Chưa năm nào vườn vải của hộ anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) lại có tỷ lệ vải ra hoa đạt thấp như vụ này. Theo anh Quyên, với hơn 1 ha vải, năm ngoái thu khoảng chục tấn quả, trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng. Trái lại, hiện nay chỉ có 20% diện tích vải có hoa, anh dự báo gia đình thất thu mùa quả này.
“Ngay khi thu hoạch quả ở vụ trước, tôi đã bón bổ sung dinh dưỡng giúp cây hồi phục, tỉa thưa cành. Thế nhưng thời tiết thay đổi nên những biện pháp kỹ thuật thông thường như khoanh cành, hãm nước không có tác dụng, cây vẫn chỉ xanh lá. Với đà này, đến lúc thu hoạch may ra được vài tạ quả”-anh Quyên nói.
Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Cúc, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) có gần 1.000 cây vải thiều đã cho thu hoạch hơn 10 năm. Cả đồi vải chỉ thấy lưa thưa vài chùm hoa.
Bà chia sẻ: “Vụ nào cũng vậy, vườn vải thiều trĩu quả không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà còn tạo cảnh quan khu du lịch Đồng Giao phục vụ khách tham quan trải nghiệm mùa quả ngọt. Năm nay thì không được như thế. Mấy ngày qua, tôi cắt bỏ những chùm lộc non mới nhú, phun bổ sung chế phẩm phân bón qua lá có hàm lượng vi lượng cao với hy vọng sẽ cải thiện được phần nào tình hình”.
Huyện Lục Ngạn hiện có hơn 17.300 ha vải, vải thiều chính vụ ra hoa thấp. Đối với vải sớm, tỷ lệ ra hoa cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đạt từ 50-60%. Đánh giá của cơ quan chuyên môn, ở huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, vải chính vụ cũng ít hoa, tín hiệu cho thấy sản xuất vải thiều gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có hơn 29.600ha vải thiều, trong đó hơn 22.000 ha vải chính vụ còn lại là vải sớm.
Dự báo vải thiều sẽ không được mùa như các năm trước. Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, từ cuối năm 2023 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, mùa đông có mức nhiệt trung bình ấm hơn những năm trước; thời gian rét sâu không kéo dài, kèm theo có mưa ẩm sớm, không thuận lợi cho cây vải đến kỳ ra hoa. Mặt khác, vải thiều sau nhiều năm liên tiếp được mùa nên "sức khoẻ" cây trồng bị ảnh hưởng, dẫn đến tỷ lệ ra hoa đạt thấp.
Vải thiều ra hoa thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, hiệu quả canh tác. Thời điểm này vải chính vụ đang trong giai đoạn phát triển chùm hoa. Để tăng tối đa diện tích vải ra hoa, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị các huyện trọng điểm sản xuất vải tập trung như Lục Ngạn, Tân Yên chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bám sát diễn biến thời tiết, kết hợp các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho diện tích còn lại ra hoa, đậu quả. Trung tâm dịch vụ kỹ thuật tổng hợp các huyện cử cán bộ chuyên môn bám sát từng địa bàn, hộ gia đình trồng vải để tư vấn, hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết: “Trung tâm thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng vải theo từng địa bàn, nhất là tại 103 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc…
Tại những nơi này, chúng tôi hướng dẫn bà con áp dụng nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc cho trà vải đã ra hoa sinh trưởng khỏe mạnh, tập trung dưỡng hoa để tăng tỷ lệ thụ phấn, đậu quả. Chú trọng cắt tỉa cành ở những cây không ra hoa, tạo độ thông thoáng, hạn chế côn trùng, sâu bệnh hại trú ngụ, lây lan dịch bệnh trong giai đoạn thời tiết giao mùa”.
Thực tế cho thấy, năm nào tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt thấp thì năm đó vải thiều được giá cao, việc tiêu thụ thuận lợi. Vì thế càng phải chăm sóc tốt hơn cho diện tích vải có hoa, nâng cao chất lượng, mã sản phẩm để tăng giá trị. Là một trong những hộ trồng vải lâu năm ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên), ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ kinh nghiệm: “Trước đông chí (22/12) 10 ngày, tôi phun ủ và phân hoá mầm hoa, phun 2 lần cách lần trước 7-10 ngày.
Trong thời gian ủ và phân hoá mầm hoa thời tiết có mưa nhiều nên tiến hành khoanh thân cây để cắt nguồn nước. Mức độ, vị trí, số lần khoanh tuỳ thuộc vào mức độ sinh trưởng của cây”. Với cách làm đó, trong khi nhiều nơi vải thiều ra hoa thấp thì tại vùng vải sớm xã Phúc Hòa tỷ lệ ra hoa vẫn đạt hơn 90%, trong đó có vườn đạt gần 100%. Phát huy lợi thế trước mắt về tỷ lệ vải thiều sai hoa, báo hiệu được mùa, thời điểm này, người dân xã Phúc Hòa đang tập trung theo dõi phòng trừ dòi đục quả non, sương mai trên hoa.
Trước tác động bất lợi của thời tiết như thời gian qua, sản lượng vải thiều năm nay khó đạt mục tiêu. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động bám sát tình hình thời tiết, dự báo diễn biến sâu bệnh; hướng dẫn nhà vườn biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường tối đa tỷ lệ ra hoa, đậu quả, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay đang là giai đoạn “vàng” cần tập trung kỹ thuật chăm sóc trên cả diện tích vải đã ra hoa và chưa có hoa. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị tiếp tục cử cán bộ bám sát các vùng trồng, hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc, ức chế mầm hoa để vải thiều chính vụ ra hoa đạt tỷ lệ cao nhất; khuyến cáo với trà vải sớm cần tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, sử dụng các loại phân bón lá giàu vi lượng để quá trình nở hoa, đậu quả được thuận lợi.
Đối với trà vải chính vụ đã ra hoa, bà con cần tưới nước nhẹ lên tán cây, sử dụng phân bón qua lá giàu vi lượng để cây ra hoa được thuận lợi. Nếu vải vừa ra hoa vừa ra lộc, người dân lưu ý không tưới nước nhằm hạn chế quá trình hình thành lộc. Những cây ra hoa kèm theo lộc cần được ngắt bỏ lá mọc kèm ngay khi lá non vẫn còn đỏ. Người trồng tiếp tục hạn chế độ ẩm của đất và phun bổ sung phân bón qua lá có hàm lượng lân và kali trung bình, giàu vi lượng, kết hợp với chất điều hòa sinh trưởng như Kích phát tố hoa trái Thiên Nông, Atonik... nhằm kích thích phát triển mầm hoa.