Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “sẽ không dừng lại” nếu lực lượng của ông chiếm ưu thế trước Ukraine. Các nước láng giềng của Nga ở vùng Baltic “hiểu Putin và khả năng của ông ấy. Và thẳng thắn mà nói, nếu Ukraine sụp đổ, tôi thực sự tin rằng NATO sẽ chiến đấu với Nga”.
Tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi được hỏi về phát biểu của Austin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng phát biểu đó là bằng chứng cho thấy Washington rõ ràng có kế hoạch để NATO can dự trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga.
Nhà ngoại giao Nga nói: “Ông ấy chỉ đơn giản lỡ lời để tiết lộ những gì họ (Mỹ) đang nghĩ đến. Họ từng nói rằng họ không thể cho phép Ukraine thua, vì Nga sẽ không hài lòng và tiếp theo sẽ tấn công các nước vùng Baltic, Ba Lan, Phần Lan. Hóa ra, theo lời nói thẳng thắn của ông Austin, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi không và không thể có những kế hoạch như vậy, nhưng người Mỹ thì có”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng bình luận về nhận xét của Austin, trong bài đăng trên Telegram, bà tự hỏi liệu nhận xét của Austin là “mối đe dọa trực tiếp đối với Nga hay là một nỗ lực để viện cớ cho (Tổng thống Ukraine Vladimir) Zelensky?”
“Dù thế nào đi nữa, điều đó thật điên rồ” - bà nói. “Nhưng bây giờ mọi người đều thấy rằng Washington là kẻ xâm lược”.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, phát biểu của ông Austin đã chứng minh rằng “NATO coi Ukraine là lãnh thổ của mình”, điều đó chứng tỏ hoạt động quân sự của Nga là “hoàn toàn chính đáng và đúng đắn”.
Cuộc điều trần của Bộ trưởng Austin là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đạt được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ đối với dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 60 tỷ USD tài trợ cho Kiev. Mỹ và các đồng minh đã gửi cho Ukraine hơn 200 tỷ USD viện trợ quân sự, kinh tế và tài chính cho cuộc xung đột chống lại Nga – bất chấp những cảnh báo và phản đối của Moscow, đồng thời khẳng định họ không liên quan trực tiếp.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tiếp tục chống lại những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thúc đẩy thêm 60 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Một số nhà lập pháp đang yêu cầu hỗ trợ cho Kiev phải đi đôi với các biện pháp bảo đảm an ninh biên giới với Mexico.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer, người đã đến thăm Kiev vào tuần trước, cho biết Ukraine hiện đang "thua trong cuộc chiến" trước Nga. Theo Schumer, Zelensky và các quan chức Ukraine khác đã nói rõ với ông rằng “nếu không nhận được viện trợ, họ chắc chắn sẽ thua trong cuộc chiến”.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ám chỉ rằng lực lượng NATO có thể được gửi tới Ukraine nếu tình hình ở Kiev tiếp tục xấu đi. “Không có sự đồng thuận” giữa các thành viên của khối do Mỹ dẫn đầu về việc triển khai quân ở Ukraine, nhưng “xét về động lực, chúng tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông cam kết.
Trong những ngày kể từ đó, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đức và các thành viên NATO khác đã tránh xa phát biểu của ông Macron, nhấn mạnh rằng không có kế hoạch sử dụng lực lượng của khối ở Ukraine.
Trong Thông điệp Liên bang hôm 29/2, Tổng thống Nga Putin một lần nữa bác bỏ suy đoán của Mỹ và các đồng minh rằng Nga có thể nhắm mục tiêu vào các quốc gia NATO. “Phương Tây đã kích động xung đột ở Ukraine... và họ tiếp tục nói dối. Bây giờ, không hề xấu hổ, họ nói rằng Nga được cho là có ý định tấn công châu Âu. Ở đây chúng tôi hiểu rằng điều đó thật vô nghĩa”, ông nhấn mạnh.