Dân Việt

Trung Quốc sẽ xây một loạt kho hàng thương mại điện tử gần sát biên giới Việt Nam: Chuyên gia phân tích gì?

Nguyễn Thịnh 05/03/2024 15:06 GMT+7
Trung Quốc xây một loạt các tổng kho GIGA sát biên giới Việt Nam và trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa Việt. Tuy nhiên nhìn ở góc độ tích cực, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể lấy đó làm lợi thế.

Nói về ngành thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc, trong 5 năm qua, giá trị TMĐT xuyên biên giới của họ đã tăng gấp 10 lần. Các chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới đánh giá thị trường TMĐT Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự gia tăng của số lượng người mua sắm trực tuyến, sự cải thiện và phổ biến của các cơ sở hạ tầng, phương tiện thanh toán.

Hiện tại chuẩn giao hàng trên toàn quốc của Trung Quốc là 24 giờ, và họ đang đặt mục tiêu nâng chuẩn giao hàng trên toàn quốc lên 12 giờ, kể cả ở khu vực Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông hay các huyện xa nhất của các tỉnh biên giới Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam.

Để đạt được chuẩn giao hàng 24 giờ và 12 giờ, ngoài việc dùng tàu cao tốc 350 km/giờ để chuyên trở hàng hoá, dùng robot AI để tìm kiếm hàng hoá trong kho, Trung Quốc còn thực thi chiến lược xây dựng các kho hàng ở tất cả khu vực đông dân cư, nghĩa là các kho hàng gần sát với người mua nhất, để đảm bảo thời gian giao hàng cho người mua nhanh nhất.

Trung Quốc sẽ xây một loạt kho hàng thương mại điện tử gần sát biên giới Việt Nam: Chuyên gia phân tích gì?- Ảnh 1.

Ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT. Ảnh NVCC.

Chuyên gia phân tích gì?

Trước thông tin Trung Quốc sẽ xây một loạt các kho hàng thương mại điện tử gần sát biên giới Việt Nam, nhiều người cho rằng hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn ngập Việt Nam, hàng hoá Việt Nam sẽ chết, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ Việt Nam sẽ "ngộp thở".

Phân tích về điều này, ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT, lại có góc nhìn khác. 

Đầu tiên, ông Đỗ Cao Bảo nhận định, với chiến lược "các kho hàng gần người mua nhất, thời gian giao hàng nhanh nhất" thì việc Trung Quốc xây các kho hàng sát biên giới Việt Nam cũng giống như việc họ xây các kho hàng ở các thành phố Thâm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thiên Tân, Trùng Khánh, Thành Đô, Cáp Nhĩ Tân, Vũ Hán.

Thứ hai, vị Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT đưa ra số liệu xuất khẩu hàng hoá năm 2022 của Việt Nam để phản bác lại quan điểm của nhiều người về việc lo lắng hàng hoá Việt Nam sẽ chết, vì không đủ sức cạnh tranh.

01) Vietnam 339.9 tỷ USD, 83.72%

02) China 3.716 tỷ USD, 22.25%

03) Mỹ 3.012 tỷ USD, 11.18%

04) Japan 921.2 tỷ USD, 22.21%

05) India 770.2 tỷ USD, 21.88%

06) Thailand 325.9 tỷ USD, 65.57%

07) Indonesia 315.9 tỷ USD, 23.4%

08) Malaysia 229.7 tỷ USD, 56.16%

09) Philippines 98.5 tỷ USD, 24.02%

Ông Đỗ Cao Bảo nhận định: "Với số liệu như trên, rõ ràng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam là vượt trội, tỷ trọng xuất khẩu trên GDP lên đến 83.72%. Trung Quốc, công xưởng sản xuất của thế giới thế mà xuất khẩu trên GDP cũng chỉ có 22.25%; Nhật Bản cũng chỉ 22.21%; Mỹ thậm chí chỉ có 11.18%; Ấn Độ, quốc gia cạnh tranh với Việt Nam trong việc lựa chọn đặt nhà máy của Apple và Samsung cũng chỉ có 21.88%; Thái Lan và Malaysia, hai quốc gia mà nhiều người cho rằng vượt trội Việt Nam về sản xuất, thu hút FDI và xuất khẩu cũng chỉ có 65.57% và 56.16%; Indonesia và Philippines còn quanh quẩn 23%-24%".

Có nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhờ doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp Việt thì rất yếu và xuất khẩu rất ít. Ông Bảo khẳng định: "Năm 2023, trong số 354 tỷ USD xuất khẩu thì của FDI là 209 tỷ USD, còn của doanh nghiệp Việt là 145 tỷ USD, chiếm 35.71% GDP. 

Như vậy chỉ riêng tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt đã cao hơn tỷ trọng xuất khẩu của cả FDI và doanh nghiệp nội của các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Riêng giá trị xuất khẩu tuyệt đối của doanh nghiệp Việt còn cao hơn 1.47 lần tổng giá trị xuất khẩu của Philippines".

Số liệu trên Amazon cho thấy doanh nghiệp Việt xuất khẩu gì: Có 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon (doanh số xuất khẩu ước tính đạt 5 tỷ USD); các mặt hàng Việt bán phổ dụng trên Amazon là dệt may, cà phê, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, gia vị cho món ăn, đồ nội thất, đồ nhà bếp, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp (như lông mi giả)…

Doanh nghiệp Việt đứng trước thách thức nhưng cũng coi đây là đòn bẩy

Theo chuyên gia công nghệ, thương mại điện tử Dương Ngô Anh, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hệ thống kho hàng này để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thì cũng là lợi thế lớn, giúp doanh nghiệp Việt bành trướng tại thị trường siêu lớn này là một điều rất đáng để ý.

Trung Quốc sẽ xây một loạt kho hàng thương mại điện tử gần sát biên giới Việt Nam: Chuyên gia phân tích gì?- Ảnh 2.

Việc Trung Quốc xây các tổng kho thương mại điện tử như vậy không chỉ là đe dọa đến doanh nghiệp Việt, mà ở góc độ khác, nó có thể còn là cú hích giúp cho những nhà quản lý, những doanh nghiệp trong ngành nâng cao ý thức, tư duy. Ảnh AFP

Sự xuất hiện của các kho hàng này nhìn theo hướng tích cực lại giúp người tiêu dùng Việt có thêm lựa chọn, từ giá thành tốt hơn đến chất lượng tốt hơn. Mặt khác, nó còn là đòn bẩy với hệ thống logistics trong nội địa Việt Nam phát triển. Các nhà quản lý hay các doanh nghiệp trong nước Việt Nam vẫn cứ mãi chấp nhận chuyện cạnh tranh trong thế yếu ngay trên sân nhà một cách vô lý như vậy. Nếu có ý thức của một người Việt Nam yêu nước và có tâm với sự phát triển của đất nước thì chúng ta buộc phải thay đổi chính mình.

Nhìn từ góc độ khác, để mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển, việc tối ưu hóa môi trường kinh doanh và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế Việt - Trung là rất quan trọng. Do đó, hai bên cần nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực.