Cải cách tiền lương theo vị trí việc làm thay đổi thu nhập ra sao?

Thùy Anh Thứ năm, ngày 22/02/2024 09:40 AM (GMT+7)
Cải cách tiền lương mục tiêu chính là thay đổi thu nhập của người lao động. Việc xếp lương theo vị trí việc làm được thực hiện dựa trên một số nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo tiền lương của công chức, viên chức được cải thiện.
Bình luận 0

Vị trí việc làm khác nhau, tiền lương khác nhau khi cải cách tiền lương

Điều này được thể hiện khi thực hiện cải cách tiền lương, trung ương xác định phải xây dựng 5 bảng lương. Trong đó có 2 bảng lương áp dụng cho khu vực công. Một bảng lương của người làm vị trí quản lý, lãnh đạo.

Cụ thể Nghị quyết 27 về Cải cách tiền lương xác định xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Bảng lương này do Bộ Nội vụ xây dựng.

Yêu cầu của bảng lương này là phải thiết kế được vị trí việc làm phân cấp. Đảm bảo tiền lương của người giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn phải có mức tiền lương cao hơn người có chức vụ thấp hơn.

cải cách tiền lương

Vị trí việc làm của công chức, viên chức sẽ quyết định tới mức lương của lao động này. Ảnh: Nguyệt Tạ

Bảng lương thứ 2 là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương khác nhau.

Việc xếp lương phải thực hiện dựa trên nguyên tắc, cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Xây dựng vị trí việc làm phải đảm bảo khoa học, tiền lương không được thấp hơn tiền lương hiện có khi cải cách tiền lương 

Một trong những yêu cầu khi thực hiện cải cách tiền lương là tiền lương sau cải cách của nhóm công chức, viên chức phải đảm bảo tăng ít nhất 30%. Thực tế, có những ngành, những vị trí mức tiền lương có thể lên tới 30 triệu đồng. Mức lương sau cải cách cũng phải đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện nhận.

Tiền lương mới cắt hết các khoản phụ cấp, nhưng ngược lại sẽ được tính toán dựa trên vị trí việc làm. Vị trí này sẽ phụ thuộc vào việc công chức, viên chức đó có giữ chức vụ quản lý không?, vị trí việc làm đó như thế nào? Lao động làm có kinh nghiệm gì không?, bằng cấp là gì…

cải cách tiền lương

Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm sắp xếp vị trí việc làm, ban hành thang bảng lương. Ảnh: N.T

Sau khi tính toán được vị trí việc làm cụ thể trong đơn vị thì tổ cải cách tiền lương sẽ từ đó tạo ra được các bảng lương. Tất nhiên, bảng lương này không phải sẽ ấn định suốt đời cho một công chức, viên chức mà vẫn sẽ được điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng nói, định kỳ hàng năm sau cải cách tiền tiền lương sẽ thực hiện tăng lương. Mức tăng từ 5-7%, điều này nhằm đảm bảo mức lương bù được mức trượt giá.

"Thời điểm này cả nước đã hoàn thành vị trí việc làm, đặc biệt trong 332 vị trí chức danh từ trung ương tới địa phương", bà Trà nói.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết thêm, Bộ Nội vụ đã tham mưu vị trí việc làm trong Ban cải cách tiền lương để Trung ương và địa phương ban hành sớm vị trí việc làm nhằm phục vụ cho việc cải cách tiền lương vào đầu tháng 7 tới đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem