Anh Diệp Văn Liên ở thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây ăn quả của gia đình để nuôi ba ba.
Năm 2020, anh Liên đã mạnh dạn đầu tư nuôi 400 con ba ba giống gồm ba ba trơn, ba ba gai.
Với đồng vốn eo hẹp, kỹ thuật nuôi ba ba, kinh nghiệm nuôi ba ba chưa có nhiều, chủ yếu anh học hỏi từ mạng internet cũng như từ các trang trại khác.
Anh Diệp Văn Liên, nông dân nuôi ba ba trong bể xi măng ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang giới thiệu về con ba ba gai nuôi tại trang trại.
Do đó, khi con ba ba bị dịch bệnh anh Liên lại không có kinh nghiệm quản lí ao nuôi ba ba chết không rõ nguyên nhân. Nuôi chưa nuôi được bao lâu mô hình ba ba của anh đã thất bại.
Chán nản nhưng không từ bỏ, đến năm 2021 anh Liên đã được Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn hỗ trợ gần 300 con ba ba giống ba ba Nam bộ và được các cán bộ khuyến nông chuyển giao khoa học kĩ thuật nuôi ba ba.
Từ đó đến nay, việc chăn nuôi ba ba đối với anh Liên không còn vất vả như trước nữa, làm chủ kĩ thuật nuôi nên mô hình nuôi ba ba của anh Liên ngày một phát triển.
Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình từ gần 300 con ba ba Nam bộ ban đầu, giờ đây trang trại gia đình anh Liên đã có 2.000 – 3.000 con ba ba với nhiều giống như ba ba trơn, ba ba gai, ba ba Nam Bộ ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Theo anh Diệp Văn Liên, các giống ba ba có thời gian nuôi thương phẩm khác nhau ba ba trơn có thể bán sau 18-24 tháng (trọng lượng đạt khoảng 1,5-1,8kg); ba ba gai và ba ba Nam Bộ đạt 3 năm tuổi (trọng lượng đạt 3 – 4kg) có thể xuất bán.
Năm 2022 và đầu năm 2023, gia đình đã bán được 400 – 500 con ba ba trơn thương phẩm, 4.000 con giống ba ba trơn ra ngoài thị trường, với giá bán ba ba trơn thương phẩm 350-400.000đồng/kg, giá ba ba giống trơn 20.000 đồng/con, gia đình anh Liên đã thu được 500 triệu đồng từ nuôi ba ba.
Anh Liên cũng cho biết, trong thời gian tới gia đình sẽ sản xuất giống ba ba gai và còn giống ba ba Nam Bộ, phải đến năm 2025 gia đình anh mới có thể sản xuất con ba ba giống để cung cấp ra ngoài thị trường.
Dự kiến trong những năm tới, trang trại nuôi ba ba của gia đình anh Liên có thể cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 40.000 con ba ba giống và các loại ba ba thương phẩm ra ngoài thị trường.
Để vận hành tốt trang trại nuôi ba ba tránh rủi ro trong quá trình chăn nuôi, kiểm soát ao nuôi và đảm bảo an ninh cho khu chuồng trại.
Anh Liên còn lắp đặt đầy đủ hệ thống camera theo dõi. Hệ thống chuồng trại được anh Liên thiết kế bài bản, kiên cố với gần 5.000 m2 mặt nước được phân thành các khu: khu sinh sản, đẻ trứng, nuôi úm riêng biệt...
Khu nuôi ba ba thương phẩm cho từng giống khác nhau và từng độ tuổi cũng phải nuôi nhốt riêng.
Mỗi ao nuôi anh Liên đều thiết kế rộng khoảng 30m2 và sâu 1,2m và có hệ thống nước vào và nước ra thuận tiện trong quá trình thay nước cho ao nuôi.
Theo bà Lâm Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, mô hình nuôi ba ba thương phẩm của gia đình anh Liên thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn là mô hình điểm trong việc phát triển kinh tế từ nuôi con đặc sản của huyện Lục Ngạn.
Sau 3 năm triển khai mô hình nuôi ba ba thương phẩm giống ba ba Nam Bộ gia đình anh Liên đã có nhiều kết quả nổi bật.
Ngoài việc làm chủ được các kỹ thuật nuôi ba ba, không chỉ dừng lại ở quy mô hỗ trợ nhỏ giờ đây gia đình anh Liên đã tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi ba ba mà còn mạnh dạn nuôi thêm nhiều giống ba ba khác nhau.
Ngoài cung cấp ba ba thịt anh Liên còn sản xuất thành công con ba ba giống chất lượng để cung ứng ra ngoài thị trường.
Mô hình nuôi ba ba Nam Bộ của gia đình anh Liên là một trong những mô hình có khả năng nhân rộng trên địa bàn huyện Lục Ngạn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng vật nuôi mới ở Miền Bắc cũng như địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cho nên trước khi đầu tư chăn nuôi ba ba, bà con nắm bắt chuẩn các kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cũng như học hỏi kinh nghiệm của các chủ trang trại đã nuôi thành công trước đó.