Người Việt dùng mạng xã hội, app để nghiên cứu trước rồi mới quyết định "xuống tiền" mua hàng
Người Việt dùng mạng xã hội, app để nghiên cứu trước mới quyết định "xuống tiền" mua hàng
Hồng Phúc - Thanh Vân
Thứ ba, ngày 27/02/2024 15:58 PM (GMT+7)
Người Việt và người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á có xu hướng tìm hiểu trước sản phẩm trên mạng xã hội và các siêu ứng dụng trước khi đưa ra quyết định “xuống tiền” mua chúng.
Ngày 27/2, DoubleVerify (NYSE: DV) - nền tảng đo lường dữ liệu và phân tích truyền thông kỹ thuật số, chia sẻ thông tin về ngành quảng cáo và chất lượng truyền thông tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
DoubleVerify nhận định Việt Nam được xem là một trong những thị trường trọng điểm của lĩnh vực này.
Theo DoubleVerify, truyền thông xã hội và sự nổi lên của hình thức truyền thông phục vụ bán lẻ đang ngày càng mạnh mẽ và góp phần tái định hình chiến lược khai thác các nền tảng kỹ thuật số của giới quảng cáo.
Người Việt dùng mạng xã hội, app để nghiên cứu trước rồi mới quyết định "xuống tiền" mua hàng. Ảnh: Thu Hoài
Cụ thể, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương ứng dụng mạng xã hội ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình mua sắm, từ những khám phá ban đầu cho tới quyết định “xuống tiền” mua chúng.
“Đáng chú ý, tại Việt Nam, có tới 59% người tiêu dùng tin tưởng vào mạng xã hội để nghiên cứu thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng”, bà Corina Trang Luong - Giám đốc Kinh doanh cấp cao của DoubleVerify Việt Nam nói.
Các cuộc khảo sát cho thấy gần 70% người tiêu dùng tại Đông Nam Á dành nhiều thời gian hơn mỗi ngày để xem các nội dung trực tuyến. Đây là cơ hội để các thương hiệu, nhãn hàng tiếp cận khách hàng.
Các siêu ứng dụng cũng đang tạo nên một hiện tượng mới và ngày càng mạnh mẽ. Các sàn thương mại điện tử như Grab, Lazada và Websosanh ngày càng trở nên phổ biến với vai trò như là những kênh khám phá, thậm chí qua mặt của mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Google.
Báo cáo cho thấy, các nhà làm tiếp thị đang hưởng ứng mô hình truyền thông bán lẻ, với 99% nhà tiếp thị tại châu Á Thái Bình Dương có kế hoạch gia tăng chi phí dành cho truyền thông bán lẻ trong 12 tháng tới.
Theo DoubleVerify, trong bối cảnh truyền thông phân tán, các thương hiệu nên có sự đo lượng hiệu quả toàn diện trong những sự kiện trong điểm của bán lẻ như Tết, Black Friday và những dịp lễ hội phù hợp ngành hàng.
Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng được xác định sẽ đem đến những tác động sâu rộng đối với ngành công nghiệp quảng cáo. Cụ thể là khả năng dự đoán của máy học để tối ưu hiệu suất quảng cáo trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Việt Nam là một thị trường đang lớn mạnh với nhiều tiềm năng to lớn trên phương diện kinh doanh kỹ thuật số. Với định vị là thị trường quảng cáo tăng trưởng nhanh thứ 3 tại Đông Nam Á, tăng trưởng của Việt Nam là điều chắc chắn với kỳ vọng đạt gần 2,6 triệu USD trong năm 2024, mở ra cơ hội lớn để các nhà tiếp thị tôis ưu các chiến dịch và mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng”, bà Trang nói.
Bà cũng khuyến khích các nhà tiếp thị tại Việt Nam ưu tiên chất lượng truyền thông, tập trung vào các chỉ số cốt lõi bằng cách đảm bảo xác minh quảng cáo luôn được bật trên tất cả các kênh để bảo vệ khoản đầu tư, tránh nguy cơ lãng phí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.