Dân Việt

Cải cách tiền lương: Lý do bỏ tính lương theo hệ số, thay vào đó là mở rộng quan hệ tiền lương

Thùy Anh 10/03/2024 14:00 GMT+7
Cải cách tiền lương được hiểu là cuộc cải cách có quy mô rộng lớn, làm thay đổi toàn diện bộ mặt toàn bộ hệ thống tiền lương của cả khu vực công, tư. Để cải cách toàn diện đương nhiên phải bỏ cách tính lương theo hệ số thay vào đó là mở rộng quan hệ tiền lương.

Cải cách tiền lương khu vực công tiệm cận với khu vực tư

Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ trực tiếp thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Theo đó, để xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm, xây dựng thang bảng lương Nghị quyết số 27 nêu rõ sẽ bỏ tính lương theo hệ số lương, đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương với nhóm tính lương cho công chức, viên chức.

Điểm c tiểu mục 3.1 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định cụ thể 3 nội dung khi cải cách tiền lương. Theo đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) thì xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới; bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới; thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.

cải cách tiền lương

Tiền lương của khu vực công sẽ tiệm cận dần với khu vực tư. Ảnh: N.T

Đồng thời trong Nghị quyết cũng chỉ rõ, xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.

Đặc biệt, nghị quyết nêu rõ, mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.

Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.

Như vậy, Nghị quyết 27 quy định rõ một trong các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới khi thực hiện cải cách tiền lương đó là mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương mới chứ không sử dụng hệ số lương để tính số tiền lương cụ thể.

Quan hệ tiền lương được nới rộng gấp nhiều lần khi cải cách tiền lương

Như trên nêu, cải cách tiền lương nhằm mục đích đưa tiền lương của khu vực công tiệm cận với tiền lương của khu vực tư. Hiện nay khu vực tư đang áp dụng mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng thấp nhất là 3,9 triệu đồng, nhưng mức này được điều chỉnh hàng năm. Vì vậy nếu lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.

cải cách tiền lương

Hệ số tiền lương có thể được nới rộng. Tiền lương thực tế của công chức, viên chức có thể tăng thêm 30%. Ảnh: N.T

Để tiền lương khu vực công tiệm cận được tiền lương khu vực tư thì tiền lương của công chức, viên chức phải được mở rộng quan hệ tiền lương. Nghị quyết 27 đặt mục tiêu nới rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.

Theo đó, mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) được nới rộng từ hệ số 10 lên 12.

Trước đó, các chuyên gia tiền lương cũng cho rằng, việc tính lương theo hệ số như hiện nay khiến cho tiền lương còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Việc quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Do đó, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương được xem là cần thiết khi thiết kế bảng lương mới.