Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Cái chết nhân đạo hay còn gọi là quyền được chết/quyền an tử nhằm để chỉ về việc lựa chọn của con người tìm đến cái chết một cách tự nguyện, ít đau đớn nhằm giải thoát khỏi đau khổ, bệnh tật hoặc các lý do khác, thường là những bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.
LS. Hoàng Anh Sơn lấy dẫn chứng: Gần đây cơ quan truyền thông có đưa tin về hoàn cảnh của cậu nam tên H sinh 16 tuổi, trong giai đoạn cuối của quá trình điều trị ung thư. Trên giường bệnh H đã tuyệt vọng xin cha cho dừng chữa bệnh ung thư.
Không riêng trường hợp em H, thực tế, có nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn dằn vặt về thể xác lẫn tinh thần. Thời khắc đó, nhiều bệnh nhân cầu xin bác sĩ, gia đình cho họ được chết, được chấm dứt điều trị, chấm dứt đau đớn.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại pháp luật không cho phép, nên các bác sĩ không có cách nào có thể giúp họ, việc sử dụng biện pháp trợ tự/an tử cho những trường hợp này là không được phép và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như phân tích trên.
Việt Nam có quy định quyền được chết chưa?
Quyền được chết vẫn còn là vấn đề gây ra khá nhiều tranh cãi ở nhiều quốc gia. Có rất nhiều ý kiến ủng hộ tồn tại song song với những luồng phản đối trái chiều về quyết định chủ động lựa chọn cái chết. Quyền được chết hiện chỉ được áp dụng hạn chế tại một số quốc gia như Hà Lan, Bỉ, Luxembourg…
Tại Việt Nam, quyền được chết vẫn chưa được thừa nhận cụ thể. Hiến pháp không có quy định đề cập đến quyền được chết, mà chỉ nêu rõ về quyền được sống tại Điều 19 Hiến pháp 2013 như sau:
"Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật."
Theo đó, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ và không ai có quyền tước đoạt tính mạng người khác, trừ trường hợp tội phạm chịu hình phạt tử hình theo quy định pháp luật.
Như vậy, quyền an tử chưa được công nhận tại Việt Nam, mọi hành vi an tử đều bị coi là hành vi xâm phạm tính mạng người khác trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng luật vẫn có những ý kiến đề nghị thể chế hóa quyền này vào luật. Dấu ấn đầu tiên của Quyền an tử trong hoạt động lập pháp của Việt Nam là tại kỳ họp thứ 6 và 7 Quốc hội Khóa XI (2004, 2005), Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách năm 2005, vấn đề quyền an tử được đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ luật dân sự. Tuy nhiên đa số đại biểu cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với đạo lý người Á Đông hiện nay và không đồng ý với hợp pháp hóa quyền an tử.
Đến năm 2013, khi cơ quan lập pháp Việt Nam tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992, vấn đề quyền an tử một lần nữa được chú ý tới. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, còn nhiều tranh luận khác nhau không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới nên vấn đề vấn còn được tiếp tục nghiên cứu, chưa thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp. Cùng năm, Bộ Y tế trong quá trình xây dựng Luật dân số cũng đề xuất cho phép thực hiện quyền an tử.
Bất kỳ ai hay bác sĩ an tử cho bệnh nhân có được không?
Hiện nay nước ta chưa công nhận quyền được chết của bất kỳ ai vì nó đi ngược lại mong muốn tự nhiên của con người, đi ngược lại mục tiêu số một của ngành y tế, đó là kéo dài sự sống, chữa bệnh cứu người.
Đối với bác sĩ - người hành nghề khám chữa bệnh có trách nhiệm khám chữa bệnh, cứu người mà không có quyền tước đoạt tính mạng bệnh nhân, căn cứ theo Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định như sau:
"Nghĩa vụ đối với người bệnh
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật này.
2. Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh.
3. Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 11 của Luật này.
4. Đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.
5. Chỉ được yêu cầu người bệnh thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã niêm yết công khai theo quy định của pháp luật."
Theo quy định trên, bác sĩ chỉ có nghĩa vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, tại nghĩa vụ đối với người bệnh cũng không có quy định về an tử cho bệnh nhân. Theo đó, nếu bác sĩ an tử cho bệnh nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tôi Tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
"Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm".
Còn đối với trường hợp người nhà bệnh nhân hay bất kỳ ai thực hiện hành vi an tử dù là theo mong muốn, di nguyện của bệnh nhân thì đây vẫn bị xem là hành vi xâm phạm tính mạng người khác trái pháp luật.
Như vậy, bất kỳ ai thực hiện hành vi trợ tử, an tử cho người khác, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Xúi giục bệnh nhân sớm kết thúc sự sống bị phạt bao nhiêu năm tù?
Hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự kết thúc sự sống có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Căn cứ theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;
b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Theo như quy định trên, hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự kết thúc sự sống có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.