Triển lãm tranh lụa "Duyên Tơ" diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 11 đến 16/3, trưng bày 57 tác phẩm tranh lụa với nhiều chủ đề: Tĩnh vật, chân dung, vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người các vùng miền, gia đình, tình yêu… Triển lãm do nhóm 6 Cọng Lụa gồm 6 họa sĩ Nguyễn Thị Đỗ Quyên (TP.HCM), Trần Thục Quyên (TP.HCM), Hoàng Hồng (Quảng Bình), Tiểu Tân (Huế), Lương Hiền (Quảng Ninh), Xuân Nguyễn (Đồng Nai) thực hiện.
Tuy mỗi người có khởi đầu và hành trình hội hoạ khác nhau, nhưng họ lại gặp nhau qua một chất liệu mang đến nhiều cảm xúc tươi mới, trầm mặc, thơ mộng, bay bổng. Mỗi hoạ sĩ tự ví mình như những cọng tơ mỏng, nhờ duyên lành với hội hoạ mà đan kết lại với nhau thành một bức tranh lớn "Duyên Tơ" nhiều màu sắc và câu chuyện.
Dù đề tài, bút pháp, phong cách khác nhau, nhưng các tác phẩm cùng mang đến những cảm xúc tinh khôi, nhẹ nhàng, trong trẻo, đượm tình. Giữ trọn tinh thần mềm mại vốn có của tranh lụa, cộng thêm kỹ thuật và bút pháp của mỗi họa sĩ, hồn tranh các tác phẩm được thể hiện rất riêng, thấm đẫm tính đương thời. Lụa như một mối duyên lành, để những ấp ủ bấy lâu trong tâm trí các hoạ sĩ có dịp được trôi, chảy một cách êm đềm qua từng mảng hình, nhân vật hay nhịp điệu tác phẩm.
Trung thành với chủ đề về mối tương giao con người và thiên nhiên, tình mẫu tử thiêng liêng, hoạ sĩ Đỗ Quyên bày tỏ: "Lụa nối kết người vẽ với người xem nhờ sự mềm mại sẵn có. Lụa mềm trong chất liệu ban đầu, càng mềm hơn khi kết hợp với màu và nước. Đỗ Quyên đã chọn cho mình một hướng đi song hành với hội hoạ nhờ sự mềm mại vốn có này của lụa. Bởi ở đó, người hoạ sĩ có thể gửi gắm tâm tình một cách mượt mà hơn, với hy vọng những câu chuyện về tình mẫu tử, hay vẻ tinh khôi của lá, của hoa cứ theo dải màu trên mặt lụa chảy ngọt vào tim người thưởng lãm".
Được biết đến là "người hoạ sĩ với những chuyến đi", Thục Quyên đã lưu giữ những điều thật đẹp vào tranh lụa. Đó có thể là chân dung những người dân bình dị, hoà mình với đất và nước nơi họ sống; có thể là cành cây, cọng cỏ, nhánh hoa ven đường…
Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ vươn lên như những bông hoa kiên cường giỏi giang trước những chông gai sỏi đá của cuộc sống hiện lên sống động trong tranh lụa của chị. Thục Quyên thích vẽ những bộ trang phục của người dân tộc bởi đó là điển hình của bản sắc và bởi chị yêu nếp sống mộc mạc, bình dị của nhân vật.
Trong khi đó, với "Duyên Tơ", hoạ sĩ Hoàng Hồng mang đến những tác phẩm rất tinh tế. Anh đi tìm vẻ đẹp của hoa trái, sản vật nơi những vùng đất từng đi qua khai thác trên chất liệu lụa. Có lúc, anh gửi gắm suy tư trong những bức tranh thiếu nữ đương độ xuân thì. Hình tượng cô gái trong tranh Hoàng Hồng luôn mưu cầu tự do không ràng buộc.