Như Dân Việt đã đưa tin ngày 12/3, với bài báo: "Bình Phước: Công an vào cuộc điều tra vụ cha dượng đánh đập dã man bé trai 9 tuổi". Xuất phát từ mạng xã hội xuất hiện một clip dài khoảng 2 phút, thể hiện một người đàn ông có hành vi bạo hành, đánh đập dã man một bé trai. Đoạn clip gây phẫn nộ trong cộng đồng dư luận trên cả nước.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cơ quan chức năng tới nay vẫn chưa có động thái gì để khởi tố vụ án hình sự, do thương tích bé Lê Tấn A. (9 tuổi) chưa đủ tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên (mặc dù bé A. bị cha dượng Lê Đức Thắng đánh, đạp dã man bằng tay, chân, chày giã…).
Song, xung quanh vụ việc này, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.HCM) - đã gửi tới Dân Việt bài phân tích pháp lý. Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, với chứng cứ rất cụ thể và đầy đủ tại đoạn clip dài 2 phút; dấu hiệu của tội phạm hình sự là rất rõ.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng: Xét về hành vi của người cha dượng qua clip, thể hiện liên tục dùng vũ lực đánh đập vào thân thể đứa bé mới 9 tuổi không có khả năng tự vệ, phản kháng lại.
Hậu quả là đến khi người mẹ về nhà, thấy con bị thương, bà đã đưa con đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện.
Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là phải tiến hành giám định thương tật đứa bé phải gánh chịu. Hành vi của người cha dượng này có dấu hiệu vi phạm của tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".
Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 134 - Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đối với người dưới 16 tuổi hoặc người không có khả năng tự vệ thì vi phạm "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".
Như vậy, nếu tỷ lệ thương tật của đứa bé có kết quả trên 11%, hoặc dưới 11%; nhưng qua xác minh của cơ quan có thẩm quyền, thì đứa bé bị hành hạ hiện đang 9 tuổi, nên thuộc trường hợp vi phạm đối với người dưới 16 tuổi hoặc người không có khả năng tự vệ. Do đó, đủ điều kiện khởi tố vụ án theo Điều 134 - Bộ luật Hình sự.
Xin lưu ý rằng, tại khoản 1, Điều 155 - Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đối với tội phạm quy định tại khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự; khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi.
Trong trường hợp cha dượng đánh đập bé trai ở Bình Phước: Bé trai 9 tuổi là trẻ vị thành niên, nên cha mẹ là người giám hộ đại diện trẻ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Ngoài cha mẹ ruột của đứa bé thì các cơ quan có thẩm quyền, hoặc tổ chức đoàn, hội bảo vệ quyền trẻ em cũng có thể lên tiếng bảo vệ đứa bé trước hành động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cha dượng.
Ngoài ra, xét về mặt quan hệ gia đình thì người đàn ông trong clip là cha dượng của đứa bé và sống cùng nhà. Do đó, đứa bé là người lệ thuộc vào cha dượng.
Nên hành động của người cha dượng này còn có dấu hiệu hành vi đối xử tàn ác, hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, là dấu hiệu vi phạm "Tội hành hạ người khác", theo quy định tại Điều 140 - Bộ luật Hình sự. Vì thế, các cơ quan tố tụng cũng cần xem xét đến khía cạnh này.
Về sự vụ này, theo ông Ngô Văn Thuấn - Phó đội trưởng Đội cảnh sát hình sự - Công an TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước: "Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, tiến hành xác minh vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự, trưng cầu giám định cháu Lê Tấn A.. Căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự, để thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đồng Xoài, cùng báo cáo, rồi sau đó sẽ tiến hành xử lý về tội danh đúng theo quy định".