Ông Nguyễn Huy Thân, ở thôn Tân Lộc, xã Cư Huê, huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk có kinh nghiệm hàng chục năm trồng và chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu. Hiện ông đang có 4ha đất canh tác, trong đó có 2,5ha trồng cà phê xen hồ tiêu, còn lại phần đất thấp, xấu hơn ông chủ yếu trồng ngô.
Trồng cà phê xen hồ tiêu giúp giảm dịch bệnh đáng kể. Video: Quang Sung
“Với 2,5ha trồng xen cà phê và hồ tiêu, vừa rồi tôi thu 5 tấn cà phê nhân, dự kiến thu 4,5 - 5 tấn hồ tiêu”, ông Thân nói.
Vườn của ông Thân được trồng từ năm 2006, chủ yếu là giống cà phê TR9 và TR4, mật độ xen canh cứ hai cây cà phê là một cây hồ tiêu. Do có nhiều năm kinh nghiệm trồng hai loại cây này nên ông Thân không gặp quá nhiều khó khăn. Theo ông Thân, chỉ sợ nhất những lúc thời tiết cực đoan, mưa, hạn thất thường làm giảm năng suất cây trồng.
“Trồng xen canh có lợi ích là giảm dịch bệnh. Nói riêng về cây tiêu, trồng thuần cây tiêu nó có thể bị chết hàng loạt, nhưng trồng xen thì tỷ lệ cây tiêu bị chết rất ít, có chết nhưng chết lác đác, trụ nào chết trụ đấy, không xảy ra chết hàng loạt”, ông Thân cho hay.
Hiện, vườn cà phê xen hồ tiêu của ông Thân đang tham gia chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên.
“Khi tham gia chương trình canh tác cây cà phê thông minh tôi học được cách bón phân, tỉa cành, chồi, tưới nước… Lúc đầu tham gia được hướng dẫn cách bón phân giữa mùa khô và mùa mưa và các cách phòng chống nấm bệnh, rong tỉa cành để lấy ánh sáng cho cây quang hợp”, ông Thân nói.
TS Trương Hồng – nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, mô hình trồng xen tiêu trong cà phê khi tham gia chương trình canh tác thông minh sẽ được can thiệp các yếu tố như: bón phân, tưới nước, quản lý bảo vệ thực vật… Đồng thời hỗ trợ tập huấn cho nông dân canh tác cà phê đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
“Quá trình sản xuất nông nghiệp sẽ phát thải carbon, những vườn trồng xen như thế này sẽ giúp hấp thụ, làm giảm phát thải carbon tốt hơn”, TS Hồng nói.
Cây hồ tiêu là một loại cây trồng nhạy cảm, khó chăm sóc, dễ bị tấn công bởi dịch hại. Do đó khi trồng xen với cây cà phê, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên thường xuyên theo dõi dịch bệnh, tránh để tình hình dịch bệnh lan từ loại cây trồng này sang loại cây trồng khác.
ThS Đỗ Văn Chung - Phó trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết, cây hồ tiêu thường gặp những loài sâu bệnh như: rầy thánh giá, rệp, bọ xít muỗi… và những loài côn trùng cắn phá, do đó phải phun thuốc.
“Tuy nhiên, khi phun chúng ta cần tìm những gốc thuốc mát, vì thuốc nóng sẽ làm cho quá trình sinh trưởng phát triển của chuỗi tiêu không được tốt, bị hạn chế chiều dài. Giai đoạn ra bông là giai đoạn nhựa rất nhiều nên sâu bệnh thường gây hại”, ThS Chung cho biết.
Khi đưa thuốc bảo vệ thực vật vào cây hồ tiêu sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và ảnh hưởng đến các loại côn trùng giúp cây tiêu thụ phấn.
“Khi chúng ta xịt thuốc, côn trùng nghe mùi sẽ không tới, mặc dù vẫn có gió giúp cây thụ phấn, nhưng hiệu quả không cao. Hoặc chúng ta nên phun thuốc sau thời điểm trổ bông 1 - 2 ngày, hoặc chúng ta xịt phòng trước 2 - 3 ngày khi trổ bông khi đó không ảnh hưởng. Bà con cần quan sát hằng ngày trên vườn, để kịp thời xử lý”, ThS Chung khuyến cáo.
Lợi ích của mô hình trồng xen cà phê và hồ tiêu phần nào giúp giảm dịch bệnh trên cả hai loại cây này. Việc cây cà phê được trồng cạnh cây hồ tiêu giúp san sẻ thức ăn cho các loài gây bệnh, nhất là bệnh tuyến trùng.
“Bệnh tuyến trùng sẽ ăn cây này một ít, cây kia một ít. Hoặc những vườn hồ tiêu trồng thường, không diệt cỏ, bộ rễ của cỏ sẽ san sẻ bệnh với cây hồ tiêu, đồng thời kích hoạt tuyến vi sinh vật trong đất có lợi. Từ đó tạo điều kiện phát triển bộ rễ tiêu, tăng sức đề kháng, sinh trưởng phát triển tốt”, ThS Chung chia sẻ thêm.