Đạo diễn Phùng Ngọc Tú là một trong số 264 nghệ sĩ sẽ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào ngày 6/3 tới, bởi những cống hiến nổi bật của anh ở thể loại phim tài liệu - khoa học. Nhiều năm nay, anh dấn thân vào một mảnh đất luôn bị mang tiếng là khô khan, ít hào quang và lắm nhọc nhằn. Thế nhưng, tại đó, vị đạo diễn sinh năm 1981 không biết từ lúc nào đã bị "hút vào không cưỡng nổi". Anh yêu, trăn trở và đam mê, với nỗi sợ sự cũ kỹ và lặp lại.
Mới đây, anh có tên trong danh sách các nghệ sĩ nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú với những đóng góp nổi bật cho lĩnh vực phim tài liệu và khoa học. Cảm xúc của anh thế nào khi nhận danh hiệu này?
- Khi biết mình nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong lĩnh vực phim tài liệu và khoa học, cảm xúc của tôi vừa vui vừa lo lắng. Vui bởi sự công nhận cho những đóng góp và nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận. Còn lo lắng thì nhiều lắm! Bởi trách nhiệm của mình đối với nghề, với khán giả được đặt lên từng tác phẩm sẽ nặng nề hơn.
Mặc dù mảng phim tài liệu, khoa học kén khán giả - điều này cũng gây áp lực không nhỏ đối với tôi, nhưng nó là nguồn động lực để tôi không ngừng nỗ lực, từ đó mang đến những tác phẩm chất lượng và ý nghĩa hơn nữa đến với công chúng.
Tại sao anh lựa chọn dấn thân vào lĩnh vực phim tài liệu, một thể loại thường được coi là "khó nhằn", phải đầu tư không ít thời gian và tâm huyết cho mỗi tác phẩm, trong khi như anh vừa nói, lượng khán giả lại có phần bị hạn chế?
- Tôi đến với phim tài liệu, khoa học cũng là cái duyên cái số. Hồi mới tốt nghiêp, tôi lăn lê với phim truyện ghê lắm, toàn vác tiền nhà ra tiêu để đi phim. Ai mới ra trường cũng vậy thôi, đều ôm mộng làm phim truyện.
Đến thời gian cổ phần hoá các hãng phim Nhà nước, việc làm phim eo sèo, tôi chuyển ra làm tự do và nhận các dự án phim tài liệu. Cũng từ đây, tôi bị nó hút vào không cưỡng nổi. Năm 2013, tôi trở thành thành viên chính thức của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương. Mỗi bộ phim được vào sản xuất là những thách thức mới, nhưng được đi, được trải nghiệm, có những người bạn mới, được nghe câu chuyện thực, đời sống thực đầy màu sắc của họ thì không gì thích bằng.
Mặc dù việc nghiên cứu và đầu tư thời gian cho thể loại này là khá nặng, nhưng đó là cách tốt nhất để tôi chia sẻ những câu chuyện thực tế và dung dị nhất tới khán giả. Dù có ít khán giả hơn so với một số thể loại khác, nhưng tôi tin rằng sự chân thành và thực tế trong cách tôi kể chuyện có thể tạo ra một kết nối sâu sắc hơn với người xem.
Trong số những bộ phim của anh, có nhiều bộ phim khoa học gắn với những vùng đất nhiều đặc thù như Một giải pháp chống xói lở bờ biển hay Bí ẩn từ lòng đất. Đối mặt với những thiên tai để cho ra đời những thước phim chân thực nhất, chắc hẳn trong anh còn nhiều ký ức?
- Di chuyển từ Cà Mau ra Đất Mũi là một thử thách lớn đối với đoàn làm phim trong quá trình thực hiện Một giải pháp chống xói lở bờ biển. Chúng tôi phải nhờ đến sự hướng dẫn của người địa phương, vì chỉ có họ mới am hiểu về những khu vực đang phải đối mặt với hiện tượng xói lở mạnh mẽ. Ngay từ ngày đầu tiên quay, thời tiết bất ngờ trở nên rất khó khăn với cơn gió mạnh, tạo ra những thách thức lớn cho việc di chuyển và ghi hình.
Chúng tôi phải đối mặt với những điều kiện lênh đênh trên nước, nước lúc cao lúc thấp, cùng với những biến động thời tiết từ mưa đến nắng. Những người thợ thi công, dù đã quen với những điều kiện khắc nghiệt, nhưng với chúng tôi, những tình huống như vậy thực sự là một thách thức lớn.
Suốt gần 15 ngày quay, chúng tôi đối mặt với những trận gió dữ dội từ biển Tây. Chiếc flycam do quay phim Nguyễn Tài Việt và Chu Quang Minh điều khiển cũng phải đối mặt với những cơn gió mạnh đến nỗi đôi khi có vẻ như muốn nhấn chìm nó xuống biển. May mắn, chỉ cần thay cánh sau vài lần va chạm nhẹ.
Từ những yếu tố trên và nhìn thấy đời sống của người dân bám biển nơi đây, chúng tôi mới thực sự hiểu rõ và cảm nhận được sức mạnh đáng sợ của thiên nhiên và cách nó tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người. Điều khiến chúng tôi đau lòng nhất là nhìn thấy những người dân nơi đây, đang phải gánh chịu thêm những cơn "quay mặt" khủng khiếp từ thiên tai, trong khi họ đã phải đối mặt với nghèo túng hàng ngày.
- Đúng vậy, Chuyện tuổi già sản xuất vào năm 2020, đây là một dự án mà tôi đã dành nhiều thời gian và công sức. Lý do chủ yếu xuất phát từ việc thực hiện dự án trong bối cảnh của mùa dịch Covid-19, khi đất nước trải qua nhiều vất vả.
Việc tiếp xúc với những nhân vật và thực hiện các cảnh quay trong môi trường an toàn là một thách thức lớn. Biện pháp phòng ngừa và giữ khoảng cách đã làm chậm quá trình làm phim. Ngoài ra, những biến động xã hội và tâm lý do ảnh hưởng của đại dịch đã làm cho quá trình sản xuất trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó, tính khí, tâm trạng của người già thường xuyên thay đổi. Điều này khiến tôi và cả đoàn phim mất nhiều thời gian để tiếp cận được với các cụ.
Tuy nhiên, dù gặp phải những khó khăn, phim Chuyện tuổi già lại là một dự án đặc biệt quan trọng đối với tôi, vì nó mang đến cái nhìn chân thực và chạm đến tâm lý bất an, lạc lõng của những người già trong đời sống hiện đại này. Việc đối mặt với thách thức của môi trường làm phim trong đại dịch đã giúp tôi "liều" hơn và "lì đòn" hơn trong nghề.
- Rất nhiều chứ! Trong một lần đi làm phim tại các tỉnh Đông Nam Bộ, chúng tôi gặp gỡ những người công nhân đang sống trong những khu nhà trọ tồi tàn ở ven khu công nghiệp. Khi bước vào căn phòng 10m2, nơi cả gia đình họ chung sống, tôi cảm nhận được sự nghèo khó và bí bách của cuộc sống bủa vây lấy họ. Đó là thứ thực tế rất đỗi khắc nghiệt. Vào thời điểm giữa tháng, họ mang giấy tờ tuỳ thân, bằng lái, giấy tờ xe… tất tật những thứ có thể cầm cố tới tiệm cầm đồ và cầm về những đồng tiền lãi cao để duy trì chờ lương cuối tháng, sau đó dùng khoản tiền này lấy lại đồ đã cắm. Giữa tháng sau lại như vậy, lại ra tiệm cầm đồ và lại đợi lương.
Hay một lần khác, khi tôi đi làm phim "lƠi Sông Ba tại Tây Nguyên, vào đó là cả một vùng khô hạn, không có nước. Tôi nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ cầm ca mang nước từ một vũng nước mưa mang về, ngay trên họ là đập thuỷ điện, nhưng nước không thể sử dụng. Khoảnh khắc ấy, tôi lặng người đi, tự hỏi họ sẽ tồn tại như thế nào. Sau đó, khi chứng kiến lễ giải bệnh của họ - tôi buồn bã hiểu ra rằng họ buộc phải trông chờ vào những thứ siêu nhiên, khi những điều họ biết và họ có vượt ngoài khả năng của họ.
Những hoàn cảnh như thế khiến tôi thực sự bất lực. Tôi chỉ có thể kể lại những gì mình thấy, mình cảm nhận vào bộ phim của mình và gửi điều đó tới khán giả.
- Trong quá trình làm phim tài liệu, thách thức lớn nhất mà tôi đối mặt là làm thế nào để chuyển tải một câu chuyện một cách chân thật và sâu sắc. Trước khi bấm máy, tôi luôn đắn đo với việc làm thế nào để truyền đạt cảm xúc, ý nghĩa và thông điệp của câu chuyện một cách trung thực nhất.
Mỗi lần nhận phim là một thách thức và tôi liên tục đặt ra những câu hỏi như: Làm thế nào để tăng cường sức mạnh của câu chuyện?; Làm thế nào để làm cho phim trở nên chân thực hơn và tác động tích cực hơn đối với khán giả?... Trong quá trình làm việc, tôi liên tục khám phá những khía cạnh mới tại hiện trường và cố gắng tìm sự cộng hưởng từ các thành phần đoàn để có cái nhìn tổng thể vững chắc hơn về câu chuyện.
Nhiều lúc, nhìn lại các tác phẩm đã làm, tôi thường có ý muốn thực hiện chúng theo một cách khác, áp dụng góc nhìn độc đáo và thêm vào đó những yếu tố mới để làm cho câu chuyện trở nên đa chiều hơn.
- Với cảm xúc của nhân vật thì việc sắp xếp thì không có, tôi có thể khẳng định như vậy. Tuy nhiên, một người có kinh nghiệm sẽ biết được cách bố trí không gian, thời gian để nhân vật từ đó “bùng nổ”, bộc lộ mình. Nếu chúng ta chạm được vào mạch cảm xúc của họ thì mọi thứ sẽ rất dễ dàng, và ngược lại.
Làm phim tài liệu buộc chúng ta phải kiên trì, không nôn nóng. Mới đây, tôi vào Quy Nhơn làm phim Đồng vọng bài chòi. Khi tới Sở VHTT, họ đã đưa tôi tới gặp một nghệ nhân hát bội và bài chòi, anh ấy có tính cách vô cùng thú vị. Ba ngày đầu, anh chỉ mời tôi đi ăn, đi café, tuyệt nhiên không nhắc tới công việc. Tới ngày thứ 4, anh bất ngờ bảo tôi: "Làm đi". Có lẽ, tới thời điểm đó, anh đã hiểu tôi phần nào, biết tôi là người thực sự muốn làm phim, nghiêm túc với những vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Sau rất nhiều ngày đi cùng đoàn để chỉ dẫn, giúp đỡ, lúc tôi đưa tiền bồi dưỡng, anh ấy nhất định không nhận. Anh bảo: "Các anh vất vả hơn tôi nhiều, ở đây tôi có cơm vợ tôi nuôi".
- Tôi luôn tin điều này hoàn toàn có thể. Hãy cứ nhìn vào những bộ phim của các tác giả độc lập, có thể kể tới Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm); Đi tìm Phong" (đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus) và gần đây là Những đứa trẻ trong sương (Hà Lệ Diễm)… Chúng đều hấp dẫn khán giả, đặc biệt khán giả nước ngoài bởi tính lạ. Tại đó, những đặc điểm riêng biệt và chưa từng có trong văn hóa các nước khiến người xem tò mò, thích thú. Tôi nghĩ, cơ hội lớn của dòng phim tài liệu nằm ở đó. Không phải mình lôi những thứ xấu xa, hạn chế ra bàn tiệc, mà chúng ta tìm ra những câu chuyện chân thực, độc đáo, từ đó đem chúng ra thế giới.
- Với Đào, phở và piano, tôi nghĩ bộ phim đã chạm tới trái tim nhiều khán giả khi khai thác đề tài lịch sử dân tộc, một đề tài mà bất kỳ người Việt nào cũng luôn hướng tới. Dù không đi qua chiến tranh, những dấu tích hào hùng và đau thương vẫn đang còn đó. Vấn đề chính là chúng ta kể lại câu chuyện đó như thế nào.
Là một đạo diễn, đương nhiên tôi cũng như bất kỳ ai, luôn mong tác phẩm của mình được lan tỏa, có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Có rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa trong các bộ phim tài liệu, mà nếu cộng đồng không thể có cơ hội đón nhận thì đó là điều rất phí.
Những năm gần đây, các Liên hoan phim tài liệu quốc tế tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương luôn thu hút đông đảo người xem. Họ tới đây từ 18h, thưởng thức các tác phẩm một cách nghiêm túc và trân trọng. Tôi cũng gặp gỡ nhiều khán giả yêu thích và dành tình cảm dòng phim tài liệu – khoa học.
Vấn đề còn lại là sự đầu tư, quảng bá dành cho dòng phim này, mà điều này lại cần tới những nỗ lực từ nhiều phía và sự cố gắng của những người làm phim như chúng tôi.