Một làng cổ ở Bắc Giang còn những nhà cổ đẹp như phim, đây là căn nhà đã có 8 đời sinh sống
Một làng cổ ở Bắc Giang còn những nhà cổ đẹp như phim, đây là căn nhà đã có 8 đời sinh sống
Đồng Ngọc Dưỡng (Cổng TTĐT TTXT Du lịch Bắc Giang)
Thứ hai, ngày 23/10/2023 05:36 AM (GMT+7)
Thổ Hà, làng Việt cổ bên bờ Bắc Sông Cầu (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hoá truyền thống. Xưa nay, người ta biết đến Thổ Hà với thương hiệu làng cổ, làng nghề làm gốm, nơi có ngôi đình, chùa cổ với không gian lễ hội nổi tiếng ở xứ Bắc...
Thổ Hà, làng Việt cổ bên bờ Bắc Sông Cầu (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hoá truyền thống.
Xưa nay, người ta biết đến Thổ Hà với thương hiệu làng nghề làm gốm, nơi có ngôi đình, chùa cổ với không gian lễ hội nổi tiếng ở xứ Bắc nhưng ít người biết tới Thổ Hà còn là miền quê lưu giữ nhiều những ngôi nhà cổ ở Bắc Giang.
Kiến trúc nhà cổ- dấu xưa Kinh Bắc
Bước chân vào những ngôi nhà cổ, cảm giác như chìm vào một không gian thanh tĩnh, trong lành tách biệt với những ồn ào phố thị.
Uống cốc nước mát, nghe những câu chuyện nền nếp gia phong xung quanh căn nhà cổ được truyền từ đời này sang đời khác mặc bao biến động, thăng trầm của thời cuộc…mà thêm mến yêu hơn vùng đất con người nơi đây.
Đặt bàn chân chạm vào nền gạch vuông màu đỏ thẫm trong ngôi nhà cổ, mang lại cảm giác thật mát mẻ, thoải mái và gần gũi.
Ông Trịnh Đắc Mùi, ở xóm 4 làng Thổ Hà, chủ nhân của ngôi nhà say xưa kể: "Ngôi nhà này đã được gần 200 năm tuổi, cụ tôi là Trịnh Đắc Kẹo truyền lại cho ông tôi là Trịnh Đắc Mật và cha tôi là Trịnh Đắc Trắc.
Nhà xưa có ba nếp bố cục liên hoàn trong khuôn viên rộng, gồm: Nhà cầu 3 gian phía trước dùng để tiếp khách, nhà chính 5 gian là nơi ở và để thờ gia tiên, bên cạnh sân có ba gian nhà bếp. Rất tiếc do điều kiện lụt lội năm 1991, nhà cầu đã phải dỡ đi”.
Nhà cổ của gia đình ông Trịnh Đắc Mùi ở làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nhà cổ của gia đình ông Mùi có lối kiến trúc kiểu chữ nhất ngang có bẩy gian, với năm gian nhà ngoài và hai gian buồng. Lòng nhà rộng 7,5m, dài 17,5m.
Các bờ hiên cửa được kê bởi những phiến đá xanh hình chữ nhật đã bóng mòn, phẳng lỳ bởi thời gian. Kiểu nhà có lòng rộng này được dân gian gọi là nhà “Đại khoa”. Hồi mái xây bít đốc, lợp ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải tạo các dải hoa chanh mềm mại.
Bộ khung gỗ lim còn chắc chắn. Cột cái, cột quân ngả màu thời gian đen bóng, đường kính trung bình từ 25-30cm. Vì mái được gắn kết kiểu giá chiêng con chồng đấu kê, hai vì hồi kiểu cốn mê.
Chạm khắc nổi hình hoa lá, vân mây đao mác, văn kỷ hà, hoa dây ở các cấu kiện kiến trúc. Đặc biệt hệ thống các đầu kẻ cổ ngỗng kế thừa lối kiến trúc cổ từ thời Lê tạo cho ngôi nhà có nét kiến trúc rất độc đáo và cổ kính.
Trong ngôi nhà cổ này được bố trí, bày đặt ba gian thờ. Ở giữa thờ Gia tiên, gian bên cạnh thờ Thánh Sư và trong cùng là gian tĩnh thờ Phật. Dẫn chúng tôi đi quanh nhà, ông Mùi chỏ tay ra ngoài sân tâm sự:
“Đồng hành cùng ngôi nhà cổ có tuổi đời gần hai trăm năm, ở phía trước sân gạch còn có hai chum gốm cổ của làng nghề gốm Thổ Hà. Những cây khế, cây ăn trái… từng chứng kiến bao thế hệ sinh ra, lớn lên, già đi và về với đất trời trong chính ngôi nhà này. Trong gia tộc tính đến thế hệ tôi đã được 8 đời ở ngôi nhà cổ này rồi”.
Nhà cổ của gia đình ông Cáp Trọng Dưỡng ở xóm 2, làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Khác với nhà ông Mùi, nhà ông Cáp Trọng Dưỡng ở xóm 2, lại cảm giác cổ kính đặc trưng của những gian nhà xưa ngay từ cái nhìn đầu tiên. Căn nhà có niên đại trên 100 năm tuổi này, mái ngói đã sẫm màu, vẫn để nền đất nện, mùa hè mát lạnh nhưng những cột gỗ lớn chống đỡ rui kèo, mái ngói vẫn vững vàng như thách thức thời gian.
Trải qua 7 đời, ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn, chưa phải sửa chữa gì nhiều. Ngoài những hương án, sập thờ, ngai thờ, lư hương, hoành phi, câu đối… gia đình ông Dưỡng còn treo bức thư pháp bằng gỗ được khảm vỏ ốc màu trắng ngà trên nền gỗ đen bóng rất đẹp và sang trọng ở phía trước gian thờ gia tiên.
Dưới đặt một sập thờ cổ dạng chân quỳ dạ cá được kê trên 4 đấu bát bằng gốm cổ của làng nghề. Phía trên là khám thờ gỗ với các rèm cửa được chạm khắc rất cầu kỳ, hình hoa dây leo, đáo mác, vân mây rất tinh tế.. Trong khám đặt một ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng.
Bên cạnh là khung ảnh của gia tiên thờ phụng. Trên mặt sập thờ bài trí bát hương cổ và nhiều đồ thờ cúng khác có giá trị. Ở mỗi gian thờ lại bài trí cặp câu đối và bức hoành phi…toát lên hồn dân tộc với vẻ cổ kính, uy nghiêm.
Nhà ông Nguyễn Đình Thuỷ ở xóm 4 không thuộc dạng “đại khoa” nhưng lại mang nét đẹp cổ kính khác. Trong nhà ngoài những nét chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc, ở các gian thờ còn được bài trí rất nhiều hoành phi, câu đối và các bức thư pháp.
Anh Nguyễn Đình Thủy tâm sự: "Căn nhà cổ do cha tôi để lại, xưa cha tôi từng học chữ Hán, làm ông đồ và giao thiệp nhiều với giới trí thức. Trong nhà cổ hiện còn treo những bức hoành phi câu đối phần lớn là chữ của cha tôi để lại”.
Gìn giữ gia phong
Hằng năm, vào các ngày giỗ Tết, đại gia đình của ông Nguyễn Đình Thuỷ tề tựu tại nhà cổ đông đủ để cúng giỗ, lễ Tết cho cha, ông tổ tiên. Đây cũng là dịp anh em, họ hàng sum họp, thăm hỏi nhau.
Vào ngày này, người già kể lại những chuyện từ xa xưa, người trẻ thì chăm chú lắng nghe để mai mốt còn có chuyện kể cho con, cho cháu mình về nhà cổ, về ông, về bà, về cụ, kỵ của chúng… Trong những câu chuyện cũ xưa ấy, ông Thuỷ không quên nhắc lại những ngày nước lũ sông Cầu dâng cao, ngập lưng cột nhà.
Gia đình ông phải đóng đinh lên đầu cột, dùng dây níu kéo chiếc sập gỗ và đồ thờ cúng trên bàn thờ lên cao để tránh ngập nước, nước rút cả nhà phải tập trung lau rửa tu tạo, để bảo vệ khung cột gỗ cho ngôi nhà cổ.
Ông Nguyễn Đình Thuỷ bộc bạch: "Theo di nguyện của cha tôi để lại, tôi cũng đã qui định với các con rằng: ngôi nhà cổ này là của tổ tiên để lại, tuyệt đối không được bán. Con cháu sống ở đây nên có trách nhiệm trông coi, bảo quản căn nhà. Việc giỗ chạp, thờ tự, sửa sang nhà cửa thì tất cả các con cháu phải chung tay gánh vác…".
Những câu chuyện luôn hiển hiện tinh thần đùm bọc, yêu thương, chia sẻ lẫn nhau và xen lẫn niềm tự hào về một gia đình nền nếp, sống tình cảm.
Mỗi khi thành viên nào trong đại gia đình gặp khó khăn hoạn nạn là những người còn lại đều chung tay giúp đỡ; người góp công, người góp của, không ai phải nhắc nhở, ai cũng hết lòng chăm lo, vun đắp cho gia đình, đặc biệt là việc báo hiếu cho cha mẹ. Nếp nhà ấy, gia phong ấy đã được gia đình ông Thuỷ dành dụm nhiều đời để vun đắp, gầy dựng.
Ở làng Thổ Hà chủ nhân của những ngôi nhà cổ không chỉ gìn giữ nét đặc sắc do tiền nhân để lại mà điều quan trọng hơn là gìn giữ nền nếp gia phong. Họ dạy dỗ con cháu những điều tốt đẹp của lễ giáo truyền thống, tiếp thu những cái mới, cái phù hợp để đời sống thêm phong phú, ấm no.
Anh Thuỷ còn chia sẻ : "cha tôi luôn dạy dỗ, bảo ban chúng tôi những điều hay lẽ phải ở đời, những đạo lý truyền thống của dân tộc. Giờ anh chị em chúng tôi đã có cuộc sống riêng ổn định. Người ở xa thì giỗ chạp, Tết nhất mới về, còn người ở gần thì thường xuyên qua lại ngôi nhà cổ này”.
Vậy đó, những căn nhà cổ ở Thổ Hà đâu chỉ đẹp ở đường nét kiến trúc cổ kính, ở những cổ vật quí báu… mà còn đẹp bởi lối sống gia đình đậm nghĩa tình, giàu truyền thống… Đó cũng chính là hồn phách của nhà cổ, là vốn quý của làng quê.
Làng Thổ Hà còn lưu giữ khoảng 15 căn nhà cổ mang nét kiến trúc khác nhau. Hầu hết nhà cổ đã trên 100 năm tuổi, được xây dựng từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX như nhà ông Trịnh Đắc Lưu, Trịnh Đắc Tâm, ông Cáp Trọng Dưỡng, Trịnh Quang Liêm ở xóm II, ông Nguyễn Đình Thuỷ, bà Trịnh Thị Vấn, ông Nguyễn Công Hưng ở xóm 4….
Nhà cổ nào cũng có nét độc đáo riêng, không chỉ đẹp ở kiến trúc cổ mà còn ở những kỷ vật, bảo vật lưu truyền qua các thế hệ, cách bài trí… nhà cổ còn đẹp hơn bởi nề nếp gia phong.
Đã hơn trăm năm, dẫu với bao đổi thay dâu bể, đời này sang đời khác nhưng những người dân làng Thổ Hà vẫn trân trọng giữ gìn một phần "hồn quê" qua những ngôi nhà cổ của xứ sở Kinh Bắc- Bắc Giang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.