến bộ kỹ thuật như chương trình IPHM, chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm tập trung vào các biện pháp gieo cấy thưa, bón phân cân đối, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ chống chịu sâu bệnh và ảnh hưởng từ môi trường

Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân không xử lý hạt giống bằng các loại thuốc trừ sâu, không phun thuốc trừ sâu sớm giai đoạn từ 0-40 ngày sau sạ hoặc sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ rộng để trừ bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ tránh gây bộc phát rầy phấn trắng.

Hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra đồng phát hiện và xử lý kịp thời những diện tích bị nhiễm rầy phấn trắng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm BVTV phía Nam, rầy phấn trắng (Aleurocybotus sp.) đã được ghi nhận xuất hiện đầu tiên tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang vào vụ Hè Thu năm 1998. Ở ĐBSCL, trong điều kiện nắng nóng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2010), Trung tâm BVTV phía Nam cũng đã ghi nhận rầy phấn trắng xuất hiện trở lại với mật số cao hơn và gây hại trên diện rộng tại các tỉnh Long An, An Giang, Tây Ninh với tổng diện tích nhiễm là 15.275 ha (trong đó: nhiễm nhẹ là 14.100 ha, trung bình là 970 ha và nặng là 205 ha). Qua một thời gian lắng xuống đến vụ Đông Xuân 2023-2024 rầy phấn trắng bộc phát trở lại.