Tiềm năng để xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông
Trên có sở mô hình đối tác công tư (PPP) đã và đang được nhà nước áp dụng lâu nay trong nhiều lĩnh vực đầu tư. Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã linh động đưa ra mô hình PPP++, nhằm áp dụng trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Đặc biệt, mô hình này, theo Tập đoàn Đèo Cả, nên được áp dụng ngay để thực hiện mục tiêu 5.000k đường cao tốc trên cả nước.
Theo ông Phạm Quỳnh Mai - phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: "Mô hình PPP++ sẽ là tiềm năng, cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông cho các doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ đầu tư…Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc.Để thực hiện 5.000km đường cao tốc, Nhà nước nên tạo điều kiện,khuyến khích khối tư nhân tham gia bỏ vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng đường cao tốc".
Ông Mai cho rằng, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án PPP với vai trò là vốn mồi. Các doanh nghiệp được ưu tiên đầu tư, khai thác các dịch vụ liên quan đến dự án và được vay vốn tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi. Thêm vào đó, các dự án đầu tư công có thể được nhượng quyền khai thác, các địa phương nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất nơi dự án đi qua để đầu tư có hiệu quả, gia tăng giá trị công trình.
Bên cạnh đường bộ, việc phát triển đường sắt cũng đang được Chính phủ quan tâm. Quyết định 1769/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2030 đầu tư 9 tuyến đường sắt, với chiều dài 2.362km. Quỹ đất cho đường sắt được quy hoạch thích hợp để phát triển đô thị, khu chức năng (mô hình TOD) để tạo nguồn lực đầu tư.
Xã hội hoá kinh doanh đường sắt, dịch vụ vận tải được đẩy mạnh để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Đồng thời, việc phát triển nguồn nhân lực quản lý, xây dựng, vận hành đường sắt được đẩy mạnh nhằm từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi của ngành.
"Việc Chính phủ quyết tâm hoàn thành 5.000km đường cao tốc đến năm 2030 và những chuyển động của việc thực hiện đường sắt cao tốc. Là triển vọng rất lớn, không chỉ đối với doanh nghiệp nhà nước, mà với cả doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển hạ tầng giao thông" - ông Mai nói thêm.
Cơ hội nào cho các nhà đầu tư tư nhân ?
Ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải - nói: " Đầu tư hạ tầng giao thông cần một số vốn khổng lồ. Nhà nước mạnh đến đâu cũng không thể "kham" hết được bằng đầu tư công. Do đó, nhà nước đã kêu gọi khối tư nhân tham gia đầu tư bằng phương thức PPP để phát triển hạ tầng công, dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, tư nhân dù mạnh đến mấy cũng không thể nào "đơn thân độc mã" hợp tác với nhà nước để làm nên một công trình. Doanh nghiệp tư nhân có thể đóng vai trò là "leader" (thủ lĩnh) để tập hợp, kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng tham gia đầu tư. Do đó, mô hình PPP++ là một ý tưởng hay, để tạo ra nguồn lực đủ mạnh, cùng nhau thực hiện dịch vụ công".
Theo ông Dũng, mô hình PPP++ là giải pháp đa dạng hoá các nguồn vốn hợp pháp, giúp tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án. Với mô hình PPP++: Các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, cùng các đối tác, cùng khát vọng, chí hướng để thực hiện dự án. Cùng đi, cùng vượt khó, cùng về đích.
Trước đây, chủ yếu là vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng (không có vốn nhà nước hoặc nếu có, thì rất ít đến từ ngân sách trung ương). Với mô hình PPP++, sẽ có sự tham gia 3 nguồn vốn. Cụ thể: Vốn ngân sách (từ trung ương và địa phương); vốn chủ sở hữu (ngoài vốn góp của nhà đầu tư chính, còn có sự góp vốn của "nhà đầu tư bắc cầu") và vốn huy động (từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, nước ngoài…).
"Mặt khác, khi vận hành dự án, trước đây, nhà đầu tư đơn thuần là đơn vị góp vốn, nhà thầu đơn thuần là đơn vị thi công. Nhưng, với mô hình PPP++, thì nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu và ngược lại, nhà thầu cũng sẽ là nhà đầu tư.
Từ đó, cộng lực và chia sẻ lợi ích hài hòa, lâu dài giữa các đối tác với nhau. Với mô hình PPP++, nguồn vốn NSNN tham gia với tỷ lệ cao, thì khả năng huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án là rất khả thi" - ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - cho rằng: "Áp dụng mô hình PP++, nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm sẽ đồng hành với nhà đầu tư thứ cấp; cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC).
Phương thức này sẽ góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư; bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án".