Hang động Tả Phìn trong lòng núi ở Sa Pa của Lào Cai có gì huyền ảo mà người ta muốn xem?
Một hang động nằm sâu trong lòng núi ở Sa Pa của Lào Cai có gì huyền ảo mà người ta muốn xem?
Thứ bảy, ngày 26/08/2023 05:11 AM (GMT+7)
Nằm sâu trong lòng ngọn núi được người dân đặt tên là Trị San Kỳ, từ bao đời nay, hang động Tả Phìn (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) gắn bó, chở che cho những bản làng người Dao đỏ.
“Siếp tẩy!”, “Siếp tẩy!” (có nghĩa là: Nhanh lên, nhanh nữa lên). Những tiếng gọi dồn dập, vội vàng vắt từ mái nhà này sang mái nhà kia vang lên vào một ngày lạnh cắt da thịt của tháng 2/1979. Lý Sà Seng khi ấy 16 tuổi, nghe theo lời thúc giục của mẹ cha vội vàng khiêng vác đồ đạc về phía góc thôn.
Cậu bé nhỏ con cùng anh em khiêng bao thóc, vẹo xiêu đi trên đường mà lòng đầy hoang mang, thấp thỏm. Dọc đường đi, cậu bé Seng thấy những người Dao trong xóm đội 4, xã Tả Phìn (nay là thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) vội vàng chuyển đồ với khuôn mặt hớt hải và những bước đi đầy vội vã.
Tiếng súng, tiếng pháo của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979 khiến bản làng người Dao phải đi sơ tán. Điểm đến của họ là một động ở góc thôn và những cánh rừng âm u quanh đó.
Những gia đình người Dao chạy về đây chỉ mang theo lương thực và vật dụng cần thiết nhất. Tất cả đều được giấu trong động nằm sâu trong lòng đất mà nhìn từ bên ngoài chẳng mấy ai phát hiện ra, bởi tán đa khổng lồ che chắn ngay cửa động, đá cheo leo xung quanh và cây rừng chằng chịt che khuất.
Nhắm mắt lại, hình ảnh về xóm người Dao trong buổi sơ tán cách đây hơn 40 năm, trên tay người mẹ có khi chỉ kịp dắt đứa con, trên vai người cha chỉ mang vội bao thóc, cùng những ánh mắt mơ hồ, nỗi nơm nớp sợ mỗi khi nghe tiếng pháo vang vẫn còn in đậm trong tâm trí của ông Lý Sà Seng hôm nay.
Ngược về năm tháng ấy, ông Seng kể: Xóm đội 4 năm xưa chỉ chừng có hơn chục nóc nhà của người Dao. Thời điểm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới diễn ra căng thẳng nhất, cái động ở góc thôn trở thành nơi trú ẩn an toàn, cất giữ lương thực.
Để tránh bị phát hiện, đoàn người sơ tán chia đi nhiều ngả, có người trốn trong hang, có gia đình trốn trong cánh rừng cạnh đó. Nước trong hang có sẵn bởi mạch nước ngầm, nhưng nấu cơm thì bà con chỉ dám tranh thủ nấu thật nhanh ở bìa rừng phía ngoài, đèn dầu thắp chỉ để leo lét để dò dẫm đường đi khi cần.
Khi vắng tiếng súng, bà con tranh thủ về nhà, cho con lợn, con gà ăn rồi lại vội vàng về nơi trú ẩn. Những ngày cơ cực, vất vả ấy rồi cũng qua. Hôm nay, bản làng người Dao đang viết lên một nhịp sống mới, còn hang động Tả Phìn vẫn lặng lẽ, trầm mặc giữa đất trời, trong vòng xoay vô hạn của tháng năm.
Ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 1979 và những đổi thay đến ngỡ ngàng của bản người Dao ở Tả Phìn hôm nay đã thôi thúc tôi tìm hiểu về mảnh đất và con người, nhìn rõ hơn sợi dây liên kết, móc nối vô hình mà đầy bền chặt giữa thiên nhiên và tộc người chốn này.
Trong hành trình ấy, tôi có dịp gặp gỡ nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, người có uy tín trong cộng đồng người Dao ở Tả Phìn. Giọng nói trầm trầm, dễ nghe, ông Siệu bắt đầu kể: Trong cuộc thiên di lịch sử của mình, người Dao đỏ đã chọn mảnh đất có núi cao, rừng xanh để tựa lưng, có lòng thung trải dài để làm ruộng nương cày cấy. Tả Phìn dịch nghĩa là bãi rộng bằng phẳng.
Tên gọi này xuất phát từ địa thế trập trùng núi cao bao bọc xung quanh, nhưng trung tâm xã lại phân bố trong lòng một thung lũng, có nhiều cánh đồng rộng lớn và bằng phẳng. Động Tả Phìn nằm sâu trong lòng một ngọn núi.
Ngọn núi này được người Dao gọi là Trị San Kỳ, nghĩa là núi đồi đằng sau, chỉ vị trí của ngọn núi nằm sau những bản làng của người Dao đỏ. Mãi sau này, tên của động được đặt theo địa danh của vùng đất.
Hang động Tả Phìn, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, (tỉnh Lào Cai) nằm sâu trong lòng ngọn núi được người Dao đỏ đặt tên là Trị San Kỳ.
Thuở xưa, hang động này ít người qua lại mà chỉ là nơi trú ngụ của loài dơi. Người dân trong mỗi chuyến đi rừng trên núi Trị San Kỳ để tìm cây thuốc đều đi ngang qua cửa động, nhưng ít khi ghé vào.
Sau này, động Tả Phìn gắn với một số sự kiện lịch sử về truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc nơi đây.
Lịch sử Đảng bộ Sa Pa có lưu lại nhiều thông tin: Sa Pa sau ngày giải phóng hoàn toàn (3/11/1950), Nhân dân phấn khởi tiếp tục củng cố hậu phương, phá âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp.
Ở Sa Pa, thực dân Pháp thả dù lương thực, vũ khí, đạn dược và quân biệt kích xuống chủ yếu ở khu Séo Mý Tỷ và Cửa Cải, sau mở rộng ra nhiều khu vực khác để tiếp tế cho lực lượng phỉ ở cả khu vực, trong đó có Tả Phìn.
Quyết tâm tiêu diệt địch, quân ta đã mở nhiều đợt tấn công khiến bọn phỉ buộc phải phân tán, lén lút hoạt động. Thời gian này, bọn phỉ dùng động Tả Phìn làm kho cất giấu vũ khí, lương thảo mà thực dân Pháp tiếp viện. Tháng 5/1955, chiến dịch tiễu phỉ ở Lào Cai kết thúc, bọn phỉ rút khỏi động Tả Phìn, lẩn trốn vào sâu trong rừng.
Ông Lý Quang Sì có 16 năm trông coi động Tả Phìn, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, (tỉnh Lào Cai).
Tiếp đó, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979, động Tả Phìn trở thành nơi trú ẩn của người dân, đồng thời là nơi nuôi giấu bộ đội, cất giấu vũ khí của ta. Tháng 7/2015, người dân Tả Phìn trong lúc làm nương đã phát hiện một hốc đá nhỏ có nhiều ống nhựa màu trắng bên trong chứa các đầu đạn B40.
Đây là loại vũ khí mà bộ đội ta đã cất giấu trong chiến sự tháng 2/1979, với 64 quả đạn còn nguyên vẹn. Với địa hình núi đá gập ghềnh, ẩn sâu trong lòng núi, qua từng thời kỳ kháng chiến, động Tả Phìn luôn là cứ điểm quan trọng trong vị trí chiến lược quân sự, là “chứng nhân” lịch sử của một vùng đất, một giai đoạn, thời kỳ.
Trải qua hàng triệu năm kiến tạo trong lòng ngọn núi đá vôi và những biến thiên của thời cuộc, động Tả Phìn chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học và xuất hiện trong câu chuyện truyền đời của đồng bào Dao đỏ. Năm 2017, động Tả Phìn được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh, đánh dấu một mốc mới.
Thế giới nhũ đá muôn hình vạn trạng trong lòng hang động Tả Phìn.
Cũng như nhiều hang động khác, động Tả Phìn là nơi bảo tồn, lưu giữ các mảng nhũ đá đẹp mà tạo hóa ban tặng, sự hài hòa và cả những đặc trưng. Bằng sự nhiệt tình sẵn có và sự tự hào của một người con dân tộc Dao về di tích của quê hương, ông Lý Quang Sì với 16 năm trông coi động Tả Phìn dẫn tôi đi khám phá thế giới nhũ đá trong hang.
Chỉ với hệ thống đèn ít ỏi được lắp trong hang cùng chiếc đèn pin trong tay, ông Sì chỉ rõ từng vị trí của những khối nhũ đá đặc biệt. Có khối nhũ mang hình hoa lá, có chỗ lại khiến người ta liên tưởng đến tấm rèm mà tạo hóa kỳ công làm ra.
Ở vách hang có những dải nhũ đá nhỏ bám vào nhau, buông xuống gần nền hang tựa như dải đăng ten nơi viền áo của thiếu nữ. Những mạch nước ngầm đôi chỗ vẫn tí tách chảy như thêm phần gọt dũa, gợi lên sự trong lành vô tận giữa lòng đất mẹ.
Đồng bào Dao đỏ hái lá thuốc bên cánh rừng cạnh động Tả Phìn.
Giờ đây, Tả Phìn trở thành điểm sáng về du lịch cộng đồng. Trong hành trình khám phá đất và người nơi đây của du khách không thể không kể đến hang động Tả Phìn.
Ngoài việc chiêm ngưỡng kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng, khách du lịch muôn phương còn được nghe chuyện được viết lên bởi thăng trầm của năm tháng. Từ hang động vô tri ngủ sâu trong lòng đất, một thời nuôi giấu bộ đội, chở che cho những người con của đồng bào Dao trong ngày chiến tranh gian khó, nay động Tả Phìn trở thành điểm đến độc đáo.
“Lớp nhũ đá mang đầy giá trị khoa học của động Tả Phìn có thể nhìn bằng mắt, nhưng giá trị văn hóa, lịch sử thì chỉ người Dao nơi đây mới hiểu rõ. Mỗi khi dẫn du khách tham quan, khám phá động, tôi đều lồng ghép chuyện cũ để kể, giúp du khách có thêm thông tin”, ông Lý Quang Sì nói.
Hang động Tả Phìn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Nghệ nhân Tần Vần Siệu mừng vui nói rằng, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng người Dao đỏ không bao giờ quên ơn núi Trị San Kỳ và động Tả Phìn hàng nghìn năm tuổi luôn trầm mặc canh đất giữ trời, bao bọc cho bản làng đời đời kiếp kiếp.
Từ dấu xưa đã qua, người Dao đỏ hôm nay vẫn kể cho con cháu câu chuyện ông cha về tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống. Trong phát triển du lịch, người Dao đỏ nhắc nhau và truyền lời tới du khách ý thức giữ gìn di tích để món quà mà đất trời ban tặng, “chứng nhân” lịch sử nơi núi Trị San Kỳ còn mãi với thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.