Khoản bồi thường được tính dựa trên dữ liệu vệ tinh đo lường cấp của bão và khoảng cách từ cơn bão đến tài sản được bảo hiểm, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc của Bảo Minh, cho biết.
Với tên gọi "Bảo hiểm chỉ số bão", dịch vụ này nhằm bảo vệ nông dân trồng keo tại Việt Nam giảm bớt gánh nặng do bão gây ra, ông Anh cho biết tại Lễ ra mắt sản phẩm vào ngày 7/3 tại TP.HCM.
Phó Tổng Giám đốc của Bảo Minh cho biết sản phẩm mới cũng sẽ được áp dụng các loại cây lâm nghiệp khác.
Ông Dale Schilling, Tổng Giám đốc Hillridge, cho biết doanh nghiệp ông nhận thấy quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến Việt Nam chịu nhiều mưa bão hơn trước đây, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như lũ lụt và lở đất. Vì vậy Hillridge và Bảo Minh bắt đầu hợp tác với nhau vào năm 2023, và hôm nay cho ra mắt sản phẩm đầu tiên.
"Nhưng cả hai phía đang hợp sức để phát triển thêm các sản phẩm khác nhằm cung cấp cho nông dân tại Việt Nam", ông Schilling nói.
Khách hàng đầu tiên sử dụng sản phẩm mới này là Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận chuyên trồng rừng keo tại tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ nhiệm HTX Hiệp Thuận, và ông Ngọc Anh (Bảo Minh) ký hợp đồng tại sự kiện ở TP.HCM.
Ông Dương cho biết: "Chúng tôi tin rằng sản phẩm này, cùng với hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, chúng tôi sẽ giúp 40 chủ rừng với khoảng 154,5 hectare rừng keo áp dụng giải pháp kỹ thuật quản lý rừng tiên tiến thêm yên tâm trồng rừng keo tại địa phương".
HTX Hiệp Thuận thành lập năm 2017 tại Quảng Nam với 15 thành viên và hơn 200 chủ rừng liên kết trồng keo với 1.200 hectare rừng đạt chứng nhận quản lý rừng FSC của quốc tế.
Hiệp Thuận được chứng nhận FSC CoC (chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, dành cho các đơn vị chế biến các sản phẩm từ rừng) vào năm 2021 và hằng năm được đánh giá duy trì. Năm 2023, HTX nhận được chứng nhận FSC. Hoạt động chính của Hiệp Thuận là trồng, khai thác và chế biến gỗ keo.
Về phía USAID, tổ chức quốc tế này tài trợ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học hoạt động tại 7 tỉnh Lào Cai, Sơn Lan, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam từ 2020 đến 2025.