Thôn Lao Tô Chải (xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Phù Lá, với những ngôi nhà đất lợp mái ngói âm dương cổ kính nằm chênh vênh trên sườn núi.
Điều kỳ lạ là giữa vùng đất được coi như “sa mạc” vì thiếu nước, chủ yếu là núi đá, cây cối không mọc được, lại có một khu rừng cổ thụ xanh tốt quanh năm như bức trường thành khổng lồ che chắn cho thôn.
Anh Guàng Ngấn Xá, Trưởng thôn Lao Tô Chải bảo đó là khu rừng cấm của thôn, bình thường không ai dám vào rừng chặt cây, lấy củi, kể cả những cành cây gãy mục.
Người Phù Lá tin rằng, ở đây có thần rừng cai quản, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt. Tháng Giêng và tháng 6 âm lịch hằng năm, cả thôn góp tiền mua lợn, gà dâng cúng thần rừng.
Vì thế, hàng trăm năm nay, khu rừng vẫn còn những cây cổ thụ như nghiến, sến, lát hoa mấy người ôm không xuể.
Anh Xá dẫn chúng tôi vào khu rừng bí ẩn. Khung cảnh khu rừng thâm u, hoang sơ, vắng vẻ với những cây cổ thụ rêu xanh, rễ cây như những con trăn mốc khổng lồ trườn qua vách đá.
Đặc biệt, ngay cạnh khu rừng, ở gần miếu thờ thần rừng có một con hổ đá được đặt trên bệ lớn. Theo quan sát của chúng tôi, con hổ đá được tạc đơn giản, gồm đầu, 4 chân, thân và đuôi. Trải qua thời gian, trên thân hổ đá bám đầy rêu mốc.
Anh Xá cho biết: Các cao niên trong thôn bảo, con hổ đá này có ở đây từ rất lâu rồi. Người Phù Lá từ thời xưa đặt hổ đá ở đây hướng về phía ngọn núi đá trắng phía trước để ngăn chặn những điều xấu, xua tan hắc ám, bảo vệ thôn, bản luôn bình yên, mọi người mạnh khỏe.
Con hổ đá là “báu vật” của thôn, dù để đây hàng trăm năm nhưng không ai dám di chuyển hoặc mang đi chỗ khác.
Đồng bào Phù Lá ở Lao Tô Chải tin rằng, nhờ có hổ đá bảo vệ nên thôn Lao Tô Chải luôn yên bình, nhà nhà chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi.
Lao Tô Chải là “vựa bò” của huyện Mường Khương, mỗi gia đình có 3 - 5 con bò. Thêm một điều đặc biệt là giống bò ở Lao Tô Chải cũng cao lớn hơn hẳn những nơi khác, được nhiều người tìm đến mua về làm giống.
Chúa sơn lâm bảo vệ mùa màng
Trong các địa phương trên địa bàn tỉnh, Bát Xát là huyện duy nhất có đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, tập trung chủ yếu ở các xã Y Tý, A Lù, Nậm Pung, Trịnh Tường, trong đó xã Y Tý có nhiều người Hà Nhì nhất, chiếm trên 50% dân số toàn xã.
Các thôn của người Hà Nhì có không gian văn hóa với nhà trình tường đất lợp 4 mái, tựa lưng vào núi, nhìn ra cánh đồng ruộng bậc thang trùng trùng, điệp điệp. Từ bao đời nay, ruộng bậc thang trồng lúa là nguồn sống của người Hà Nhì.
Đến thôn Lao Chải, thôn Choản Thèn của xã Y Tý, khi tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người Hà Nhì, chúng tôi được nghe truyền thuyết: Ngày xưa, cuộc sống của người Hà Nhì đang no ấm thì xảy ra mất mùa liên miên. Các già làng bảo rằng trên đỉnh ngọn núi đá cao nhất vùng vẫn được gọi là núi Ngựa có một con ngựa thần thường xuyên bay xuống phá hoại lúa, ngô.
Vì thế, dân làng đã dùng những con hổ đá (gọi là hà gừ) đặt đối diện với đỉnh núi ngăn ngựa thần xuống, hằng năm tổ chức lễ cúng thần ngựa. Từ đó, mùa màng tươi tốt trở lại.
Truyền thuyết không rõ thực hư thế nào, nhưng hiện nay ở Y Tý vẫn còn 3 con hổ đá như thế. Vào mùa xuân, khi hoa đào nở rực rỡ, người Hà Nhì vẫn làm lễ cúng thần ngựa trong lễ hội Mu Thu Do, tháng 6 thì tổ chức lễ hội Khô Già Già.
Anh Phu Đo Xe - người dân thôn Lao Chải - dẫn tôi vượt qua những triền ruộng bậc thang xuôi về hướng cầu Thiên Sinh để “mục sở thị” con hổ đá.
Con hổ đá có bề ngoài vừa giống hổ, vừa giống sư tử, được đục từ đá nguyên khối, đặt trên một bệ đá hình chữ nhật, gần đó có ngôi mộ đá cổ. Con hổ đá há miệng nhìn về phía đỉnh núi cao nhất vùng.
Theo anh Phu Đo Xe, hổ đá là vật thiêng của thôn nhưng rất hiền lành, người dân rất quý hổ đá, khi qua đây thường đặt vào miệng hổ đá nắm rau, nắm cỏ, quả ổi, củ khoai. Trẻ chăn trâu cũng thường trèo lên hổ đá cưỡi chơi nhưng không bị ốm, đau.
Sang thôn Choản Thèn, chúng tôi thấy 2 con hổ đá được đặt song song với nhau hướng về phía đỉnh núi Ngựa.
So với con hổ đá ở Lao Chải thì 2 con hổ đá này chạm trổ đơn giản hơn, các đường nét thô sơ, không cầu kỳ. Một con hổ đá còn nguyên vẹn, còn một con bị vỡ mất phần đầu và được bà con đắp lại bằng xi măng.
Già làng ở đây kể chuyện, mấy năm trước, có người cả gan mang một con hổ đá về nhà, sau đó cả làng đến đòi lại đặt vào vị trí cũ. Khi hổ đá đã yên vị, trời đang nắng bỗng đổ một trận mưa to, sấm sét vang trời. Mưa tạnh, bầu trời lại quang đãng như chưa có gì xảy ra.
Chuyện về hai con nghê đá ở đền Si Ma Cai
Cũng trong câu chuyện về những con hổ đá ở vùng cao Lào Cai, gần đây chúng tôi có lần đến thị trấn Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai).
Qua chợ Si Ma Cai khoảng 1 km, nhìn lên phía tay phải là đền Si Ma Cai khang trang, nơi người dân thờ chúa Thượng ngàn. Trước đây, ngay phía dưới ngôi đền là ngôi miếu cũ, chỉ còn lại phế tích là một phần mái ngói âm dương, bức tường bằng đất nứt nẻ, chân tường xếp bằng đá xanh xẻ vuông vắn, chiếc bia đá cao 1,5 m khắc chữ Hán cổ.
Đặc biệt, hai bên cổng miếu là hai con nghê đá nhìn hình dáng khá đặc biệt. Hai con nghê được đục từ đá nguyên khối, cao khoảng 1 m, phần đầu và thân khá lớn, chạm hoa văn tròn và sọc thẳng, sọc chéo, chân đặt lên quả cầu, nhìn vừa giống sư tử, vừa giống hổ.
Theo văn hóa tâm linh của người Việt, nghê đá là linh vật, thường được đặt ở cổng đền, miếu mang ý nghĩa trấn yểm, xua đuổi tà khí, mang lại sự bình yên, may mắn.
Hai con nghê đá ở cổng miếu cổ Si Ma Cai gắn với những câu chuyện bí ẩn. Người dân ở đây vẫn kể cho nhau nghe, có lần, một đơn vị trên địa bàn huyện thấy hai con nghê đá đẹp ở miếu hoang đã đem về đặt tại cổng đơn vị. Ít lâu sau, không hiểu sao đơn vị xảy ra chuyện không hay.
Có thể đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nhiều người tin rằng đó là báo ứng cho kẻ dám tự ý lấy hai con nghê đá. Sau đó, hai con nghê được trả về vị trí cũ ở cổng miếu.
Ông Tô Văn Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Si Ma Cai cho biết: Nhờ một số người có uy tín, thông thạo chữ Hán cổ dịch bia đá, chúng tôi biết được miếu tên là Vạn Phúc, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 14, triều Nguyễn, cách đây khoảng 160 năm.
Cách đây 3 năm, đền Si Ma Cai được tôn tạo với kinh phí 4 tỷ đồng do người dân trong vùng đóng góp và kêu gọi xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân. Năm 2018, đền Si Ma Cai được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trở lại câu chuyện về những con hổ đá ở vùng cao Lào Cai, không bàn sâu về những điều bí ẩn chưa có lời giải, nhưng những con hổ đá phần nào là hiện thân của nét văn hóa trong cộng đồng các dân tộc vùng cao.
Những con hổ đá dù ở đâu cũng mang ý nghĩa xua tan tà khí, ngăn chặn điều xấu, điều ác, bảo vệ cộng đồng, thể hiện mơ ước của Nhân dân về một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Ngày nay, hình tượng con hổ còn là biểu tượng cho khát vọng về sức mạnh dân tộc, sự bứt phá của một nền kinh tế thịnh vượng.