Ngành hồ tiêu vượt rào cản quy định dư lượng 513 hoạt chất của châu Âu và "sức ép" của cây sầu riêng

Thiên Ngân Thứ hai, ngày 27/11/2023 12:46 PM (GMT+7)
Đến ngày 20/11, thị trường châu Âu đã đưa ra quy định về mức MRLs (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với 513 hoạt chất trên hạt tiêu; Mỹ cũng quy định 8 hoạt chất. Điều đáng mừng là đến hết năm 2023, có khoảng 60% sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đạt yêu cầu về dư lượng.
Bình luận 0

Châu Âu quy định mức dư lượng tới 513 hoạt chất trên cây tiêu

Năm 2023, EU đã đưa ra quy định mới về dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm, cụ thể là các sản phẩm nông sản, thực phẩm như rau, củ, quả tươi và đông lạnh; Nhóm các loại hạt điều, cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn thịt các loại, trứng sữa, mật ong…

Mức MRL các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. Tuy nhiên, EU cũng đưa ra mức quy định dư lượng MRL của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như: Rau, củ, rau gia vị, thịt và nội tạng động vật.  

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, tính đến 20/11, thị trường châu Âu đã đưa ra quy định về mức MRLs (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với 513 hoạt chất trên hạt tiêu; Mỹ cũng quy định 8 hoạt chất. Trong đó, tháng 9/2023, Hiệp hội Thương mại gia vị Hoa Kỳ (ASTA) đã đề xuất mức MRLs cho Acetamiprid (tiêu đen + trắng) là 0.1 ppm. Tháng 11/2023, ASTA đề xuất mức MRLs cho Azoxytrobin (tiêu đen): 0.1 ppm. 

Ngành hồ tiêu vượt rào cản quy định dư lượng 513 hoạt chất của châu Âu và "sức ép" của cây sầu riêng  - Ảnh 1.

Tính đến 20/11, thị trường châu Âu đã đưa ra quy định về mức MRLs (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với 513 hoạt chất trên hạt tiêu. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhận thức quy định về MRLs đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có hạt tiêu tại các thị trường lớn sẽ ngày càng khắt khe, từ năm 2015, Nhóm công tác Đối tác công - tư (PPP) về hồ tiêu đã được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ nông dân sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. 

Ngày 27/9/2023, Bộ NNPTNT chính thức ra Quyết định số 3970 về việc điều chỉnh quyết định thành lập Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị, được đồng chủ trì bởi Cục Bảo vệ thực vật, Cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam và Tổ chức IDH Việt Nam.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, Chiến lược hợp tác công tư PPP về hồ tiêu giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 70% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt yêu cầu về dư lượng của nước nhập khẩu; 25.000 nông dân trồng tiêu được tập huấn, đào tạo về bảo vệ thực vật; 75.000 tấn hồ tiêu đạt yêu cầu về sản xuất bền vững và 25% nông dân sản xuất hồ tiêu tăng thêm 20% thu nhập.

Ngoài những mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030. Theo đó, việc sản xuất nông nghiệp không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường. 

Theo ông Dương, thời gian qua Nhóm PPP về hồ tiêu và gia vị đã hoạt động tích cực, sôi nổi và có hiệu quả, trong đó nhấn mạnh vào việc tập huấn cho nông dân canh tác bền vững, giảm sử dụng thuốc BVTV; liên kết sản xuất an toàn; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, hồ tiêu hữu cơ, bền vững, giảm phát thải…

Ngành hồ tiêu vượt rào cản quy định dư lượng 513 hoạt chất của châu Âu và "sức ép" của cây sầu riêng  - Ảnh 2.

Nông dân xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Hiền

Bà Nguyễn Thị Quyên - Quản lý Chương trình, IDH Việt Nam cho biết, nhờ sự can thiệp tích cực Nhóm công tác Đối tác PPP, cũng như sự hưởng ứng của người nông dân trong nhận thức và thay đổi tập quán canh tác, tỷ lệ các hoạt chất cấm sử dụng trên cây hồ tiêu giảm qua các năm. Theo kết quả đánh giá thì ước tính đến cuối năm 2023, với sự nỗ lực của các bên, cũng như sự tham gia của người nông dân, mục tiêu này đã đạt những kết quả ấn tượng.

Ước tính đến hết năm 2023, có 60% sản lượng hồ tiêu đạt yêu cầu về dư lượng; 10% nông dân trồng tiêu tăng 20% thu nhập; 8.000 nông đân được tập huấn, tiếp cận dịch vụ nông nghiệp. Đặc biệt, có 120.000 tấn hạt tiêu được sản xuất bền vững và 15% giảm lượng nước sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính.

Chia sẻ về hoạt động của Nhóm công tác Đối tác Công tư PPP đối với cây hồ tiêu trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay cả nước đã có 16 tỉnh ban hành kế hoạch IPHM. Mục tiêu đến năm 2025, Cục sẽ phối hợp với tổ chức Sáng kiến Gia vị Bền vững (SSI); Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) thực hiện hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất hồ tiêu bền vững tại Việt Nam thông qua việc quản lý, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm/Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các đối tác công và tư nhằm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu để đáp ứng yêu cầu thị trường. Hợp tác với CropLife sản xuất và phát hành 15 clip hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. 

Thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn/Tăng cường chính sách và năng lực của các đối tác công nhằm nhân rộng quy mô sản xuất hồ tiêu bền vững; kêu gọi các doanh nghiệp phân bón xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ ở Đăk Lăk, Đăk Nông. Giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hồ tiêu xuất khẩu.

Ngành hồ tiêu lo thất thế trước sức ép của cây sầu riêng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, nhiều năm qua Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, chiếm 11% thị phần toàn cầu năm 2022, trong đó mặt hàng hồ tiêu và quế Việt Nam đang đứng số 1 toàn cầu.

Tuy nhiên, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2020 diện tích trồng cây hồ tiêu hơn 130.000ha, năm 2023 giảm còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn.

Nguyên nhân tình trạng trên do giá tiêu ở mức thấp trong thời gian dài, trong khi đó, việc trồng sầu riêng đang cho lợi nhuận rất hấp dẫn. Theo kết quả khảo sát trên 450 hộ trồng tiêu, lợi nhuận của cây hồ tiêu đạt khoảng 2.000 USD/ha, trong khi những hộ trồng sầu riêng thu lợi nhuận cao gấp 20 lần, tức hơn 40.000 USD/ha. 

Cây sầu riêng được ví là cây tiền tỷ, đem lại lợi nhuận quá hấp dẫn khiến ở một số nơi diễn ra tình trạng nông dân chặt bỏ hồ tiêu để trồng sầu riêng. Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) bày tỏ lo ngại, tình trạng trên về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tới sản lượng hồ tiêu - mặt hàng Việt Nam đang đứng số 1 thế giới về xuất khẩu. 

"Nếu tình trạng chặt phá diễn ra mạnh, khả năng các doanh nghiệp phải tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Campuchia, Brazil... Việc tăng nhập sẽ khiến ngành hồ tiêu trong nước gặp bấp bênh, rủi ro do không chủ động được sản xuất, khó kiểm soát chất lượng, từ đó ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu", bà Liên nhận định.

Do đó, bà Hoàng Thị Liên đề nghị ngành hồ tiêu cần tiếp tục triển khai dự án Dư lượng thuốc BVTV dựa trên tiêu chuẩn MRLs của US, EU; theo đuổi Chương trình phát triển bền vững ngành hồ tiêu; Tiếp tục thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc ngành hồ tiêu... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem